Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm yếu của MU dưới thời HLV Ten Hag

Không thể phủ nhận vai trò của HLV Erik ten Hag trong việc hồi sinh Manchester United mùa giải 2022/23. Song, vấn đề về phong độ và chiến thuật vẫn đang tồn tại bên trong "Quỷ đỏ".

MU của HLV Ten Hag có vô số màn trình diễn ấn tượng nhưng cũng không ít lần nhận những thất bại nặng nề.

Kết thúc mùa giải 2022/23, người hâm mộ MU chìm trong mớ cảm xúc lẫn lộn. Một phần, các “Manucian” có thể tạm hài lòng với màn thể hiện của HLV Ten Hag trong năm đầu tiên dẫn dắt đội chủ sân Old Trafford. Phần còn lại, nỗi băn khoăn về liệu “Quỷ đỏ” có thật sự tiến bộ dưới thời thuyền trưởng người Hà Lan vẫn hiện hữu.

So với hai mùa giải trọn vẹn của HLV Ole Gunnar Solskjaer tại MU (2019/20 và 2020/21 - PV), việc Ten Hag về đích thứ ba Premier League không phải thành tích nổi trội. Thậm chí, xét số bàn thắng hay hiệu số bàn thắng bại tại giải đấu số một nước Anh, Solsa làm tốt hơn nhiều so với cựu chiến lược gia Ajax.

MU của Ten Hag chưa ổn định

Mùa 2019/20 và 2020/21, MU dưới sự dẫn dắt của HLV Solskjaer lần lượt ghi được 66 và 73 bàn thắng tại Premier League. Hiệu số bàn thắng bại của “Quỷ đỏ” trong hai mùa giải trên đạt mức 29 và 30. Trong khi đó, mùa này, Ten Hag chỉ giúp đội chủ sân Old Trafford sở hữu 58 pha lập công và có hiệu số ở mức 15, bằng một nửa Solsa.

Athletic cung cấp thống kê về hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng (xG difference), không tính penalty, của MU từ mùa giải 2019/20 đến 2022/23. Hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng là kết quả của phép trừ chỉ số bàn thắng kỳ vọng cho số bàn thua kỳ vọng. Chỉ số này ở mức dương đồng nghĩa với việc CLB tạo ra nhiều cơ hội chất lượng hơn số lần nhận những tình huống tấn công nguy hiểm từ đối phương.

Theo đó, hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng của MU dưới thời HLV Solskjaer, trong hai mùa cầm quyền trọn vẹn, ổn định với việc đa phần đạt mức dương. Chỉ đến mùa 2021/22, thông số mới bắt đầu suy giảm nghiêm trọng dẫn đến sự ra đi của thuyền trưởng người Na Uy. Trong khi đó, chỉ số này của MU dưới thời HLV Ten Hag cũng chủ yếu ở mức dương, nhưng thiếu ổn định hơn thời Solsa.

Ten Hag,  MU anh 1

Hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng của MU mùa 2019/20 và 2020/21 ổn định ở mức dương, trong khi mùa 2022/23 lại thường xuyên trồi sụt. Ảnh: The Athletic.

Ở giai đoạn đầu mùa này, MU có khởi đầu tệ hại với các trận thua 1-2 trước Brighton, 0-4 trước Brentford hay 3-6 trước Manchester City. Thống kê chỉ ra “Quỷ đỏ” thời điểm đó đối mặt với các cơ hội nguy hiểm từ đối phương nhiều hơn là tạo ra chúng.

HLV Ten Hag lần nữa đối mặt vấn đề trên vào giữa mùa nhưng bớt nghiêm trọng hơn và không kéo dài bằng. Sự thiếu vắng Casemiro vì án treo giò hay Christian Eriksen vì chấn thương khi đó có thể là nguyên nhân của sự việc.

Mặc dù bất ổn hơn HLV Solskjaer, những lúc thể hiện tốt của Ten Hag lại ấn tượng hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng của MU mùa 2019/20 và 2020/21 đồng đều nhưng chưa từng chạm mức dương 1. Ngược lại, con số đó của “Quỷ đỏ” mùa này có nhiều thời điểm đạt trên mức dương 1, đặc biệt trong giai đoạn cuối mùa.

Tuy nhiên, khi chơi tệ, đoàn quân của HLV Ten Hag lại thể hiện bộ mặt rất đáng thất vọng. Theo tổng hợp của chuyên gia bóng đá Kees van Hemmen, trong số các đội sở hữu hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng (xGD) trung bình đạt mức dương tại Premier League mùa 2022/23, MU là đội có chỉ số này thấp nhất ở 5 màn trình diễn tệ nhất của CLB (-2,08 - PV).

Ten Hag,  MU anh 2

Thông số của đội chủ sân Old Trafford dưới thời HLV Ten Hag bị tác động nặng nề bởi những màn trình diễn tệ nhất của CLB mùa này. Ảnh: The Athletic.

Nếu xóa 5 trận thua trên sân khách trước Newcastle, Arsenal, Liverpool, Manchester City và Brighton, hiệu số bàn thắng thua kỳ vọng trung bình của MU tại giải đấu số một nước Anh tăng gần gấp đôi từ 0,45 lên 0,84. Tận 16 lần lọt lưới trong các trận đấu trên cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu số bàn thắng bại của “Quỷ đỏ” mùa này.

Các chỉ số của nửa đỏ thành Manchester dưới sự dẫn dắt của HLV Ten Hag bị tác động mạnh bởi những màn trình diễn tệ nhất của CLB. Trong ngày mà MU chơi tệ, màn trình diễn của họ thật sự đáng báo động. Song, khi đội chủ sân Old Trafford thể hiện tốt, họ có thể làm tốt hơn so với thời HLV Solskjaer.

Điểm yếu chiến thuật

Dưới thời HLV Solskjaer, phòng ngự phản công là chiến thuật chủ đạo của MU. Sở hữu những cầu thủ chạy cánh giàu tốc độ như Marcus Rashford, Mason Greenwood và Daniel James, cùng nhạc trưởng Bruno Fernandes với khả năng kiến thiết tốt, phong cách chơi của thuyền trưởng người Na Uy phát huy tác dụng.

Với Fred và Scott McTominay ở vị trí tiền vệ trung tâm, khả năng kiểm soát bóng của MU khi đó không được đánh giá cao. Vì vậy, đoàn quân của Solsa thường lùi sâu, chủ động để đối thủ dâng cao, sở hữu bóng và tấn công. Khi đội bạn mất bóng, “Quỷ đỏ” chuyển trạng thái, tìm khoảng trống sau lưng các hậu vệ của họ để chuyền cho những tiền đạo cánh băng lên.

Mùa 2019/20 và 2020/21, đội chủ sân Old Trafford nằm trong nhóm các đội ghi nhiều bàn nhất nhờ phản công tại Premier League. Mùa 2022/23, HLV Ten Hag không thay đổi điều này, với việc MU có 10 bàn thắng từ các pha chuyển trạng thái tại giải đấu số một nước Anh, nhiều nhất đấu trường này.

Tốc độ của Rashford và Antony, cùng khả năng kiến thiết của Bruno, vẫn tạo nên những tình huống phản công lợi hại. Song, thay vì để đối phương kiểm soát bóng như HLV Solskjaer, chiến lược gia người Hà Lan muốn các học trò chủ động cầm bóng.

Ten Hag,  MU anh 3

MU dưới thời HLV Ten Hag chủ động phối hợp bên phần sân nhà. Ảnh: The Athletic.

MU của Ten Hag thường bắt đầu triển khai bóng từ vùng cấm đội nhà, với những đường chuyền ngắn từ David De Gea sang các hậu vệ. Việc cố giữ bóng thấp khiến đội hình đối phương buộc phải dâng cao hơn để áp sát và lấy bóng.

Điều này khiến khoảng trống sau lưng các hậu vệ đội bạn lộ ra, tạo cơ hội thuận lợi để các chân chạy cánh tốc độ của “Quỷ đỏ” băng lên nhận những đường dọn cỗ từ đồng đội. Cách khai thác hành lang này giống với triết lý của Solsa, chỉ khác chỗ Ten Hag muốn kiểm soát bóng.

Mặc dù Casemiro và Eriksen đã cải thiện đáng kể khả năng giữ bóng của MU, việc triển khai từ sâu bên phần sân nhà vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro bị đối phương cướp bóng gần khung thành đội nhà. Nếu phát huy tác dụng, lối đá của Ten Hag có thể tạo ra nhiều cơ hội. Nhưng nếu mất bóng, cơ hội nguy hiểm sẽ lập tức thuộc về đối phương.

Điểm khác biệt tiếp theo giữa phong cách của HLV Ten Hag và Solskjaer nằm ở lĩnh vực áp sát đối phương. Biểu đồ của Athletic chỉ ra MU dưới thời Ten Hag, trong phần lớn thời gian mùa này, có tần suất pressing và đoạt bóng ở 1/3 cuối sân đối phương cao hơn mùa 2018/19 và 2019/20.

Ten Hag,  MU anh 4

MU của HLV Ten Hag có tần suất pressing thành công bên phần sân đối phương vượt trội so với thời Solskjaer. Ảnh: The Athletic.

MU thông thường sẽ áp sát ngay khi đối phương triển khai bóng từ phần sân nhà. Các cầu thủ ở tuyến đầu của “Quỷ đỏ” chủ động vây bắt hậu vệ đang cầm bóng và các vệ tinh bên cạnh cầu thủ này. Các tiền vệ nửa đỏ thành Manchester lúc này cũng gây áp lực lên tuyến giữa đối phương để bắt các đường chuyền ngắn lên trên của người đang giữ bóng.

Lisandro Martinez và Raphael Varane ở tuyến dưới được giao nhiệm vụ theo sát trung phong đội bạn nhằm tạo lợi thế quân số khi đối phương chuyền dài. Tuy nhiên, với việc hai kèm một này, một cầu thủ đội bạn sẽ không bị MU theo kèm.

Nếu "Quỷ đỏ" pressing không thành công và bóng đến được với người đang trong thế trống trải, cầu thủ này có thể dắt bóng lên cao và đe doạ lớp phòng ngự của nửa đỏ thành Manchester.

Ten Hag,  MU anh 5

Cách pressing của đoàn quân HLV Ten Hag có điểm yếu. Ảnh: The Athletic.

Trước các đối thủ yếu và không có khả năng thoát pressing tốt, cách áp sát của MU có thể đem đến hiệu quả. Đoạt bóng trên phần sân đối phương mở ra cơ hội chuyển đổi trạng thái và tìm kiếm bàn thắng nhanh chóng. Song, khi đối đầu những đội bóng mạnh và khai thác được điểm yếu trong khâu gây áp lực tầm cao của "Quỷ đỏ", cơ hội để đội bạn tìm được khoảng trống tấn công có thể xuất hiện nhanh không kém.

Nếu cách triển khai bóng từ sân nhà hay pressing đối phương của HLV Ten Hag phát huy tác dụng, MU có thể tạo ra thế trận áp đảo trước đối phương. Song, trong trường hợp không thành công, những điểm yếu chiến thuật của “Quỷ đỏ” có khả năng bị khai thác triệt để, đặc biệt là khi đụng độ các đội bóng lớn.

Chiến thuật của HLV Ten Hag là một phần giúp MU có những giai đoạn thi đấu thăng hoa, nhưng cũng có thời điểm thất bại nặng nề. Để giảm bớt sự thiếu ổn định này, việc đội chủ sân Old Trafford cần làm là cải thiện dàn nhân sự. Chiêu mộ những cầu thủ có khả năng kiểm soát bóng tốt để phục vụ khâu triển khai bóng và những cầu thủ có khả năng pressing tốt để cải thiện khâu gây áp lực tầm cao là việc Ten Hag phải nghĩ đến lúc này.

Những cuốn sách đáng đọc về Ngoại hạng Anh

Mục Thể thao xin giới thiệu tủ sách về Ngoại hạng Anh, cung cấp cho độc giả thông tin về những biểu tượng của giải đấu, các chức vô địch, và những khoảnh khắc đáng nhớ của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

Luke Shaw: 'MU chắc chắn có chữ ký lớn hè này' Hậu vệ trái tuyển Anh khẳng định Man United sẽ đầu tư mạnh ở kỳ chuyển nhượng hè 2023 để hướng đến mục tiêu vô địch Premier League và Champions League.

Mua Mbappe sẽ giúp MU trở lại đỉnh cao

Đội chủ sân Old Trafford phải làm tất cả để chiêu mộ Kylian Mbappe sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao cho các ông chủ người Qatar.

Truyền thông Qatar: Sheikh Jassim đã mua được MU

Truyền thông Qatar xác nhận Tiểu vương Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani đã chiến thắng trong cuộc đua giành quyền sở hữu MU.

Số phận 6 CLB Anh gần nhất vô địch Champions League

Trước Man City, Premier League chứng kiến Chelsea, Liverpool hay MU lên đỉnh cúp châu Âu, song không phải CLB nào cũng duy trì được phong độ cao ở mùa giải kế tiếp.

Minh Tô

Bạn có thể quan tâm