Đó là nhận định của ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại Hội nghị Hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam VNREA diễn ra tại Đà Nẵng.
Theo ông Trần Kim Chung, trong 10 năm qua, giá bất động sản đã trải qua những thăng trầm rõ nét. Trong giai đoạn 2004-2007, giá tăng phi mã. Có những địa bàn giá tăng 300%. Đây là giai đoạn giá xác lập những mặt bằng mới một cách liên tục.
Giá bất động sản 10 năm qua có nhiều thăng trầm |
Đến cuối năm 2007, tại các địa bàn tốt, các dự án tốt, giá bất động sản đã tăng khoảng 300% so với giá năm 2004. Chẳng hạn, khu Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) xác lập giá chung cư cao tầng ở mức 25-30 triệu đồng/m2 so với mức 5-7 triệu khi các sản phẩm này được rao bán năm 2004-2005. Giá đấu giá đất tại khu vực này đạt đỉnh vào năm 2008 ở mức 100 triệu đồng/m2.
2008-2010 là giai đoạn giá đi ngang. Một số chủ đầu tư có những quyết định giảm giá để rút khỏi thị trường, nhưng phần đông các chủ đầu tư chỉ không tiến hành mở rộng, giao dịch, nhưng không giảm giá. Thị trường cũng không thể hiện sự giảm giá.
Bước sang giai đoạn 2011-2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh. Nơi xuống nhiều nhất là gần 50%. Hàng loạt chương tình khuyến mại giảm giá, hỗ trợ của chủ đầu tư đưa ra nhưng thị trường vẫn không tiếp nhận. Giá của nhiều dự án, sản phẩm giảm. Thậm chí có những địa bàn, những sản phẩm giảm 50%.
Tuy nhiên, đây chủ yếu do tác động của khủng hoảng và đóng băng tín dụng nên thị trường không có tính thanh khoản. Vì vậy, giá giảm chủ yếu để cắt lỗ và thoái vốn, giao dịch thực cũng không diễn ra nhiều. Nhiều dự án nhà thương mại, đầu tư xây dựng khu đô thị được điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.
Từ năm 2014 trở đi, giá bất động sản không tiếp tục giảm, có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Cũng vì thế những gói khuyến mại, chiết khấu đã giảm đi rõ rệt.
Cùng với những dấu hiệu vĩ mô tốt, từ tháng 9/2014, giá bất động sản đã có xu hướng tốt. Trước hết, các gói khuyến mại về chiết khấu, về hỗ trợ cả gói đã giảm dần. Một số sản phẩm của các dự án đã hoàn thành đã lập lại mức giá của những năm 2008-2010.
Tuy nhiên, số lượng giao dịch chưa nhiều. Đặc biệt các giao dịch mới của các dự án mới chưa diễn ra nên chưa khẳng định được liệu có một mặt bằng giá mới hay không.
Giá sản phẩm giao dịch không tiếp tục đà giảm, bước đầu có sự ổn định hơn. Mặt bằng giá nhà ở tương đối ổn định, không tiếp tục giảm. Nhiều dự án giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm trên 30% thì trong 9 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp.
Hội nghị Hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam VNREA diễn ra tại Đà Nẵng |
Một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ từ 1-2% so với năm 2013. Tại phân khúc căn hộ cao cấp, hoạt động chào bán lại tại các dự án diễn ra khá sôi động với các chương trình khuyến mại lớn như: tặng gói nội thất, tặng xe hơi... Chính sách trả chậm được thực hiện khá phổ biến, do hầu hết các dự án này đều đã hoàn thiện và khách hàng mua có thể vào ở ngay.
Đặc biệt, mức giá tại nhiều dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp đồng loạt giảm xuống dưới 30 triệu đồng/m2. Đơn cử, căn hộ chung cư cao cấp Golden Land (Thanh Xuân) bàn giao thô ở mức giá dao động 25-27 triệu đồng/m2. Hay như tại dự án Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông) vốn là dự án căn hộ cao cấp, nhưng đến nay khi đã hoàn thiện đủ nội thất thì giá bán cũng chỉ từ 22-29 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT).
"Điều đó cho thấy, các chủ đầu tư không còn quá quan trọng về vấn đề uy tín, mà uy tín lớn nhất là làm sao chủ dự án có tiền mặt để trả nợ. Ưu tiên hàng đầu của các chủ đầu tư hiện nay là giải quyết lượng căn hộ tồn kho lớn của mình", ông Chung nhấn mạnh.