'Điểm danh' thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc
Mùa thu này, Trung Quốc bầu lại nhiều vị trí lãnh đạo cao nhất, khiến dư luận được dịp "đoán già đoán non". Về vấn đề này, CS Monitor cũng đưa ra một số nhận định ấn tượng.
Cũng như bất cứ cuộc chuyển giao quyền lực chính trị nào trên thế giới, chuyện đấu đá công khai hay ngấm ngầm giữa các ứng cử viên trước thềm chuyển giao quyền lãnh đạo ở Trung Quốc là điều khó tránh. Do đó, danh tính của những nhân vật đã được “chọn mặt gửi vàng” sẽ được giữ kín đến giờ chót, thời khắc họ bước chân lên sân khấu hội trường lớn của Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc để chính thức đảm nhận trọng trách mới.
Dưới đây là 5 cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc thảo luận liên quan đến cuộc chuyển giao chính trị cực kỳ quan trọng của Trung Quốc sắp tới và vị trí mà họ gần như cầm chắc trong bộ máy quyền lực tối cao của nước này.
1. Tập Cận Bình - “Vị Chủ tịch kế tiếp”
Ảnh: Reuters. |
Hiện nay, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được đồn đoán là ứng của viên số 1 cho vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của nước này trong tương lai. Đâu đâu ở Trung Quốc cũng xôn xao rằng, trên thực tế ông Tập đã được nhắm trước bởi giới tinh hoa trong Ban chấp hành Trung ương đảng, và nếu không có gì thay đổi, ông sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trở thành thuyền trưởng chèo lái con thuyền Trung Quốc tiếp tục tiến về phía trước.
Theo CS Monitor, ông Tập được đánh giá là người sôi nổi, niềm nở mà rất khiêm tốn và có xu hướng ủng hộ các cải cách thị trường tự do hơn nữa. Với tính cách này của mình, trên quan lộ, ông không có nhiều kẻ thù chính trị như các đối thủ đầy tham vọng khác và do đó, rất được lòng người trên, kẻ dưới trong bộ máy cầm quyền ở Trung Quốc.
Là con trai của một cựu Phó Thủ tướng của Trung Quốc, xuất thân của ông Tập được liệt vào “hàng danh giá” và ông cũng là một trong những nhân vật thuộc giới tinh hoa trong nội bộ đảng Cộng sản nước này.
Trong thời Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, ông Tập công tác ở vùng nông thôn trong suốt 6 năm, do đó, ông có khả năng thấu hiểu lòng dân - những mối bận tâm nhất của họ hiện nay nhiều hơn. Do đó, nhiều người kỳ vọng, ông Tập sẽ “tung” ra nhiều sáng kiến và có những chính sách mới mang lại lợi ích cho người dân ở mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp nông dân sống ở vùng nông thôn Trung Quốc.
2. Lý Khắc Cường - người tiên phong cho chủ nghĩa dân túy
Ảnh: Northwardho. |
Nhân vật thứ hai trong bộ đôi được cho là đã được nhắm sẵn cho hai vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc bởi giới tinh hoa chính là Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Lý Khắc Cường được tôn vinh là nhà lãnh đạo của “chủ nghĩa dân túy”, luôn tỏ rõ sự quan tâm hàng đầu cho các vấn đề xã hội như nhà ở giá rẻ, dịch vụ chăm sóc y tế cộng đồng, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường và các vấn đề biến đổi khí hậu.
Nếu Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được nhắm sẵn cho ghế Chủ tịch Trung Quốc, thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường được nhắm sẵn cho vị trí Thủ tướng Chính phủ, thay thế cho Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo. Vị trí này sẽ cho phép ông đảm đương, chịu trách nhiệm chính trong mọi vấn đề liên quan đến kinh tế của Trung Quốc. Nói cách khác, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai sẽ phụ thuộc cả vào ông Lý.
Theo CS Monitor, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đi lên từ hàng ngũ đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ. Ông từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, một tỉnh nghèo và kém phát triển hơn ở miền Đông Bắc, Trung Quốc trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng hiện nay.
Ông từng theo học nghành luật ở ĐH Bắc Kinh năm 1977. Theo CS Monitor, trong khi hầu hết bạn bè ông dính líu đến sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và do vậy chịu những kết cục khá bi đát thì Lý Khắc Cường – do chọn cho mình một con đường khác - nên sự nghiệp chính trị của ông khá suôn sẻ, thuận lợi.
Một điều đặc biệt ở Lý Khắc Cường so với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác là ông có khả năng nói tiếng anh trôi chảy, lưu loát như tiếng mẹ đẻ.
3. Vương Kỳ Sơn - Nhà lãnh đạo thân thiện
Ảnh: Timizzer. |
Một Phó Thủ tướng khác, hiện phụ trách vấn đề tài chính và thương mại của Trung Quốc là ông Vương Kỳ Sơn – xuất thân trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Vương có mối quan hệ thân thiết với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng hài hước nhận xét ông là “người quyết đoán nhưng hay tọc mạch và có khiếu hài hước tinh quái”.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, ông Wang nổi tiếng là người điềm tĩnh, tự tin, bộc trực và thẳng thắn. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng hiện nay, ông Vương từng giữ chức Thị trưởng Bắc Kinh - trong thời điểm Trung Quốc đăng cai tổ chức Olympic 2008, ông nhận không ít lời ca ngợi, tán dương bởi đóng góp một phần không nhỏ trong việc khẳng định vị thế và phổ biến hình ảnh con rồng châu Á ra toàn cầu.
Ngoài ra, thành tựu nổi bật khác giúp Phó Thủ tướng Vương nâng cao uy tín và thanh thế là sự thành công của ông trong việc tái cơ cấu lại khoản nợ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trái ngược với giới lãnh đạo Trung Quốc thường khá thận trọng và dè dặt trước truyền thông, Phó Thủ tướng Vương được đánh giá là một người thân thiện và cởi mở với báo chí. Ông từng xuất hiện trong một chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ PBS, trả lời phỏng vấn với nhà báo kỳ cựu Charlie Rose bằng một phong thái hết sức thoái mái, cởi mở và thân thiện.
4. Uông Dương - Nhân tài hiếm có
Ảnh: Chinamusictech. |
Ông Uông Dương hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, được mệnh danh là "công xưởng của thế giới" và là tỉnh thịnh vượng bậc nhất ở Trung Quốc bởi sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ nhất trong ba thập kỷ qua. Đây cũng là một trong những tỉnh trọng điểm nhất của Trung Quốc.
Đóng góp vào sự thành công và thịnh vượng của Quảng Đông không thể không kể đến vai trò của Bí thư Uông khi ông chủ trương “giải phóng tư tưởng” để công khai ngân sách tỉnh, quyết liệt tìm cách dẹp bỏ các công xưởng bóc lột nhân công, xây dựng các khu công nghiệp cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tóm lại ông được mệnh danh là nhà cải cách kinh tế thành công và là một chính trị gia cởi mở, biết “mềm nắn, rắn buông”.
Ngoài ra, Uông Dương được đánh giá là nhân tài hiếm có trong thế hệ của ông khi chưa tốt nghiệp trung học đã phải bươn chải kiếm sống bằng việc làm công trong nhà máy khi mới 17 tuổi, đỡ đần người mẹ góa của ông. Sau đó, ông chuyển sang hoạt động trong tổ chức đảng Cộng sản ở địa phương và leo dần lên nấc thang quyền lực. Trong tiến trình chuyển giao lãnh đạo của đất nước, ông gần như nắm chắc một xuất trong Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng, ít nhất cho đến thời điểm này.
5. Bạc Hy Lai - Chính trị gia bị 'thất sủng'
Ảnh: Mercopress. |
Chính trị gia vừa bị thất sủng Bạc Hy Lai từng được mệnh danh là “ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc” và nhắm một trong 9 vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.
Với xuất thân danh giá (là con trai của một trong những người sáng lập ra đảng Cộng sản Trung Quốc), ông Bạc Hy Lai không giấu giếm tham vọng chính trị to lớn của mình.
Ông từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại trước khi trở thành Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh. Dưới sự dẫn dắt của Bạc Hy Lai, Trùng Khánh – đầy kiêu hãnh khi là một trong những thành phố rộng lớn nhất thế giới - từ năm 2007, cũng trở thành một cực tăng trưởng kinh tế đáng kể của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Bạc còn nổi danh với chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức và chống tham nhũng triệt để và tích cực. Ông cũng gây tiếng vang khi là người khởi xướng chiến dịch “văn hóa đỏ” - một phần của chiến dịch cổ vũ các lý tưởng cộng sản cách mạng của Mao.
Tuy nhiên, theo CS Monitor, với tham vọng chính trị khá lộ liễu cộng với thái độ thiếu khiêm nhường, ông Bạc có không ít kẻ thù xung quanh.
Và vụ bê bối đầu tháng này của cấp dưới thân tín của ông là Vương Lập Quân là thời cơ hiếm có cho các đối thủ của ông để hạ bệ ông.
Ông bị buộc phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối Vương Lập Quân và do đó, bị loại bỏ khỏi sân khấu chính trị Trung Quốc vào ngày 15/3, khiến tham vọng quyền lực của ông sụp đổ.
Tuy nhiên, một hy vọng khá mong manh là nếu vụ điều tra Vương Lập Quân được khép lại với không có bất cứ phán quyết buộc tội nào được đưa ra, ông Bạc sẽ lại có một cơ hội mới.
Trong khi đó, nhiều người quan ngại vụ loại bỏ Bạc Hy Lai có thể làm năm chuyển giao chính trị ở Trung Quốc trở nên phức tạp hơn.
Theo Đất Việt