Anh Hạ Đạt Hảo, phó giám đốc trung tâm đào tạo chó nghiệp vụ ở Gia Lâm, Hà Nội, cho biết, hiện trung tâm có hơn 100 "học viên" thuộc các giống Pug, Nhật, Pit Bull, béc-giê.... Ngoài ra, những giống hiếm như Ngao Tây Tạng, Lowchen giá lên đến chục nghìn đô cũng được chủ nhân cho đi "học".
Theo anh Đạt, mỗi khóa huấn luyện chó kéo dài khoảng 3 tháng. Chi phí cho một khóa dao động 10-12 triệu đồng bao gồm công dạy, vắc-xin, thuốc giun và thức ăn trong quá trình đào tạo, tùy thuộc vào từng độ tuổi và giống. Theo đó, mỗi "học viên" sẽ được đào tạo nghiệp vụ từ cơ bản đến nâng cao. Thông thường, chó khoảng 8-9 tháng tuổi phù hợp để huấn luyện, mà không lo việc quên mặt chủ.
Những con chó được đào tạo cách sinh hoạt có kỷ luật cùng các kỹ năng đi, đứng ngồi và bảo vệ chủ. Ảnh: Ngọc Lan. |
"Theo giáo trình đặc biệt, tháng đầu tiên, chó sẽ được học các kỹ năng đứng, ngồi, bò,... theo khẩu lệnh và kỷ luật sinh hoạt như ăn, ngủ, đi vệ sinh,.... Từ tháng thứ 2, 3, chúng phải học cách giữ nhà, bảo vệ chủ", anh Hảo cho hay.
Một ngày của các "học viên" sẽ bắt đầu vào lúc 5h30, kết thúc vào 18h (nghỉ 2 tiếng buổi trưa). Mỗi buổi "đứng lớp", một huấn luyện viên sẽ phụ trách 3-4 chó. Mỗi buổi học kéo dài 60 phút.
Theo nguyên tắc, cứ 10 ngày, khách hàng phải đến thăm chó của mình một lần để huấn luyện viên bàn giao khẩu lệnh. Điều này cũng khiến chủ nhân gần gũi chúng hơn.
Làm ở trung tâm này được hơn 20 năm, anh Hảo cho biết, ban đầu, khách gửi thú cưng đến để thuần loại chó săn, hung dữ. Song mấy năm trở lại đây, thị hiếu thay đổi, chó gửi tới chủ yếu là loại làm cảnh. Do đó, giáo trình giảng dạy cũng phải thay đổi liên tục.
Mỗi khóa đào tạo chó chuyên nghiệp kéo dài khoảng 3 tháng với chi phí trên chục triệu đồng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Lò Văn Luyến có kinh nghiệm 10 năm trong nghề cho biết, mỗi giống chó và từng con có một đặc tính khác nhau. Ví dụ như giống béc-giê thông minh, tiếp thu rất nhanh nhưng không thân thiện. Chó Ngao lì lợm, chậm hiểu, dữ dằn nhưng tuyệt đối trung thành. Giống Phú Quốc cực kỳ khó bảo, ham chơi và nếu không kiên trì, dạy theo cách gượng ép, chúng sẵn sàng phản chủ.
Vì thế, chế độ chăm sóc và cách làm quen, đào tạo cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, cũng giống như một đứa trẻ, bất kỳ giống chó nào cũng thích sự vui vẻ, thoải mái. Do đó, huấn luyện viên phải mềm mỏng nhưng trong khuôn khổ.
"Đào tạo một con chó chuyên nghiệp cũng như dạy một đứa bé. Khi chúng tới 'nội trú' rất khó gần. Người dạy phải mất hơn 2 tuần để làm thân bằng cách dắt chúng đi dạo, cho ăn, vui đùa thậm chí là thường xuyên nói chuyện", huấn luyện viên Phạm Công Thức (23 tuổi) cho hay.
Chó được tham gia lớp học "vượt chướng ngại vật" từ tháng thứ 2. Ảnh: Ngọc Lan. |
Theo anh Thức, khó khăn lớn của việc đào tạo là gặp những chú chó chậm hiểu. Thông thường, các vấn đề này xuất phát từ nguồn gen hoặc cơ địa chúng không được khỏe. Đối với những trường hợp cá biệt này, các “thầy giáo” buộc phải dạy thêm giờ vào buổi tối hoặc sáng sớm, thậm chí tranh thủ giờ nghỉ trưa.
Song, những người thầy cho biết, họ cũng có ấn tượng đặc biệt với những "học viên" xuất sắc, dễ bảo, thông minh. "Đặc biệt với những người mới vào nghề, cảm giác quyến luyến và thương nhớ một học trò cưng khi chúng 'tốt nghiệp' là không tránh khỏi", anh Thức cho hay.
Mới học được 3 tuần nhưng con chó Labrador (5 tháng tuổi) của anh Trần Văn Quang (Gia Lâm, Hà Nội) đã biết sủa, đứng, ngồi và bò theo khẩu lệnh. Anh Quang cho biết, Bu (tên chú chó) ở nhà thường được nuông chiều ăn đồ ngon, không đi vệ sinh đúng chỗ và đặc biệt không sủa khi thấy người lạ. Anh cho chúng đi học để tinh anh, dễ dàng hơn cho việc chăm sóc.