Điện thoại 2 SIM do Viettel sản xuất lên kệ tháng 12
Model Sumo V6206 của Viettel là một dòng điện thoại phổ thông 2G, trang bị màn hình màu TFT 1,7 inch, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ và thời gian đàm thoại 5 tiếng.
Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, Viettel liên tiếp công bố đã lần đầu tiên sản xuất thành công các dòng điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh giá rẻ.
Trong khi mẫu smartphone 3G V8403 đã chính thức lên kệ cùng với trung tâm trải nghiệm thông minh của hãng thì dòng điện thoại phổ thông Sumo V6206 chỉ có thể lên kệ vào tháng 12. Trước những thông tin cho rằng đây là một model nhập khẩu và dán nhãn Viettel như một số dòng sản phẩm Sumo trước đây, đại diện của Viettel đã lên tiếng xác nhận, Sumo 2G V6260 là sản phẩm hoàn toàn do Viettel nghiên cứu, thiết kế và chế tạo.
Cụ thể, các kỹ sư của hãng đảm nhiệm toàn bộ công việc từ chế tạo khuôn mẫu đến gia công các loại bo mạch, lập trình các dây chuyền lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng tại công ty Thông tin M1 (An Khánh, Hà Nội).
Model Sumo V6260 do các kỹ sư của Viettel tự nghiên cứu và chế tạo. |
Về thông số cụ thể, Sumo V6260 thiết kế dưới dạng một model 2 SIM 2 sóng, nặng 70.5 gram trang bị màn hình TFT 1,77 inch độ phân giải 128 x 160 pixel. Máy được tích hợp camera độ phân giải 0,1 megapixel, bộ nhớ trong 96 MB hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ lên đến 32 GB, pin dung lượng 900 mAh cho thời gian gọi 5 tiếng.
Ngoài thị trường Việt Nam, model này cũng sẽ được bán ra tại những thị trường nước ngoài mà Viettel đang đầu tư như Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique. Theo một số nguồn tin, model này sẽ được bán ra với giá 500.000 đồng (đi kèm một SIM Viettel có 290.000 đồng trong tài khoản).
Sau thành công bước đầu của việc chế tạo điện thoại phổ thông và smartphone tầm thấp, Viettel đang ấp ủ ý định sản xuất những thiết bị cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính all-in-one và cả các thiết bị hạ tầng mạng. Để phục vụ cho mục đích của mình, phía Viettel đã cho xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển, cùng với đó là một Trung tâm Sản xuất Điện tử với nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm điện tử viễn thông mới. Trong năm 2011, dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử trị giá 200 tỉ đồng của Viettel cũng đã đi vào hoạt động.
Thành Duy
Theo Infonet