Bài kiểm tra DxOMark trên camera điện thoại hay hiệu năng 3DMark cho thiết bị di động được coi là những bài kiểm tra đa chiều. Chúng được sử dụng rộng rãi nhằm xác định khả năng hoạt động thông qua mức điểm số mà thiết bị đạt được.
Những người đam mê điện thoại đang so sánh và tranh luận về điểm số này. Trong khi đó, các nhà sản xuất đã để ý và cố gắng tối ưu hóa camera để tạo được chỉ số DxOMarks cao nhất.
Chính vì thế, điểm DxOMarks cao không còn đồng nghĩa với chất lượng hình ảnh tốt hơn.
The Verge lấy HTC 10 làm ví dụ. Thiết bị này đạt 88/100 trên bài benchmark camera của DxOMark. Nếu chỉ xét trên điểm số, nó có camera tốt nhất hiện tại, chỉ có 1 đối thủ duy nhất là Galaxy S7 ddge với điểm số tương đương.
Biên tập viên Vlad Savod dùng cả 2 thiết bị và cho biết thực tế không giống với lý thuyết. Galaxy S7 có camera vượt trội trong khi chiếc HTC 10 chỉ ở mức tròn vai. Tại sao chúng lại có cùng điểm số, và vì sao Xperia Z5 từ Sony nằm ở vị trí thứ 3 với con số 87/100 không kém ấn tượng.
Điểm benchmark cao không đồng nghĩa với sản phẩm cho trải nghiệm tốt hơn. Ảnh: The Verge. |
Điểm chung của camera trên 3 thiết bị trên là khả năng kỹ thuật xuất sắc của cảm biến hình ảnh. Điểm khác biệt thực tế nằm ở chất lượng hình ảnh và kinh nghiệm chụp ảnh trên mỗi thiết bị.
Z5 là ví dụ đáng chú ý cho giới hạn của điểm benchmark. Dù nó có thể chụp được ảnh tuyệt vời, nhưng Z5 lại thường không thể làm điều đó vì ứng dụng camera không hoạt động mượt mà. Nếu phần mềm của bạn khiến trải nghiệm camera trở nên chán nản, cảm biến chất lượng cao cũng chẳng có tác dụng gì.
Benchmarks, cũng như mọi thông số khác, tồn tại để báo cáo. Người dùng cần cẩn thận trong việc chuyển đổi giữa những con số khó hiểu đến sự hoàn thiện thực tế.
3DMark và DxO nỗ lực đánh giá thiết bị trên mọi tình huống sử dụng, nhưng đó là điều bất khả khi. Những hạn chế của điểm benchmark hoạt động cũng bắt nguồn từ việc không phản ánh được hoạt động thực tế của thiết bị.
Nếu một chiếc laptop đạt điểm tốt trong bài kiểm tra pin lướt web, điều đó chỉ gợi ý là nó có thể hoạt động tốt khi làm những tác vụ nặng khác. Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Anand Shimpi, cựu biên tập viên của AnandTech từng chỉ ra rằng, MacBook Pro có pin tốt hơn MacBook Air (sản phẩm được mệnh danh là vua pin) khi thực hiện liên tục các tác vụ nặng.
Chiếc Pro sẽ hiệu quả hơn trong trường hợp này, nhưng đa số các bài kiểm tra pin không đủ khả năng tính đến điều đó. Nó cần một chuyên gia chạy thử hàng loạt bài kiểm tra, phân tích các dữ liệu, suy xét trong bối cảnh sử dụng để đạt được mức độ chính xác cao nhất.
Để thực hiện nhiệm vụ, các bài kiểm tra benchmark luôn có những chỉ số đánh giá. Ví dụ, 7 thông số kỹ thuật của DxO được xếp theo thứ tự: Đo sáng và độ tương phản, flash, màu sắc, tự động lấy nét, ảnh giả, độ nhiễu và texture ảnh. Thứ tự này có thể không trùng với ý thích người dùng.
Nếu người dùng muốn một chiếc điện thoại chụp các chuyến đi chơi, có lẽ đèn flash không thực sự cần thiết bằng tốc độ bắt nét và khả năng xử lý hình ảnh.
Các bài kiểm tra khó mô phỏng lại hoạt động thực tế của thiết bị. Ảnh: Greenbot. |
Điều đáng lo ngại là các nhà sản xuất đã xem DxOMark là cây thước vàng để đo khả năng của camera. Nhiều nhà sản xuất Android thừa nhận họ ưu tiên đạt được điểm DxO benchmark cao nhất trên thiết bị của mình.
Motorola từng tự hào về điểm số trên những chiếc Moto cao cấp vào năm ngoái. Sony cũng không rời mắt khỏi thông số này, còn HTC tìm cách khoe với cả thế giới rằng họ đang sở hữu thiết bị với điểm số cao nhất (cùng với Samsung).
Khi được hỏi liệu HTC có cố gắng thiết kế riêng camera của 10 nhằm đạt điểm benchmarks DxO cao nhất hay không, hãng trả lời The Verge một cách chung chung rằng họ hướng đến trải nghiệm camera tốt nhất có thể. Rõ ràng thực tế không trùng khớp lắm với tuyên bố này.
Khả năng tự động lấy nét trên HTC 10 được đánh giá 93/100 điểm DxO, nhưng họ mới phải tung ra bản nâng cấp nhằm sửa chữa thuật toán lấy nét tự động, vốn báo lỗi xác định vật thể trên laser.
Đây là vấn đề rõ ràng và khó chịu, nhưng các bài kiểm tra không thể phát hiện. Một điều nữa mà DxO đã bỏ qua: Phần mềm camera của HTC chỉ tính toán độ đo sáng full-frame và không cho phép ấn lên một vùng để đo sáng cụ thể khu vực đó.
Căng thẳng dâng cao giữa những lựa chọn thiết kế ít ỏi, nhưng thực tế và những con số khó nhằn của benchmark là cả một thử thách mà mọi nhà sản xuất đối mặt. Đạt điểm cao là cần thiết, nhưng không hiệu quả về thực tế.
Điều đó không có nghĩa là các bài kiểm tra này vô dụng hoàn toàn. Nhìn vào top đầu của DxO, nhiều thiết bị camera tốt vẫn ở đó, bao gồm cả LG G4 hay iPhone 6S Plus, nhưng cũng có cả Nextbit Robin với 81 điểm, dù rằng đa số người đã dùng thử sản phẩm này đều cho rằng camera là điểm tệ nhất của nó.
Tuy vậy, một thiết bị kém về kỹ thuật sẽ không thể nằm trong nhóm điểm cao của DxO. DxOMark vẫn có giá trị tham khảo nhất định, với một chút hoài nghi. DxO từng tiết lộ những nhà sản xuất có công nghệ phần cứng tốt, nhưng người dùng mới đánh giá được liệu phần mềm và trải nghiệm có đạt chất lượng hay không.