Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điểm mặt chiến hạm thế giới tham gia RIMPAC 2012 (kỳ 2)

RIMPAC 2012 có hai điều mới mẻ: lần đầu tiên Nga đã gửi tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới, và Mỹ lần đầu triển khai “Hạm đội Xanh” - một số tàu chiến Mỹ chạy bằng năng lượng sinh học.

Điểm mặt chiến hạm thế giới tham gia RIMPAC 2012 (kỳ 2)

RIMPAC 2012 có hai điều mới mẻ: lần đầu tiên Nga đã gửi tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới, và Mỹ lần đầu triển khai “Hạm đội Xanh” - một số tàu chiến Mỹ chạy bằng năng lượng sinh học.

Hải quân Nga

Nga gửi tới RIMPAC 2012 tàu khu trục lớp Udaloy Đô đốc Panteleyev thuộc lớp Udaloy có lượng giãn nước 8.400 tấn, dài 163m.

Lần đầu tiên tại RIMPAC 2012, Nga gửi tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới. Thực tế, trước đó Nga đã gửi quan sát viên tới theo dõi các cuộc tập trận RIMPAC.

Tại RIMPAC 2012, biên đội tàu chiến Nga gửi tới gồm: tàu khu trục lớp Udaloy Đô đốc Panteleyev (BPK 548), tàu kéo Fotiy Krylov và tàu tiếp dầu Irkut.

Trong đó, khu trục hạm săn ngầm Đô đốc Panteleyev thuộc lớp Udaloy được Nga thiết kế và chế tạo từ những năm 1980. Tàu có lượng giãn nước 8.400 tấn, dài 163m. Tàu trang bị động cơ diesel kết hợp động cơ tuốc bin cho phép đạt tốc độ tối đa 35 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 10.000km.

Udaloy thiết kế cho vai trò săn ngầm nên nó được trang bị: 8 tên lửa chống ngầm SS-N-14 (tầm bắn 50km, xuyên sâu xuống mặt nước 500m) cùng 2 máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 533mm và 2 giàn rocket săn ngầm RBU-6000 cỡ 213mm. Ngoài ra, ở đuôi tàu còn có sàn đáp máy bay và nhà chứa máy báy đáp ứng cho hai trực thăng săn ngầm Ka-27.

Tàu có năng lực tác chiến phòng không tầm thấp với tổ hợp tên lửa đối không tầm ngắn SA-N-9, tổ hợp pháo/tên lửa kết hợp Kashtan, 4 pháo bắn nhanh Ak-630.

Hải quân Chile

Hải quân Chile gửi tới RIMPAC 2012 một khinh hạm Almirante Lynch.

Hải quân Chile chỉ gửi tới RIMPAC 2012 một khinh hạm Almirante Lynch (FF 07). Chile cũng gửi tới một nhóm rà phán bom mìn sẽ tham gia các hoạt động cùng các nước khác.

Khinh hạm Almirante Lynch (FF 07) được Chile mua lại từ Hải quân Anh năm 2007. Almirante Lynch thuộc lớp Duke (Type 23) có lượng giãn nước 4.900 tấn, dài 133m.

Tàu lớp Duke thiết kế cho vai trò chống hạm với pháo hạm 113mm, 8 tên lửa hành trình chống tàu RGM-84 Harpoon (tầm bắn 124km).

Tàu có khả năng phòng không hạn chế với 32 tên lửa đối không tầm ngắn Seawolf (đặt trong ống phóng thẳng đứng), pháo phòng không 30mm, súng máy phòng không. Lớp Duke còn có hai cụm máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm.

Tàu trang bị 4 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động gần 15.000km.

Hải quân Pháp

Khinh hạm Prairial của Pháp thuộc lớp tàu Floréal, tàu có lượng giãn nước 2.950 tấn, dài 93,5 m.

Quốc gia đồng minh Mỹ tham gia RIMPAC 2012 chỉ với một khinh hạm Prairial (F 731). Còn các nước Tây Âu như Na Uy và Anh không gửi tàu chiến mà gửi tới nhóm đặc nhiệm, người nhái.

Khinh hạm Prairial (F731) thuộc lớp tàu Floréal, tàu có lượng giãn nước 2.950 tấn, dài 93, 5m. Tàu trang bị 4 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 20 hải lý/h, tầm hoạt động tối đa 19.000km.

Lớp Floréal thiết kế cho nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế biển, tuần tra ven biển, thực thi pháp luật biển. Vì vậy, hệ thống vũ khí trên tàu không quá mạnh gồm: 4 tên lửa chống hạm tầm ngắn MM-40 Exocet (tầm bắn 70km), hai bệ phóng tên lửa đối không tầm ngắn Simbad, pháo phòng không 20mm và pháo hạm 100mm.

Ở đuôi tàu có sân đáp và nhà chứa máy bay có khả năng đáp ứng một trực thăng tuần tra/săn ngầm Super Puma, SA-565 MA hoặc NH-90.

Hải quân Singapore

Khinh hạm “hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á” RSS Formidable (68) của Singapore tham gia RIMPAC 2012.

Hải quân Singapore gửi tới RIMPAC 2012 một khinh hạm “hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á” RSS Formidable (68). Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á điều tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận này.

Khinh hạm RSS Formidable thuộc lớp tàu Formidable – thiết kế rút gọn từ chiến hạm tàng hình lớp La Fayette của Pháp. Hải quân Singapore hiện nay duy trì 6 tàu loại này.

Formidable có lượng giãn nước 3.200 tấn, dài 114,8m. Tàu lắp 4 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/h, tầm hoạt động gần 8.000km.

Tàu thiết kế với tính tự động hóa cực cao, vì thế thủy thủ đoàn của tàu chỉ cần 70 người để vận hành. Trong khi so với một số loại tàu khác trong khu vực, như Gepard 3.9 của Việt Nam nhỏ hơn Formidable (lượng giãn nước 2.100 tấn, dài hơn 100m) nhưng phải cần tới thủy thủ đoàn 100 người.

Hỏa lực của Formidable tương đối mạnh gồm: 8 tên lửa hành trình đối hạm RGM-84 Harpoon (tầm bắn 130km), 32 tên lửa đối không tầm trung Aster 15/30, hai cụm máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm, pháo hạm 76mm, súng máy phòng không 12,7mm.

Ở đuôi tàu có sân đáp và nhà chứa máy bay đáp ứng cho một trực thăng đa nhiệm S-70B Seahawk hoạt động.

Hải quân New Zealand

Khinh hạm lớp Anzac HMZNS Te Kaha có lượng giãn nước 3.600 tấn, dài 11m.

Hải quân New Zealand triển khai một khinh hạm lớp Anzac HMZNS Te Kaha (F 77) và một tàu tiếp dàu HMZNS Endeavour (A 11). Nước này cũng gửi tới một nhóm thợ lặn giàu kinh nghiệm tham gia cùng Mỹ - Canada – Australia tham gia hoạt động huấn luyện chiến đấu.

Khinh hạm lớp Anzac HMZNS Te Kaha có lượng giãn nước 3.600 tấn, dài 11m. Tàu trang bị một động cơ tuốc bin khí LM2500 và hai động cơ diesel MTU 12V1163 TB83 cho phép đạt tốc độ 27 hải lý/h, tầm hoạt động 11.000km.

Tàu thiết kế với hệ thống vũ khí gồm: một pháo hạm 127mm, tên lửa đối không tầm ngắn Rim-7 Sea Sparrow, tổ hợp pháo 6 nòng cỡ 20mm Phalanx, súng máy 12,7mm và 2 cụm máy phóng ngư lôi cỡ 324mm.

Hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Nimitz.

Chủ nhà Mỹ tham gia RIMPAC 2012 với lực lượng tàu đông đảo đủ chủng loại: tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm, tàu vận tải đổ bộ, tàu hậu cần.

Mỹ đã điều động một tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) tham gia RIMPAC, Nimitz sẽ đứng đầu Hạm đội Xanh của Hải quân Mỹ. Nghĩa là, trong RIMPAC 2012, các tàu chiến Mỹ sẽ sử dụng nhiên liệu sinh học – bộ phận của chương trình quốc gia hướng tới hạm đội thân thiện với môi trường.

Mỹ đã chi 12 triệu USD mua 450.000 gallon nhiên liệu sinh học, đây được xem là hợp đồng mua nhiên liệu sinh học lớn nhất từ trước tới nay.

USS Nimitz (CVN 68) là loại tàu sân bay lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Nimitz có lượng giãn nước 102.000 tấn, dài 317m.

Tàu trang bị hai lò phản ứng hạt nhân cho phép đạt tầm hoạt động không giới hạn, chỉ bị giới hạn bởi lượng lương thực thực phẩm – vũ khí. Tàu có khả năng đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h. Số lượng thủy thủ đoàn trên tàu khoảng 6.000 người (trong đó có 3.184 thủy thủ và 2.800 phi hành đoàn).

USS Nimitz thiết kế với boong phóng máy bay có chiều dài 333m và rộng 77m, được trang bị 4 thang máy (đưa máy báy từ khoang chứa trong tàu lên boong phóng), 4 máy phóng thủy lực và 4 cáp hãm đà.

Tàu có khả năng chở 82 máy bay gồm: 48 tiêm kích đa năng F/A-18E/F, 4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C, 4 máy bay tác chiến điện tử EA-6B và trực thăng SH-60F/HH-60F.

Nimitz cũng được vũ trang nhẹ với tên lửa đối không tầm ngắn Rim-7 Sea Sparrow (tầm bắn 14,5km) hoặc tổ hợp tên lửa Rim-166 RAM cùng 4 tổ hợp pháo 6 nòng cỡ 20mm Phalanx Mk 15 (tốc độ bắn 3.000 viên/phút, tầm bắn 1,5km). Với hỏa lực yếu ớt này, tàu Nimitz cần thêm đội tàu khu trục, khinh hạm hùng hậu hộ tống bảo vệ.

Tại RIMPAC 2012, Mỹ cũng điều 4 tuần dương hạm USS Princeton (CG 59), USS Chosin (CG 65), USS Lake Erie (CG 70) và USS Port Royal (CG 73) tham gia tập trận. Trong đó, riêng tàu USS Princeton sẽ tham gia hạm đội xanh.

USS Princeton của Mỹ tham gia RIMPAC 2012 thuộc lớp tàu tuần dương tên lửa Ticonderoga, có lượng giãn nước khoảng 10.000 tấn, dài tới 173m.

Tất cả 4 tàu trên đều thuộc lớp tàu tuần dương tên lửa Ticonderoga, có lượng giãn nước khoảng 10.000 tấn, dài tới 173m. Số lượng thủy thù trên tàu có 340 người.

Tàu trang bị 4 động cơ tuốc bin khí LM2500 sản sinh ra 80.000 mã lực cho phép con tàu đồ sộ đạt tốc độ tối đa 32,5 hải lý/h, tầm hoạt động tối đa 11.000km.

Các tàu Ticonderoga thiết kế với hệ thống tên lửa đều được đặt trong hệ thống ống phóng theo phương thẳng đứng Mk 41. Trong hệ thống ống phóng Mk 41 được phối kết hợp chứa nhiều loại tên lửa khác nhau: tên lửa đối không tầm xa SM-2MR Block IIIB, SM-2ER Block IV, SM-3, RIM-174A ERAM ; tên lửa đối không tầm trung RIM-162A ESSM; tên lửa hành trình đối đất BGM-109 Tomahawk; tên lửa chống ngầm RUM-139A. Số lượng tên lửa, loại tên lửa được lắp sẽ tùy thuộc vào nhiệm vụ của con tàu được giao thực hiện.

Một số hệ thống vũ khí được gắn ngoài: 8 tên lửa đối hạm RGM-84 Harpoon, 2 cụm máy phóng ngư lôi cỡ 324mm, 2 pháo hạm 127mm, 2 pháo phòng không 25mm, 2 pháo phòng không 6 nòng cỡ 20mm Phalanx.

Ở đuôi tàu có sân đáp và nhà chứa máy bay đáp ứng cho 2 trực thăng tuần tra SH-60 hoạt động.

Với “kho vũ khí” khổng lồ như vậy, Ticonderoga có khả năng công – thủ toàn diện, tác chiến độc lập dài ngày trên biển. Không chỉ tự phòng thủ trước các mối đe dọa trên biển, tiêu diệt mục tiêu trên biển mà còn có thể tấn công các mục tiêu đất liền ở tầm cực xa.

- Tại RIMPAC 2012, Hải quân Mỹ còn điều 5 tàu khu trục USS Paul Hamilton (DDG 60), USS Higgins (DDG 76), USS Chafee (DDG 90), USS Chung Hoon (DDG 93) và USS Stockadle (DDG 106). Trong đó, hai tàu USS Chafee và USS Chung Hoon sẽ tham gia hạm đội xanh.

USS Chung Hoon của Hải quân Mỹ thuộc lớp Arleigh Burke lượng giãn nước 10.100 tấn, dài 155m.

Tất cả các tàu này đều thuộc lớp Arleigh Burke nhưng có sự khác biệt về kích thước, trong đó: tàu Pault Hamiton (lượng giãn nước 9.166 tấn, dài 154m), tàu Higgins (lượng giãn nước 9.300 tấn, dài 154m), tàu USS Chafee và Chung Hoon (lượng giãn nước 10.100 tấn (dài 155m) và Stockdale (lượng giãn nước 11.000 tấn). Số lượng thủy thủ trên tàu hơn 300 người.

Lớp Arleigh Burke trang bị 4 động cơ tuốc bin khí LM2500-30 sản sinh 108.000 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 8.000km.

Tương tự Ticonderoga, Arleigh Burke cũng được thiết kế với hệ thống ống phóng tên lửa theo phương thẳng đứng Mk41. Tuy nhiên, số lượng các ống phóng có sự khác biệt, với tàu Pault Hamilton chỉ có 90 ống, còn 4 tàu còn lại có 96 ống.

Hệ thống ống phóng Mk41 có thể lắp các loại tên lửa: hành trình đối đất tầm xa BGM-109 Tomahawk,  đối hạm tầm ngắn RGM-84 Harpoon (không có trên USS Stockdale), đối không tầm trung RIM-66M, đối không tầm xa RIM-161 (chỉ có trên USS Stockdale), đối không tầm trung RIM-162 (không có trên USS Paul Hamilton), chống ngầm RUM-139.

Còn lại, tàu trang bị 2 pháo hạm 127mm, 2 pháo phòng không 6 nòng cỡ 20mm Phalanx, 2 pháo 25mm và 2 cụm máy phóng ngư lôi 324mm.

- Ngoài những con “quái vật khổng lồ” Ticonderoga và Arleigh Burke, Hải quân Mỹ còn điều ba khinh hạm USS Crommelin (FFG 37), USS Gary (FFG 51) và USS Reuben James (FFG 57).

USS Reuben James của Hải quân Mỹ thuộc lớp Oliver Hazard Perry, có lượng giãn nước 4.100 tấn.

Cả ba tàu đều thuộc lớp Oliver Hazard Perry, có lượng giãn nước 4.100 tấn. Tàu trang bị 2 động cơ tuốc bin khí LM2500  cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 8.000km. Số lượng thủy thủ đoàn 176 người.

Được khởi đóng từ năm 1975 tới tận năm 2004, Mỹ đã sản xuất 71 tàu Oliver Hazard Perry. Một phần trong số đó được dành cho mục đích xuất khẩu.

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Hồng Hà

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm