Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (đoạn Nhổn-ga Hà Nội), có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình này sẽ được đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao cuối năm 2021, đoạn đi ngầm vào cuối năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một dự án đã khởi công 10 năm qua đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác là công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, có tổng chiều dài là 13,8 km chạy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông. Với kỳ vọng đầu tư đồng bộ để tạo kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khách giữa nội đô Hà Nội và ngoại thành, tuy nhiên, sau 1 thập kỷ, các dự án đều chậm tiến độ, không đồng bộ. Đây là một trong số ít dự án ở thủ đô có nguy cơ khó phát huy hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đường vành đai 3 trên cao (ký hiệu toàn tuyến là CT.20) là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, dài khoảng 65 km, đi qua 9 quận, huyện của Hà Nội. Do là tuyến huyết mạch kết nối nhiều cao tốc đến Hà Nội và là một trong hai trục đường chính đi sân bay Nội Bài, cung đường này thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nút giao nối đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1/2020, dài gần 1,5 km, chiều rộng mặt đường từ 33-51 m. Sau khi khánh thành, tình trạng ùn tắc giao thông ở hướng Đông Bắc cửa ngõ thủ đô được cải thiện đáng kể. Ảnh: Đức Anh. |
Dự án đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long dài 5,3 km trong đó chiều dài cầu cạn 4,8 km, có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng. Công trình được xây dựng với quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h, thông xe từ tháng 10/2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nút giao 3 tầng Trung Hoà - đại lộ Thăng Long gồm hầm đường bộ theo hướng Trần Duy Hưng - đại Lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao cùng đường bộ với 4 làn xe chạy. Công trình tạo kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía Tây và các trục chính phía Đông Bắc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại. Ảnh: Đức Anh. |
Đầu tháng 11/2020, đường vành đai 2 trên cao, đoạn dọc đường Trường Chinh chính thức đưa vào khai thác (trong ảnh). Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng. Theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), công trình được xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, dài 5,1 km, rộng 19 m. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với chiều dài toàn tuyến lên tới 29,2 km, Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam, có điểm đầu tại ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Chiều rộng của đại lộ 140 m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe, 2 dải đường đô thị 2 làn xe cùng dải phân cách giữa. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cầu vượt và nút giao thông trung tâm quận Long Biên dài 800 m, được khởi công ngày 6/5/2014, thông xe kỹ thuật tháng 1/2016. Công trình được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Dự án có hạng mục chính là cầu vượt qua vòng xuyến gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông các tuyến cửa ngõ phía Bắc thủ đô với quốc lộ 5, đường 5 kéo dài; giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông ở khu vực này. Ảnh: Đức Anh. |
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh Tây và Tây Bắc Hà Nội. Cầu gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu 54,5 m, ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Công trình có khả năng chịu được động đất cấp 8. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng với tổng chiều dài 8.930 m bao gồm: phần cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755 m với bề rộng mặt cầu 33,2 m (6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp). Riêng cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp tượng trưng 5 cửa ô Hà Nội với tổng chiều dài 1.500 m, phần đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.170 m. Đây là một trong những công trình biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu từ đường dẫn cầu Nhật Tân chạy qua Đông Anh và Sóc Sơn tới điểm giao cắt với quốc lộ 18. Tuyến đường dài 12 km, rộng 70-100 m, có tổng mức đầu tư 4.945 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Trong ảnh là nút giao Võ Nguyên Giáp với đường Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hà. |