Mỗi lần về Australia và thấy bạn bè ở độ tuổi trên dưới 30 ăn chơi thoải mái, tôi không khỏi liên tưởng đến hai cô bạn tôi ở Việt Nam.
Bạn thứ nhất tên Trâm, là một cô gái xinh xắn 32 tuổi, đã từng du học ở Pháp 5 năm, có công việc ổn định và căn hộ riêng. Trâm giỏi giang, nhưng đến ngưỡng 30 thì bắt đầu thấy tiếc nuối vì chưa kịp lấy chồng.
Cô còn lại tên Huyền, đẹp không kém, cũng ngoài 30, cũng học cao, và cũng thấy tiếc. Nhưng vì lý do ngược lại: Huyền muốn học lên nữa mà không được. Bởi cô lấy chồng sớm rồi nhanh chóng sinh con, sau đó phải ở nhà một thời gian để chăm sóc con đồng thời lo làm việc kiếm tiền.
Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là, bên cạnh việc đất nước này có quá nhiều cô gái xinh đẹp, tôi đã để ý đến hai điều khác lạ.
Thứ nhất, phụ nữ Việt Nam ngày càng năng động trên nhiều khía cạnh. Họ có trình độ học vấn ngày càng cao. Họ ngày càng biết khẳng định bản thân ở ngoài xã hội, làm việc thông minh và kinh doanh thành công hơn. Phụ nữ Việt Nam rõ ràng đã và đang cảm nhận về bản thân và thế giới xung quanh ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, họ dần biết cách thưởng thức nhiều thứ trong cuộc sống, từ việc đi du lịch khám phá khắp nơi đến cách ăn mặc và bày tỏ ý kiến cá nhân.
Nhưng thứ hai, có một vấn đề lớn tôi cũng để ý, đặc biệt là khi nghĩ về câu chuyện của các cô gái như Trâm và Huyền. Đó là việc nhiều bạn nữ, đặc biệt là các bạn ở độ tuổi giữa 20 và 30, đang bị dồn nén bởi nhiều áp lực.
Một cặp đôi chụp ảnh cưới tại Sapa. Ảnh: AFP/Getty. |
Là người phương Tây quan sát đường đi của nhiều người trẻ, tôi nhận thấy nguyên nhân cũng không khó tìm. Việc loay hoay thực hiện phần lớn những điều tôi mới liệt kê trên rõ ràng là một thách thức lớn với các cô gái. Còn việc họ phải hoàn tất mọi mục tiêu đó trước tuổi 30, cùng với chuyện phải tìm cho được một người đàn ông thực sự hợp với mình, đặt mối quan hệ nghiêm túc, rồi kết hôn và sinh con, không những là thách thức mà còn được xem là một gánh nặng.
Thú thật mà nói, là đàn ông, tôi không hiểu phụ nữ Việt Nam lâu nay xoay xở như thế nào.
Nghĩ rộng hơn một chút, vấn đề dường như ở chỗ quan niệm của người Việt về tuổi tác phụ nữ ngày càng mâu thuẫn với danh sách những điều các cô gái phải thực hiện. Chỉ riêng việc trả lời câu hỏi khi nào là thời điểm tốt nhất để các cô gái trẻ bước ngang qua điểm mốc lớn của tuổi thanh xuân, nhiều người Việt Nam có quan điểm khá cố chấp.
Cụ thể, có vài cái mốc cơ bản: Đến 22 tuổi thì phải tốt nghiệp đại học; cô gái nào mà kéo dài thời gian học hành nghiên cứu để mở rộng kiến thức thì dễ bị dèm pha là hao phí tuổi trẻ. Đến 23 tuổi thì phải có một mối quan hệ vững chắc; nếu chưa có thì các cô gái không tránh khỏi việc bị nhiều người hỏi han nhắc nhở. Từ 25 đến 28 tuổi được coi là thời điểm lý tưởng để lấy chồng, yên bề gia thất.
Và trên hết, nếu bạn trước 30 tuổi thì tốt nhất phải có ít nhất một đứa con rồi. Lấy chồng về một, hai năm mà chưa sinh con thì bị mặc định là “có trục trặc”. Hoặc là bị chụp mũ không làm tròn bổn phận một người vợ tốt, hoặc phải đương đầu với sự thật là việc thụ thai ngoài 30 khó khăn hơn một chút, hay các lời rỉ tai vô căn cứ là sinh con ở tuổi ngoài 30 thì bé không thông minh, chưa kể đến chuyện có những người vợ phải gánh vác trách nhiệm sinh con cho “đúng giới tính”, sinh năm nào thì hợp tuổi…
Tuổi trung bình của các cô dâu Việt Nam đã tăng dần trong những thập niên gần đây, nhưng thực tế là áp lực phải lập gia đình sớm vẫn còn khá lớn. Nó liên quan đến một mặt khác của tâm lý và văn hoá Việt. Phần lớn người Việt có cách suy nghĩ khá bi quan, nếu không muốn nói là thảm họa, về sắc đẹp. Theo đó phụ nữ 30 tuổi trở đi là bắt đầu về già, sắp không còn được coi là đẹp, nên ngày càng khó kiếm chồng.
Tất nhiên tình thế này cũng có ngoại lệ, một số phụ nữ ngoài 30, thậm chí ngoài 40 hay 50, vẫn sở hữu những nét “đẹp đứng tuổi". Cũng như một số phụ nữ ngoài 30 vẫn lấy chồng viên mãn như các cô gái lấy chồng sớm. Nhưng mấu chốt ở đây là, những ngoại lệ này vẫn không khỏi khiến đại đa số các cô gái gần đến tuổi 30 âu lo rằng mình không còn đủ nhan sắc để kiếm được một anh chồng ở tuổi “đúng thì".
Một phụ nữ đến "cầu tự" tại chùa Ngọc Hoàng, TP. HCM, trong dịp Tết 2018. Sinh con là một trong những áp lực lớn với nhiều phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Hải An. |
Vậy thì phải làm sao? Đề nghị của tôi là phải “chuyển khung thành" để phụ nữ Việt Nam không còn phải hối hả nhồi những trải nghiệm phong phú của tuổi thanh xuân vào một thập niên duy nhất. 30 tuổi không cần thiết là dấu chấm hết của tuổi trẻ và nhất định không phải là điểm cuối cùng của nhan sắc. Nếu không chấp nhận quan niệm của người phương Tây rằng từng độ tuổi của phụ nữ đều có nét đẹp riêng thì người Việt ít nhất nên nhận ra khá nhiều phụ nữ Việt Nam ngoài 30 càng lớn tuổi thì càng đẹp mặn mà.
Nếu phụ nữ Việt Nam không còn sợ sắc đẹp của họ sắp phai tàn khi gần đến 30 thì đã bớt được áp lực lớn đầu tiên. Nếu vui vẻ sinh con đầu lòng sau tuổi 30 mà không lo muộn thì giảm được áp lực lớn thứ 2. Xin lưu ý ở đây là, không chỉ phụ nữ phương Tây mà phụ nữ ở nhiều nước châu Á như Nhật, Hàn... đã thay đổi ý kiến về tuổi tác và chuyện lập gia đình theo hướng này trong những thập niên qua.
Những ưu điểm của việc “chuyển khung thành” rất rõ ràng. Hoãn lại việc lập gia đình tới 35 hay 38 tuổi thì phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều thời gian hơn để trau dồi vẻ đẹp vốn có. Họ cũng sẽ có năm rộng tháng dài để hiểu và làm những gì họ mong muốn. Và chắc một trong những điều họ sẽ hiểu thêm là mình thật sự mong muốn gì ở một người đàn ông. Việc “chuyển khung thành” ở đây cũng có nghĩa là có thời gian để chờ đến khi kiếm được “ứng cử viên" phù hợp, chứ không cưới đại vì sự thúc giục của bố mẹ hoặc bạn bè.
Để áp dụng đề nghị của tôi, không chỉ cánh chị em phụ nữ cần xem lại cách nhìn nhận bản thân hoặc cách suy nghĩ về tuổi tác và sắc đẹp, mà rõ ràng đàn ông Việt cũng phải làm điều tương tự.
Đến đây thì lại là một vấn đề lớn khác nữa các bạn ạ.
Nhưng nó là vấn đề mà theo tôi, phụ nữ Việt Nam đủ năng động và giỏi giang để giải quyết.
*Tác giả Cameron Shingleton, người Australia, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Melbourne. Anh có nhiều năm sống tại TP. HCM, học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Bài viết (nguyên bản tiếng Việt) thể hiện quan điểm của tác giả.