“Chúng tôi có thể nói rằng một phần ba thành phố Sievierodonetsk đã nằm dưới quyền kiểm soát của mình”, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo nhà nước tự xưng “Cộng hòa Nhân dân Luhansk”, tuyên bố sáng 31/5, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Theo ông Pasechnik, chiến sự vẫn diễn ra bên trong thành phố, nhưng bước tiến của lực lượng Nga chậm hơn so với kỳ vọng.
“Dù vậy, trên tất cả, chúng tôi muốn bảo vệ cơ sở hạ tầng của thành phố”, ông nói. “Mục tiêu chính của chúng tôi lúc này là ‘giải phóng’ Sievierodonetsk và Lysychansk. Theo quân đội (Nga), lực lượng Ukraine đã tập hợp khoảng 10.000 binh lính ở những nơi này”.
Truyền hình nhà nước Nga cũng đã công bố đoạn video cho thấy binh sĩ Nga bên trong thành phố Sievierodonetsk, theo Guardian.
Thành phố cắt đôi
Phần kiểm soát của Nga tại Sievierodonetsk nhanh chóng chuyển thành một nửa thành phố, chỉ vài giờ sau đó.
Ở phía bên kia chiến tuyến, Thị trưởng Sievierodonetsk Oleksandr Stryuk cùng ngày cho biết thành phố của ông đã bị chia cắt làm hai nửa.
“Điều không may mắn là thành phố đã bị cắt ra làm đôi”, ông Stryuk nói. “Dù vậy, cùng thời điểm, thành phố vẫn đang tự vệ. Nó vẫn thuộc về Ukraine”.
Một phần thành phố Sievierodonetsk - điểm dân cư lớn nhất mà Ukraine còn kiểm soát tại Luhansk - đã rơi vào tay Nga. Ảnh: AFP. |
Trước đó, Thống đốc tỉnh Luhansk của Ukraine Serhiy Haidai cũng thừa nhận một phần thành phố đã bị Nga kiểm soát. Dù vậy, ông khẳng định các binh sĩ Ukraine vẫn đang đánh bật các cuộc tấn công, khiến binh sĩ Nga không thể tự do di chuyển.
Ông Haidai cũng tuyên bố lực lượng phòng thủ Ukraine không có nguy cơ bị bao vây, nhưng có thể bị buộc phải rút lui qua sông Siverskiy Donets tới thành phố láng giềng Lysychansk.
Trái với tuyên bố của ông Pasechnik, phía Ukraine cáo buộc lực lượng Nga tàn phá cơ sở hạ tầng thiết yếu của thành phố bằng các cuộc công kích liên tiếp.
“Họ đang gửi khoảng một tiểu đoàn để càn quét các ngôi làng xung quanh (Sievierodonetsk). Họ đang đưa các khí tài như (vũ khí nhiệt áp) Solntsepek để đốt cháy quân đội của chúng ta”, ông Haidai tuyên bố, theo Ukrinform.
Tại Sievierodonetsk, hàng nghìn người dân vẫn đang mắc kẹt. Dù vậy, theo Thị trưởng Stryuk, hoạt động sơ tán không còn có thể được tiến hành. Giới chức thành phố đã hủy bỏ các nỗ lực sơ tán công dân sau khi một nhà báo Pháp thiệt mạng hôm 30/5, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi lo ngại tới 12.000 thường dân vẫn đang mắc kẹt giữa làn đạn trong thành phố mà không thể tiếp cận đầy đủ với nguồn nước, thực phẩm, thuốc men hay điện”, ông Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) - tổ chức đã hoạt động thời gian dài bên ngoài thành phố - cho biết.
“Các cuộc tấn công gần như thường xuyên buộc dân thường phải trú ẩn dưới hầm tránh bom và hầm ngầm, với ít cơ hội quý báu để có thể cố gắng trốn thoát”, ông Egeland nói.
Cái giá không nhỏ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định quân đội Nga đang có “sức mạnh tấn công tối đa” ở vùng Donbas. Theo ông Zelensky, các thành phố Sievierodonetsk, Lysychansk, Bakhmut, Avdiivka, Kurakhove và Slovyansk là những mục tiêu chủ chốt mà Moscow đang nhắm đến.
Guardian cho rằng Moscow đang “dồn toàn lực” vào mặt trận Sievierodonetsk. Do đó, các mặt trận khác ghi nhận ít thay đổi lớn. Tại miền Nam, lực lượng vũ trang Ukraine thậm chí còn tuyên bố phản công tại Kherson trong những ngày qua, sau khi vũ khí hạng nặng từ phương Tây được chuyển đến.
Dù vậy, người Nga có lý do để tập trung vào Sievierodonetsk. Nếu giành được thành phố này và thành phố láng giềng Lysychansk, Moscow có thể tuyên bố kiểm soát tỉnh Luhansk và phần nào đạt được mục tiêu mà nước này đặt ra với “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Kiểm soát Sievierodonetsk là mục tiêu quan trọng đối với Nga nếu muốn chiếm hoàn toàn tỉnh Luhansk. Đồ họa: New York Times. |
Tuy nhiên, một số nhà phân tích phương Tây nhận định cái giá phải trả với Nga có thể sẽ khá lớn, khiến khả năng phòng ngự của quân đội Nga trước các cuộc phản công của Ukraine suy giảm ở cả các mặt trận khác.
“Khi trận chiến Sievierodonetsk kết thúc, dù bên nào nắm giữ thành phố, cuộc tấn công của Nga ở tầm chiến dịch lẫn chiến lược sẽ đi đến hồi kết, giúp Ukraine có cơ hội tái khởi động các cuộc phản công cấp chiến dịch để đẩy lùi quân Nga”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW - Mỹ) dự đoán.
Trong khi đó, sức ép với Nga đang tiếp tục gia tăng trên mặt trận ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một lệnh cấm vận dầu đối với Nga, với mục tiêu cắt giảm 90% lượng nhập khẩu dầu từ Moscow đến cuối năm 2022.
Để đạt được đồng thuận, EU chấp nhận yêu cầu miễn trừ cấm vận lượng dầu được vận chuyển bằng đường ống của Hungary và các quốc gia Trung Âu không giáp biển.
“Gói cấm vận cũng bao gồm các biện pháp mạnh khác: Loại ngân hàng lớn nhất tại Nga Sberbank khỏi SWIFT (hệ thống thanh toán toàn cầu - PV), cấm thêm 3 đài truyền hình do nhà nước Nga sở hữu, cũng như trừng phạt các cá nhân chịu trách nhiệm cho hành động ở Ukraine”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo.