Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch vụ cho vay online âm thầm lấy Facebook của khách để 'khủng bố'

Một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng thu thập thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội của người đi vay để “khủng bố” người thân họ khi nợ quá hạn.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục đã tiếp nhận và giải quyết nhiều trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng đối với các mô hình cho vay, cầm đồ trực tuyến.

Cơ quan này cho hay sau khi rà soát hoạt động của một số công ty có liên quan, thì nhận thấy một số số mô hình cho vay trên cơ sở kết hợp với công ty tư vấn và công ty dịch vụ cầm đồ.

Dich vu cho vay truc tuyen am tham lay Facebook cua khach de ‘khung bo’ anh 1
Một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng thu thập thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội của người đi vay để “khủng bố” người thân họ khi nợ quá hạn. Ảnh minh họa: Phúc Minh.

Trong quá trình hoạt động, các công ty này đã có dấu hiệu mập mờ trong việc thông tin đến người đi vay nên dẫn đến những khiếu nại về sau.

Cụ thể, khi cung cấp gói vay, công ty không công khai thông tin giao dịch sẽ được thực hiện thông qua hoạt động cầm đồ hoặc các chủ thể khác cùng tham gia. Ngoài ra, chi phí phát sinh từ khoản vay cũng không được cung cấp rõ ràng như chỉ nhắc đến lãi suất mà không nói về phí tư vấn, phí thẩm định tài sản, phí lưu giữ tài sản, phí quản lý hồ sơ.

“Các phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả, dẫn đến người tiêu dùng không ước tính được đầy đủ tổng chi phí phải trả khi đi vay”, đại diện Cục Cạnh tranh cho biết.

Đặc biệt, theo đơn vị thuộc Bộ Công Thương, ngoài lấy thêm thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, các công ty này đã thu thập thông tin về ứng dụng mạng xã hội mà người đi vay như Facebook, Viber… nhưng không nói rõ mục đích.

Sau đó, đến kỳ hạn thu hoặc đòi nợ quá hạn, các công ty này sẽ kiểm tra và liên hệ với danh sách bạn bè trên các ứng dụng này của người đi vay để “khủng bố”.

Ngoài ra, các công ty này còn dùng mập mờ trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh quảng cáo khiến người đi vay hiểu nhầm. Đơn cử, một số nơi chỉ được phép cung cấp dịch vụ tư vấn mà không có chức năng cho vay nhưng giới thiệu là “đơn vị cho vay trực tuyến”, “công ty tài chính”, “cung cấp khoản vay nhanh”… hoặc hình ảnh, sơ đồ tập trung vào việc giải ngân.

Cục Cạnh tranh cũng lưu ý nhiều trường hợp người tiêu dùng được đề nghị xác nhận ký bằng phương thức điện tử trước khi hợp đồng được gửi sau qua email. Trong đó, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người đi vay trực tuyến nên cẩn trọng trước khi cung cấp các thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký khoản vay, nhất là mục đích các công ty sử dụng để tránh bị “khủng bố”.

Đồng thời, người tiêu dùng phải yêu cầu gửi bản sao hợp đồng sau khi ký. Đặc biệt, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng, đặc biệt cân nhắc các chi phí phải trả khi tham gia vay trực tuyến bởi số phí thực có thể đội lên gấp nhiều lần.

Cảnh báo của Cục Cạnh tranh được đưa ra vào thời điểm trước Tết Nguyên đán hơn một tuần, khi nhu cầu tiền mặt để mua sắm Tết của người dân tăng cao. Trong khi đó, mô hình vay trực tuyến được đánh giá đang bùng nổ với thủ tục dễ dàng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số công ty kết hợp với các dịch vụ đòi nợ để “khủng bố” người dân.

Vì sao nhân viên ngân hàng được trả lương tới gần 100 triệu mỗi tháng?

Xác nhận mức lương tới 97 triệu đồng/tháng, đại diện VIB cho biết đây là lương của nhân viên khối kinh doanh trong những tháng cuối 2018, không phải là lương cấp lãnh đạo.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm