Khi Trung Quốc cởi mở hơn về vấn đề quan hệ tình dục, số cặp vợ chồng ly dị do ngoại tình cũng tăng lên đáng kể trong những thập niên gần đây. Số nam giới ngoại tình ngày càng tăng dẫn đến việc ra đời loại hình kinh doanh mới mang tên “săn tình nhân”.
Những người vợ có chồng ngoại tình sẽ đến các công ty dịch vụ nói trên, thuê “thợ săn tình nhân” để giải quyết mối quan hệ bất chính của chồng.
“Thợ săn tình nhân” là những cô gái được đào tạo các kĩ năng cần thiết, bí mật dàn cảnh gặp gỡ tình nhân của chồng khách hàng. Sau vài lần trò chuyện, "thợ săn" sẽ tìm cách tạo sự tin tưởng và thuyết phục các cô tình nhân ngừng ngoại tình với chồng người khác.
Số vụ ly hôn ở Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: SCMP. |
Weiqing là công ty cung cấp các dịch vụ “săn tình nhân” song song với các dịch vụ tư vấn hôn nhân truyền thống. Công ty cho biết đã cứu hàng nghìn cuộc hôn nhân mỗi năm.
Trong những năm gần đây, Weiqing thu về khoản lợi nhuận cao nhờ lượng khách hàng sử dụng dịch vụ “săn tình nhân” ngày càng lớn. Những bà vợ phiền lòng vì chuyện ngoại tình của chồng phải chi khoảng 50.000 nhân dân tệ (hơn 7.200 USD) cho mỗi lần sử dụng dịch vụ "săn tình nhân". Doanh thu trong 10 tháng đầu năm ngoái của Weiqing là 17 triệu nhân dân tệ (hơn 2,4 triệu USD), gấp đôi doanh thu của chính nó trong năm 2015.
“Đối tượng khách hàng của chúng tôi là những người đã ly hôn hoặc có bạn đời ngoại tình”, Weiqing cho biết. “Chúng tôi sẽ linh hoạt cung cấp các giải pháp để cứu vãn tình trạng hôn nhân của họ”. Shu Xin, 49 tuổi, người sáng lập Weiqing cũng từng là phóng viên, cho hay ông lập ra công ty này để “ngăn chặn các cuộc ly hôn”.
“Mỗi năm chúng tôi cứu khoảng 5.000 cặp vợ chồng”, Shu nói.
Các doanh nghiệp như Weiqing mọc lên ngày càng nhiều trong bối cảnh quan niệm về chuyện ngoại tình ở Trung Quốc có nhiều thay đổi. Trước đây, ngoại tình được xem như một trọng tội và là điều không thể chấp nhận được.
Theo thống kê của chính phủ, 3,84 triệu người trưởng thành ở Trung Quốc (tương đương với khoảng một nửa dân số Hong Kong) đã nộp đơn ly hôn vào năm 2015, tăng 17 lần so với năm 1986.
Ngoại tình được cho là lý do chính dẫn tới đổ vỡ trong hôn nhân ở Trung Quốc. Trong khi các dịch vụ tư vấn hôn nhân phố biến ở nhiều nơi trên thế giới thì nghề “săn tình nhân” lại chưa thực sự được nhiều người Trung Quốc biết đến.
“Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty săn tình nhân cho thấy rõ Trung Quốc vẫn là một quốc gia coi trọng nam giới”, Li Yinhe, nhà xã hội học người Trung Quốc, nói. “Theo tôi, những người tìm đến loại hình dịch vụ này không thực sự yêu người bạn đời của mình, họ bị những lợi ích vật chất chi phối”, bà nhấn mạnh.
Ông Shi Xin, người sáng lập công ty Weiqing chuyên cung cấp dịch vụ "săn tình nhân" ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo khảo sát mà bà Li thực hiện, chỉ 6% người Trung Quốc nộp đơn ly dị vào những năm 1980. “Những người ngủ chung với những người khác giới mà không phải bạn đời của mình sẽ bị coi là có vấn đề về hành vi, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp và danh tiếng của họ”, bà Li cho hay.
Trong xã hội ngày nay, người Trung Quốc có tài chính dư dả và lối sống tự do hơn. Ngoại tình không phải là vấn đề quá nghiêm trọng như trước. Weiqing tỏ ra nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng này và hiện có hơn 50 văn phòng trên khắp Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thượng Hải, An Huy, Thâm Quyến.
Khách hàng phải trả 800 nhân dân tệ (115 USD) cho mỗi giờ tư vấn hôn nhân với Weiqing. Thậm chí, có khách hàng từng trả 200.000 nhân dân tệ (gần 30.000 USD) cho các dịch vụ của công ty này.
Theo số liệu của bộ Nội vụ Trung Quốc, cứ một triệu người dân nước này mới có khoảng 2 tư vấn viên về hôn nhân, so với tỷ lệ một tư vấn viên phục vụ 300 đến 500 gia đình ở các quốc gia phát triển. Theo Weiqing, điều này cho thấy thị trường dành cho các dịch vụ tư vấn hôn nhân ở Trung Quốc vẫn chưa được khai thác hiệu quả.