Hãng thông tấn Isra ngày 17/7 đăng tải lá thư do Sjoerd Hubben, quan chức phụ trách quan hệ chính phủ của công ty AstraZeneca, gửi tới Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul từ cuối tháng 6.
Lá thư giải thích Thái Lan tối đa chỉ có thể nhận 6 triệu liều vaccine một tháng từ công ty Siam Bioscience - đối tác sản xuất vaccine tại Thái Lan của hãng AstraZeneca. Con số này phù hợp với nội dung 2 bên trao đổi trước đó.
Lá thư bị rò rỉ khiến nhiều người ngạc nhiên vì chính phủ Thái Lan đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ tiêm 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay. 61 triệu liều trong đó sẽ là vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước.
Nhiều lần, chính phủ Thái Lan cũng đảm bảo với người dân rằng hãng AstraZeneca sẽ cung cấp ít nhất 10 triệu liều mỗi tháng cho đến cuối năm 2021.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là chính phủ Thái Lan sẽ mua vaccine nào để đạt được mục tiêu trên. Giá thành vaccine của Sinovac mà Thái Lan đang sử dụng cũng đắt hơn AstraZeneca ít nhất 4 lần.
Vaccine AstraZeneca. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ đặt mục tiêu thấp về vaccine?
Theo lá thư rò rỉ, Bộ Y tế Thái Lan đến nay đặt 2 đơn hàng mua tổng cộng 61 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đơn đầu tiên được ký vào tháng 1 để mua 26 triệu liều. Đơn thứ 2 được ký vào tháng 5 để mua thêm 35 triệu liều.
61 triệu liều AstraZeneca trên là một phần trong số 175 triệu liều mà Siam Bioscience, được hãng AstraZeneca thuê, sản xuất.
Thái Lan sẽ nhận 34,9% sản lượng vaccine của Siam Bioscience, tương đương 5-6 triệu liều vaccine mỗi tháng. Số còn lại sẽ được chuyển cho các nước khác, phía AstraZeneca nói trong lá thư.
Siam Bioscience là công ty thuộc sở hữu của nhà vua Thái Lan. Nhờ khoản trợ cấp 18,3 triệu USD từ chính phủ, Siam Bioscience đã được tái trang bị chuyển đổi mục đích sang sản xuất vaccine.
Nhà chức trách cho biết công ty này sẽ hoàn tiền cho chính phủ dưới hình thức vaccine.
Ngoài ra, lá thư còn hé lộ vào đầu tháng 9/2020, chính phủ Thái Lan cam kết mua chỉ 3 triệu liều mỗi tháng. Vì thế, phía AstraZeneca nói rằng hãng hy vọng chính phủ sẽ hài lòng khi lúc này được nhận tối đa 6 triệu liều mỗi tháng.
Siam Bioscience là đối tác sản xuất vaccine tại Thái Lan của hãng vaccine châu Âu AstraZeneca. Ảnh: Reuters. |
Trong thư, AstraZeneca cũng đề cập tới việc vào tháng 9/2020, hãng này từng hối thúc chính phủ Thái Lan gia nhập cơ chế chia sẻ vaccine COVAX, bên cạnh mua trực tiếp từ nhà sản xuất.
Thái Lan là một trong số ít nước đang phát triển không tham gia cơ chế COVAX.
Thời điểm thực tế ký kết 2 thỏa thuận mua vaccine mà lá thư nhắc đến cũng đáng chú ý, theo Bangkok Post.
Nội dung trong thư cho thấy hợp đồng lần 2 mua 35 triệu liều vaccine được ký vào tháng 5, trong khi làn sóng Covid-19 thứ ba đã hoành hành trong Thái Lan từ đầu tháng 4.
Trả lời Isra, Bộ trưởng Anutin cho biết Thái Lan thực tế đã đặt trước nguồn cung từ đầu năm 2021. Nhưng dù thế nào đi nữa, ngày chính phủ duyệt ngân sách mua vaccine là ngày 5/3. Hai tháng sau, thỏa thuận mới được ký kết.
Lỗi chưa chắc do AstraZeneca
Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha ngày 15/7 cũng thừa nhận rằng AstraZeneca sẽ không thể giao toàn bộ 61 triệu liều theo 2 hợp đồng đã ký cho tới tháng 5/2022. Thời hạn ban đầu là vào tháng 12 năm nay.
Ông Sathit cũng nói con số 10 triệu liều một tháng là năng lực tiêm chủng cho người dân, không phải số liều vaccine nước này sẽ nhận từ AstraZeneca.
Vị bộ trưởng còn cho hay hãng AstraZeneca đã xem kế hoạch tiêm chủng nhưng không đưa ra ý kiến.
Người dân Thái Lan đo huyết áp trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Sipa. |
Tuyên bố ngày 15/7 của ông Sathit khiến một số người Thái Lan cho rằng AstraZeneca không thực hiện đúng giao kết và có thể làm gián đoạn chương trình tiêm chủng của cả nước.
Đảng đối lập thậm chí hối thúc chính phủ dùng thẩm quyền theo luật vaccine để cấm xuất khẩu vaccine do Thái Lan sản xuất khi có tình trạng thiếu hụt trong nước.
Tuy nhiên, lá thư rò rỉ cho thấy AstraZeneca chưa chắc đã có lỗi trong việc thiếu hụt vaccine, Bangkok Post nhận định.
Đại dịch ở Thái Lan đang diễn biến phức tạp với hơn 9.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày trong một tuần trở lại.
Đến ngày 18/7, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 403.000 ca mắc Covid-19 và hơn 3.300 ca tử vong, theo Worldometer.
Lệnh cấm tụ tập nơi công cộng đã được ban hành trên toàn quốc trước cảnh ca mắc Covid-19 và tử vong liên tục phá kỷ lục.
Sau hơn 1 tháng bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19 vào ngày 7/6, Thái Lan tính tới ngày 17/7 đã chích ngừa đầy đủ cho 4,93% dân số.