Chiến dịch tranh cử của Trump được đánh giá là gây chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ từ trước đến nay. Do vậy, ông khó có thể mời gọi nhân tài hoặc thậm chí không nhiều chính trị gia muốn hợp tác với vị tỉ phú. Đặc biệt khi rất nhiều nhân vật có tiếng tăm đã tuyên bố tẩy chay Trump trong suốt năm qua.
Do vậy, đội ngũ phụ trách giai đoạn chuyển tiếp của Trump trong vài tháng qua đã bí mật xây dựng danh sách các nhân vật tiềm năng cho những vị trí lãnh đạo trong chính phủ liên bang. Vốn là một doanh nhân, Trump rất có thể sẽ nhắm tới những người thành công tương tự ông trong giới thương trường.
Forrest Lucas, nhà đồng sáng lập công ty Lucas Oil, có thể trở thành Bộ trưởng Nội vụ. Còn cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich có thể là ngoại trưởng mới của Mỹ. Ảnh: news.com.au.
|
"Tôi biết những người thông minh nhất ở Phố Wall. Chúng tôi sẽ sử dụng những người này. Đó là cựu tổng giám đốc General Electric Jack Welch, đồng sáng lập công ty quản lý quỹ vốn tư nhân KKR Henry Kravis. Tôi rất mong muốn đưa người bạn tỷ phú Carl Icahn vào bộ máy", Trump nói trong một phát biểu hồi tháng 6.
Theo kênh NBC, bạn đồng hành của ông Trump là ông Mike Pence dự kiến sẽ thể hiện nhiều hơn trên cương vị phó tổng thống.
"Ông sẽ tham gia đáng kể và đóng vai trò lớn trong chính quyền của Trump", một nguồn tin của NBC nói.
Trên cương vị tổng thống, ông Trump có quyền hạn bổ nhiệm 4.000 vị trí lãnh đạo các cơ quan liên bang. Khoảng 1/4 trong số trên cần được Thượng viện phê chuẩn. Cơ quan này hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Hiển nhiên, Trump sẽ dành "phần thưởng" là những vị trí trọng yếu nhất trong chính phủ cho những người kiên quyết trung thành và sát cánh cùng ông đến phút cuối trong cuộc bầu cử. Họ có thể được chọn phụ trách những lĩnh vực quan trọng như đối ngoại và quốc phòng. Đây đều không phải thế mạnh của Trump và ông được cho là phải dựa vào người cố vấn khá nhiều.
Bà Kellyanne Conway, nữ quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, được cho là sẽ được bổ nhiệm "vào bất kỳ chức vụ nào mà bà ấy muốn". Ảnh: AFP.
|
Nhiều tờ báo Mỹ dự đoán chức ngoại trưởng - bộ trưởng cấp cao nhất trong nội các - có thể dành cho cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich. Ông Gingrich là một trong những người ủng hộ Trump nhiệt thành nhất.
Một ứng viên khác cho vị trí này có thể là Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Nghị sĩ Corker từng tiết lộ rằng ông "nghiêm túc cân nhắc" việc trở thành ngoại trưởng.
Đối với chức Bộ trưởng Tài chính, chính Trump từng tỏ ý muốn giao nhiệm vụ này cho giám đốc phụ trách tài chính trong chiến dịch tranh cử Steven Mnuchin. Mnuchin từng có 17 năm kinh nghiệm làm lãnh đạo ở ngân hàng Goldman Sachs và hiện là chủ tịch một quỹ đầu tư.
Về vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quốc phòng đảng Cộng hòa có thể được bổ nhiệm chức này nổi bật là Thượng nghị sĩ Jefferson Sessions (bang Alabama). Ông là một trong những cố vấn thân cận nhất của Trump về các vấn đề an ninh, quốc phòng.
Cố vấn quân sự thân tín của Trump là Thiếu tướng Mike Flynn, nguyên Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), cũng là một ứng cử viên. Flynn còn là nhà bình luận thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình RT, đơn vị có sự hỗ trợ của Nga.
Tuy nhiên, ông Flynn cần được sự chấp thuận miễn trừ từ quốc hội để trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc (do luật pháp Mỹ quy định các tướng lĩnh quân sự phải đợi 7 năm để trở thành nhà lãnh đạo dân sự tại Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra, tướng Flynn cũng có thể được bổ nhiệm vị trí cấp cao khác trong chính quyền, như chức Cố vấn An ninh Quốc gia.
Người được nhắc đến nhiều nhất cho chức Bộ trưởng Tư pháp là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York và trở thành cố vấn của Trump từ mùa hè này. Giuliani cũng là một trong những người thường xuyên "nói đỡ" hộ Trump nhiều nhất trong quá trình tranh cử.