Những tháng gần đây, giới chức Australia thắt chắt an ninh và các điều luật trong bối cảnh lo ngại gia tăng về làn sóng công dân gia nhập các nhóm thánh chiến nước ngoài. Ảnh: EPA |
Ngày 21/7: Giới chức Australia xác nhận một kẻ đánh bom tự sát của nước này là thủ phạm đứng sau vụ đánh bom tại Iraq. Sự việc làm gia tăng mối lo ngại về những công dân Australia đang chiến đấu cho các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Trung Đông, cũng như sự ảnh hưởng của những kẻ này với vấn đề an ninh nội địa.
Ngày 5/8: Australia công bố một điều luật mới nhằm ngăn chặn công dân nước này chiến đấu cho các nhóm Hồi giáo.
Ngày 11/8: Xuất hiện hình ảnh con trai của một phiến quân người Australia cầm thủ cấp bị chặt lìa của lính Syria.
Ngày 27/8: Giới chức thành lập các đơn vị chống khủng bố mới tại nhiều sân bay để ngăn chặn những kẻ muốn gia nhập các tổ chức thánh chiến nước ngoài. Cùng ngày, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Australia David Irvine xác nhận 15 tay súng nước này đã bỏ mạng trong các cuộc chiến ở Iraq và Syria. Trong khi đó, khoảng 100 người ở Australia đang "tích cực ủng hộ" các nhóm phiến quân bằng cách tuyển tân binh và quyên góp tiền.
Ngày 12/9: Australia nâng mức độ đe dọa khủng bố từ trung bình tới cao, BBC cho hay. Đây là lần đầu tiên giới chức nước này nâng mức độ của hệ thống kể từ khi áp dụng nó vào năm 2003.
Ngày 14/9: Thủ tướng Tony Abbott cam kết điều 600 binh sĩ tham gia lực lượng quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngày 18/9: Australia tiến hành cuộc đột kích chống khủng bố lớn chưa từng có. Thủ tướng Autralia Tony Abbott sau đó xác nhận hoạt động này liên quan đến một âm mưu ám sát do một số kẻ ở Australia lên kế hoạch.
Ngày 23/9: Một thiếu niên được cho là "nghi phạm khủng bố nổi tiếng" bị bắn chết sau khi tên này đâm hai sĩ quan tại đồn cảnh sát Endeavour Hills ở thành phố Melbourne.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ một thiếu niên đâm hai sĩ quan tại đồn cảnh sát Endeavour Hills. Ảnh: EPA |
Ngày 3/10: Australia thông qua các cuộc không kích chống IS.
Ngày 29/10: Thượng viện thông qua những đạo luật mới ra đời nhằm ngăn chặn công dân Australia chiến đấu trong các cuộc xung đột ở nước ngoài. Cùng ngày, chính phủ Australia thông báo họ đang cố gắng xác nhận thông tin cho rằng một thành viên cấp cao của IS mang quốc tịch Australia, Mohammad Ali Baryalei, đã thiệt mạng ở Syria.
Ngày 4/12: Australia cấm công dân nước này tới thành phố Raqqa, thành trì của IS ở Syria.
Ngày 15/12: Ít nhất một tay súng bắt cóc nhiều con tin tại quán cafe Lindt tại trung tâm thương mại Martin Place ở Sydney. Giới chức chưa xác định được động cơ của kẻ bắt cóc.