Mẹ Diễm My 9X qua đời hôm 22/4 sau một thời gian tái phát bệnh, hưởng hương 58 tuổi. Sau khi mẹ mất, Diễm My 9X tuyên bố ngừng công việc để lo hậu sự cho bà. Mẹ cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến Diễm My.
Vài ngày qua, Diễm My cho biết cô không thể ngủ ngon vì nhớ tới mẹ. Rạng sáng 29/4, cô buồn bã: “Mẹ ơi mẹ đi rồi, tối nay con ngủ ai ôm con đây. Mới đó là 8 ngày kể từ ngày mẹ bỏ con đi, mẹ đang ở đâu vậy, con không biết mẹ có đang ở đây với con không mẹ”.
Tuổi thơ chứng kiến mẹ đau ốm, quần quật vì chồng con
Diễm My không phải cô gái có thời thơ ấu đầy màu hồng. Đóng phim từ khi còn nhỏ, Diễm My tự nhận là cô gái trưởng thành sớm hơn các bạn cùng trang lứa. 11 tuổi, cô chứng kiến cha mẹ chia tay.
Nhưng hai người vẫn sống chung trong một ngôi nhà vì mẹ cô không đủ điều kiện chuyển ra ở riêng. Từ nhỏ được mẹ bảo bọc, chăm sóc, cô luôn thấy mẹ giống một nữ tu.
Diễm My không nguôi nỗi nhớ mẹ. Cô là cuộc sống của mẹ và mẹ cũng là cả cuộc đời cô. |
Cô kể mẹ là người con thứ 12 trong gia đình 13 anh em. Gia đình bà hiện chỉ còn lại 4 người con. Cha mẹ Diễm My kết hôn năm 1984 sau khi gặp nhau ở ca đoàn Nhà Thờ. 6 năm kết hôn, bà không thể sinh con.
“Cưới bố năm 1984, mẹ bắt đầu chuỗi ngày khổ tâm, sống trong bể khổ cả về tinh thần lẫn vật chất. 6 năm sau khi cưới bố, vì sức khỏe từng bị lao, mẹ không thể có con. Mẹ đứng dưới tượng Mẹ Maria ở nhà thờ để cầu xin một đứa con gái. Mối duyên như một định mệnh, 8 tháng sau, mẹ mang bầu vào năm 1989 và sinh My vào mùng 1 Tết ta năm 1990”, Diễm My kể.
“Tưởng rằng có con sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn, yêu thương hơn, nhưng không, đau khổ chồng chất đau khổ khi My lúc nhỏ bệnh suốt, bị chứng hen suyễn nên My phải nhập viện suốt. Mẹ nuôi My vất vả quá nên lại bị lao phổi lần 2", cô kể.
Diễm My trưởng thành cùng những ngày tháng chứng kiến mẹ đau ốm. |
"Mẹ yếu, con yếu nên có lúc như những điều xui rủi và gánh nặng cho những người xung quanh. Mẹ vừa nấu cơm vừa may đồ, vừa bán nước đá nước ngọt vừa nuôi con không ai phụ giúp, chỉ có bà Tư hàng xóm qua giặt tã cho My một số lần. Nhưng mẹ hiền khô nhẫn nhịn tất cả, chịu đựng tất cả, vì mẹ yêu bố”, cô nói về thời thơ ấu chứng kiến sự vất vả và bệnh tật của mẹ.
Dù cha mẹ không còn hạnh phúc, Diễm My vẫn may mắn khi có được tình thương của cả hai người: “My lớn lên trong tình thương bảo bọc của cha mẹ, cũng vừa trong những trận cãi vã mà phần lớn là bố nói long trời lở đất… Không một ngày nào mà thấy trong nhà không có chuyện”.
Diễm My 9X tâm sự từ khi 17 tuổi, cô thay cha chăm sóc cho mẹ. Cô là người đưa mẹ đi khám bằng xe đạp điện. Quãng thời gian đó, cô luôn sống trong hoang mang khi mẹ chưa bao giờ khỏe.
Năm 2007, mẹ cô mắc thêm chứng bệnh Lupus ban đỏ, căn bệnh hiếm gặp, xác suất 1/5.000 người. Mẹ cô thường sốt cao đến mất trí nhớ, nổi ban khắp người.
"Mất mẹ đau đớn gấp triệu lần so với bất cứ nỗi đau nào"
“Thế là hành trình nằm viện, uống thuốc tây y đông y châm cứu đắp thuốc và đau đớn các khớp bắt đầu. Cùng lúc đó, bố bắt đầu có người đàn bà khác khiến My và mẹ vô cùng đau khổ”, cô nhớ lại.
Một năm sau, cô và mẹ dọn ra ở riêng. Cuộc sống ban đầu của hai mẹ con rất khó khăn.
“Thời gian đầu mẹ một thân một mình ở nhà, quanh quẩn góc bếp với mấy cuộn chỉ may. Đôi khi một ngày gọi My hỏi My khi nào về nhiều đến mức My rất bực mình mà đến tận bây giờ nghĩ lại hối hận dằn vặt khôn nguôi khi mình đã không hiểu cho nỗi cô đơn của mẹ".
"Từ nhỏ, bao giờ My cũng được mẹ chuẩn bị cho bình sữa bình nước rồi hộp trái cây, hộp chè bỏ balô đi học. Mẹ luôn bắt My đội nón vì muốn My giữ được làn da đẹp. Nên thói quen đội nón rộng vành đến giờ vẫn giữ chỉ có bỏ cái balo đựng bình nước và cơm”, cô tâm sự.
Ảnh cưới của cha mẹ Diễm My. Họ kết hôn năm 1984 và đến năm 1990 mới có con gái đầu lòng. |
Diễm My lao vào làm việc, kiếm tiền phụ giúp mẹ. Cô mua nhà để hai mẹ con không phải ở thuê. Cô còn đưa mẹ tới Singapore để chữa trị căn bệnh Lupus. Bệnh của bà đã kiểm soát tốt vài năm trước khi qua đời.
Bà có sức khỏe để góp tiền làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật. Trong những năm cuối đời, bà còn là chỗ dựa tâm sự cho người vợ sau của chồng cũ.
“Mẹ không những tha thứ cho bố mà còn là chỗ dựa tinh thần của vợ sau mỗi lần bố làm dì ấy buồn. Dì hay gọi cho mẹ và mẹ luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu, đưa ra những lời khuyên nhủ”, Diễm My tin rằng mẹ cô là người phụ nữ có tấm lòng bao dung nhất.
Cô không ngờ lần tái phát bệnh gần nhất lại khiến bà ra đi mãi mãi. Những ngày vắng mẹ, Diễm My kể cô không quen với những bữa ăn một mình, giấc ngủ cũng một mình, không được nghe tiếng mẹ cằn nhằn vì lo lắng cho con gái.
Cô tự trách mình khi có lúc không thể dành nhiều thời gian cho mẹ, quan tâm đến cảm xúc của mẹ hơn.
Mẹ Diễm My tái phát lao phổi, mắc thêm bệnh Lupus. |
“Ngủ với mẹ từ nhỏ đến lớn bây giờ quay qua không còn thấy mẹ nữa, ban đêm không còn thấy mẹ còn ban ngày nhìn đâu cũng nhớ mẹ, nhìn đồ vật nào cũng cảm thấy như con dao hun nóng đâm vào tim thế này. Mất mẹ thực sự đau đớn gấp triệu lần so với bất cứ nỗi đau nào trên toàn thế giới này”, cô buồn bã khi chia sẻ vào lúc 2h sáng.
“Từ trước đến giờ, khi đi lễ, My cũng cầu nguyện cho mẹ trước tiên. My cầu Chúa cho mẹ được sống và hết bệnh sống đến khi nào con sinh con và gia đình hạnh phúc nhưng Chúa không chấp nhận. Mình đã rất giận Chúa và ném xâu chuỗi 2 lần và muốn ném thêm lần thứ 3 vào thùng rác”, cô viết về nỗi bất lực khi chứng kiến mẹ ra đi.
“Nhưng có lẽ Chúa có sự sắp đặt của Ngài và bây giờ đi lễ My không còn cầu xin quá nhiều thứ về sức khoẻ hay tiền bạc hay thành công như lúc mẹ còn sống. Mẹ mất rồi My chỉ cầu Chúa đúng một câu: xin Chúa sắp xếp cuộc đời con theo ý Ngài”, Diễm My trải lòng.