Điện ảnh Nhật Bản là ngành công nghiệp điện ảnh đứng thứ 2 châu Á về doanh thu, đạt tổng 1,14 tỷ USD tiền bán vé từ 15 triệu lượt xem vào năm 2021 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất.
Nhưng theo Variety, chỉ người trong cuộc mới hiểu rằng sau nhiều thập kỷ, điện ảnh Nhật Bản ngày càng xa rời với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Đối với người trong ngành, đặc biệt là các cá nhân làm cho công ty độc lập, lịch làm việc của họ dài khủng khiếp, nhưng lại không có hợp đồng lao động đàng hoàng. Chưa kể, họ còn đối mặt vấn nạn bị quấy rối tình dục.
Vấn đề của điện ảnh Nhật Bản
Vào tháng 6, biên kịch chiến thắng giải Cành cọ Vàng Kore-eda Hirokazu và 6 đạo diễn khác thuộc nhóm có tên Eiga Kantoku Yushi no Kai (tạm dịch: Hiệp hội các đạo diễn phim tình nguyện) đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận action4cinema/Coalition for the Establishment of a Japan CNC (A4C), với mục đích giải quyết vấn đề sâu xa trong ngành.
Họ đặt mục tiêu thành lập phiên bản Nhật Bản của France's Center National du Cinema et de l'Image Anime (CNC) - trung tâm Điện ảnh và Hình ảnh Chuyển động Quốc gia, đây là cơ quan của Bộ Văn hóa Pháp, chịu trách nhiệm sản xuất và quảng bá nghệ thuật điện ảnh và nghe nhìn trong nước.
"Chúng tôi thúc đẩy việc thay đổi cấu trúc dòng tiền của điện ảnh Nhật, đồng thời tạo ra hệ thống vững bền, giúp hỗ trợ không chỉ phim thương mại mà còn cả phim cổ trang", Funahashi Atsushi - đạo diễn kỳ cựu kiêm thành viên sáng lập A4C - phát biểu.
Một trong những mục tiêu của điện ảnh Nhật Bản là đẩy lùi vấn nạn quấy rối tình dục. Trong ảnh là Suiren Midori, nạn nhân của câu chuyện này. Ảnh: NHK. |
Variety đưa tin vào năm 2019, chính phủ Nhật Bản rót vào ngành điện ảnh trong nước 3,5 tỷ JPY (24,5 triệu USD), trong khi ở Pháp, CNC phân bổ khoảng 287 triệu USD để hỗ trợ sản xuất phim.
Việc thúc đẩy một CNC phiên bản Nhật Bản bắt đầu vào cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 khiến tất cả cụm rạp chiếu đóng cửa. Funahashi chia sẻ: "Chúng tôi cần xây dựng hệ thống an toàn cho ngành điện ảnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu bùng phát đại dịch mới hoặc thảm họa khác xuất hiện?".
Nhóm A4C họp hàng tháng để hoàn thành sớm mục tiêu tạo ra mạng lưới an toàn với Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Nhật Bản (Eiren). Đây là cơ quan trong ngành do 4 tập đoàn điện ảnh lớn nhất nước là Toho, Toei, Shochiku và Kadokawa, đứng đầu.
Tương tự Hàn Quốc và Vương quốc Anh, họ xem xét cách thức hoạt động của CNC nhằm thống nhất kế hoạch duy trì ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia thông qua đào tạo, trợ cấp và các sáng kiến khác.
"Chúng tôi nghĩ rằng cơ quan trung ương nên quản lý dòng tiền và thu một số loại thuế từ rạp hát, TV, video và website. Chỉ có vậy mới duy trì được cơ sở hạ tầng và đầu tư cho tương lai", đạo diễn Funahashi nêu ý kiến.
Hideo Sakaki bị nhiều phụ nữ tố cáo có hành vi bạo lực tình dục. |
Ở động thái khác, A4C đang cố gắng loại bỏ vấn nạn quấy rối tình dục đã ngấm ngầm tồn tại từ lâu, nhưng hầu hết được che giấu cho đến khi một loạt bê bối gần đây bị phanh phui đầy rẫy trên báo đài. Đơn cử là scandal của nhà làm phim Sono Sion và Hideo Sakaki.
Vào tháng 4, nữ diễn viên Midori Suiren tố bị Hideo lạm dụng thể xác trong một buổi diễn tập riêng, cách nay 7 năm. Vị đạo diễn này sau đó đưa ra lời xin lỗi chung chung, nhưng không thừa nhận hành vi cụ thể.
Chính vì sự nhẹ tay của pháp luật đối với những người như Hideo, Midori đã ủng hộ thành lập Hiệp hội chấm dứt lạm dụng tình dục trong ngành. Nhóm này liên minh không chính thức với A4C, thu hút nhiều thành viên gia nhập trong thời gian ngắn.
Dưới quan sát của Midori, quá nhiều người vẫn xem lạm dụng tình dục là "vấn đề của người khác" và chỉ biết im lặng chờ nó được giải quyết mà không có động thái chống trả.
Đẩy lùi vấn nạn quấy rối, bắt nạt
Trả lời phỏng vấn Variety, Midori nói lý do vấn nạn lạm dụng tình dục vẫn âm ỉ trong ngành là vì điện ảnh nước Nhật từ lâu đã vận hành theo kiểu kim tự tháp, với các đạo diễn và nhà sản xuất đứng đầu.
Nhìn thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy các nhà môi giới quyền lực tại Nhật đều là nam. Nghiên cứu của nhóm hoạt động Japan Film Project cho thấy mặc dù có tăng chậm, đạo diễn nữ vẫn chỉ chiếm 12% trong tất cả phim được phát hành năm 2020.
Do đó, tiếng nói của nữ bị lép vế, và vô tình họ cũng biến thành nạn nhân của những vụ lạm dụng.
Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Nhật Bản đưa ra tuyên bố ngày 27/4: "Bất kỳ hành vi bạo lực, gồm cả bạo lực tình dục và tất cả hình thức quấy rối khác, đều không nên được dung thứ. Chúng tôi kiên quyết phản đối hành vi sai trái này".
Vụ kiện các cựu nhân viên của nhà điều hành rạp hát và nhà phân phối Uplink chống lại Chủ tịch Takashi Asai vào tháng 6/2020 vì tội bắt nạt chính là bước đột phá trong vấn đề lạm quyền, theo nhà phê bình phim Mark Schilling của Variety.
Nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi Cơ quan Văn hóa của Nhật Bản đưa các biện pháp chống quấy rối vào yêu cầu ngân sách năm 2023 lên Nghị viện. Người trong ngành muốn các sản phẩm riêng lẻ nhận được tài trợ 200.000 JPY (1.400 USD) để đào tạo chống quấy rối và các biện pháp liên quan.
Tiếng nói của nữ vẫn bị lép vế ở ngành điện ảnh Nhật Bản. |
Hơn 2 thập kỷ làm diễn viên, đạo diễn, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia ở Nhật, Norman England đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị quấy rối trực tiếp, từ việc bị hét vào mặt đến bị đá vào người.
"Bắt nạt đã trở thành văn hóa", ông bình luận, và đề cập mối quan hệ tiền bối - hậu bối truyền thống, trong đó người trước có quyền hạn tuyệt đối với người sau. "Người lớn hơn sẽ bắt nạt bạn và nếu khi có cơ hội, bạn được quyền bắt nạt người trẻ hơn", England nói.
Trong bối cảnh hỗn loạn hiện tại, ông tin rằng giải pháp tốt nhất là các hợp đồng lao động cần nêu rõ mọi thứ, từ hành vi ngoài giới hạn, đến giờ làm việc và trả lương. Vị đạo diễn phát biểu: "Một số người không nghĩ rằng hướng giải quyết này sẽ hiệu quả ở Nhật. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó sẽ là văn bản pháp lý hợp lý".
Theo nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, hơn 60% người làm việc tự do trong ngành điện ảnh xứ hoa anh đào đang vất vả lao động mà không có hợp đồng đã ký. "Điều đó hoàn toàn sai lầm", Funahashi nhấn mạnh.
Variety nhận định rằng nếu không có những cải cách này và những cải cách khác, điện ảnh Nhật có thể tiếp tục tuột dốc kéo dài.
"Không giống những năm 1930-1950 - kỷ nguyên vàng của các hãng phim Nhật Bản, ngành này sẽ không còn là mảnh đất cơ hội của các đạo diễn trẻ. Chúng ta phải thay đổi để phim trường một lần nữa trở thành nơi các tài năng cống hiến sức lực và đam mê", Variety kết luận.