Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện Biên sẽ trồng hàng nghìn ha 'cây tỷ đô'

Nguyên Phó thủ tướng - Nguyễn Công Tạn khẳng định: “Điện Biên là tỉnh có điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Tây Bắc để trồng cây mắc ca”.

Điện Biên sẽ trồng hàng nghìn ha 'cây tỷ đô'

Nguyên Phó thủ tướng - Nguyễn Công Tạn khẳng định: “Điện Biên là tỉnh có điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Tây Bắc để trồng cây mắc ca”.

Mắc ca có mặt ở Việt Nam từ năm 2002, sau chuyến khảo sát về cây mắc ca tại Úc của đoàn công tác chính phủ Việt Nam do ông Nguyễn Công Tạn dẫn đầu. Tới nay mắc ca đã được trồng khá phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên với diện tích lên tới hàng nghìn ha và mới đây, sau 10 năm thử nghiệm, nguyên Phó thủ tướng - Nguyễn Công Tạn đã kiểm tra thực địa tại Điện Biên, kết quả cho thấy  100% cây mắc ca trồng tại Điện Biên đều sai quả và tỷ lệ sống lên tới 98%.

 
Cây mắc ca 5 năm tuổi bắt đầu ra quả.

Mắc ca được trồng ở Úc, Thái Lan, Trung Quốc… nhân quả mắc ca được đánh giá là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng đứng đầu trong các loại hạt hiện nay, được sử dụng làm bánh kẹo cao cấp, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Hiện nay giá bán quả mắc ca tại Việt Nam lên tới 300.000/kg ở phía Bắc và chủ yếu dùng để làm giống. Thực tế cho thấy, mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần so với cây cà phê. Tuy hiệu quả kinh tế cao song trên thế giới sản lượng mắc ca mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu tiêu thụ do không có nhiều vùng khí hậu phù hợp với loại cây này, ông Phạm Duy Thành, Giám đốc công ty Macadamia Điện Biên cho biết.

Với giá bán như hiện nay, 1ha mắc ca giá trị đạt tới 2.000- 3.000USD. Nếu xét về giá trị kinh tế, không có loại cây nào đủ sức cạnh tranh với mắc ca. Trong 10 năm nữa, mắc ca sẽ trở thành cây tỷ đô (USD); 20 năm nữa nó còn có thể vượt qua kim ngạch xuất khẩu của lúa gạo.

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn

Tại Việt Nam, theo nguyên Phó thủ tướng - Nguyễn Công Tạn, có 2 vùng có điều kiện tự nhiên rất phù hợp đó là Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam. Tại Tây Bắc, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là 3 tỉnh có khí hậu lạnh, không mưa phùn về mùa xuân do đó rất phù hợp để mắc ca ra hoa và đậu quả.

Tại Điện Biên, các cây mắc ca được trồng thử nghiệm từ năm 2002, 2003, 2006 đã cao trên 10m và rất sai quả. Loạt cây trồng thử nghiệm 5 năm tuổi cũng cho thấy năng suất và chất lượng rất tốt. Hiện nay công ty Maccadamia Điện Biên cũng đã trồng được gần 40ha cây mắc ca và đang dự định mở rộng diện tích trong năm nay.

 
Nguyên Phó thủ tướng - Nguyễn Công Tạn đi kiểm tra một vườn mắc ca tại Điện Biên.

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Điện Biên cho biết, tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh phát triển diện tích cây mắc ca trong thời gian tới.

Phương án trồng xen Mắc ca và cà phê được xác định là cách thức để phát triển nhanh chóng diện tích mắc ca một cách bền vững. Phương pháp này vừa tạo bóng mát cho cà phê đồng thời giảm công chăm sóc và gia tăng thu nhập cho nông dân ngay chính trên diện tích đất đang trồng cà phê.

Với việc xen canh mắc ca với hơn 4.000 ha cà phê hiện có, diện tích mắc ca ở Điện Biên sẽ nhanh chóng đạt tới con số hàng nghìn ha. Cũng với cách thức xen canh này, vùng nguyên liệu mắc ca ở Sơn La, Lai Châu cũng sẽ nhanh chóng hình thành và phát triển.

 
Trồng xen mắc ca và Cà phê.

Tuy nhiên một trong những khó khăn trước mắt của mắc ca là cây giống vẫn khá đắt, khoảng 100.000 đ/cây. Năm 2003 Úc tặng cho Việt Nam 100 cây và 100 cây này được đưa về trung tâm giống cây trồng Ba Vì. Cũng theo ông Thành, giám đốc công ty Maccadamia Điện Biên, hiện chỉ có 2 cơ quan là trung tâm giống cây trồng ba vì và công ty phát triển Giống cây trồng phía bắc chính thức được cấp phép nhân giống cây mắc ca. Đây cũng là 2 cơ quan được ông Thành đánh giá là cung cấp giống mắc ca tốt nhất hiện nay. Đối với các giống mắc ca trôi nổi trên thị trường, ông Thành cho rằng, rất khó đánh giá chất lượng.

Cây mắc ca là cây lâu năm, bắt đầu cho quả từ năm thứ 5 và đạt năng suất cao từ năm thứ 7. Cây mắc ca có thể cho quả tới 60 năm tiếp theo và thân gỗ của nó có thể sử dụng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chi phí phân bón và chăm sóc đối với loại cây này không quá 50.000 đ/cây mỗi năm. Đối với các tỉnh phía Bắc, mắc ca còn có thể trở thành loại cây phủ xanh, giữ đất…

Như vậy sau cao su, cà phê, cây mắc ca sẽ là cây chủ lực cho phát triển kinh tế ở Tây bắc. Khi kế hoạch thay thế 100.000 ha cà phê già cỗi bằng mắc ca ở Tây Nguyên được thực hiện xong, cùng với hàng nghìn ha mắc ca ở Tây Bắc, Việt Nam ngoài việc được biết tới là một cường quốc về cà phê, hạt tiêu, lúa … sẽ còn là một cường quốc về mắc ca.

Khảo sát thực tế tại các tỉnh Tây nguyên cho thấy, 1 ha cà phê có khoảng 1.100 cây, tính trung bình mỗi năm thu được 3,8 tấn, vụ cà phê vừa rồi giá bán khoảng 40.000 đồng/kg thu 155 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha mắc ca trồng khoảng 300 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 4,5 tấn. Với giá bán 120.000 đồng/kg đã thu được 540 triệu đồng. Về chi phí, mỗi năm 1 cây mắc ca chỉ tốn hết 3kg phân, hết 9 tạ/ha, trong khi đó trồng cà phê cũng bón 3kg/cây mất 3,3 tấn/ha. Như vậy, mắc ca cho doanh thu lớn hơn, trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc lại thấp hơn trồng cà phê. Với thực tế này nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo Nhà Báo và Công Luận

Theo Nhà Báo và Công Luận

Bạn có thể quan tâm