Trong một chuyến đi đến Thâm Quyến Trung Quốc, tôi thấy người bạn bản địa của mình hớt hải đi tìm trụ sạc dự phòng để trả. Điều này kích thích trí tò mò của tôi.
Người bạn của tôi là Lynn Zhang, 27 tuổi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Công việc này đòi hỏi điện thoại của Lynn phải luôn trong tình trạng đầy pin. Cô liên lạc với du khách, tiệm ăn, quán nước, đặt vé… đều bằng điện thoại. Đồng thời, Lynn phải di chuyển rất nhiều mỗi ngày khiến sạc dự phòng là vật bất ly thân của cô.
Trụ sạc dự phòng được tích hợp vào các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Nhật Nguyên. |
Thế nhưng, thay vì mua cho mình một cục sạc, cô lại chọn giải pháp thuê nó từ các startup mới nổi tại Trung Quốc. Giá cho mỗi giờ thuê là 1 tệ, tương đương 3.600 đồng. Số tiền này với Lynn là rất nhỏ.
“Tôi chọn thuê cục sạc vì đây là phụ kiện tuy nhỏ nhưng rất nặng, đặc biệt là khi để trong túi xách của nữ giới. Đó là lý do tôi chọn thuê thay vì mua”, Lynn nói.
Nhu cầu thuê sạc dự phòng tại Trung Quốc đang rất phát triển. Theo SCMP, tại Trung Quốc, hiện có 35 công ty đầu tư mạo hiểm rót hơn 160 triệu USD vào các startup kinh doanh dịch vụ cho thuê sạc dự phòng chỉ trong 40 ngày. Đồng thời, người dùng dịch vụ chia sẻ sạc dự phòng đã tăng gần gấp đôi từ 2017-2018. Có hơn 2 triệu người dùng đã thuê một cục sạc dự phòng ít nhất 1 lần/tuần tại Trung Quốc.
Giá cho mỗi cục sạc dự phòng từ 7-10 USD/chiếc, mỗi trạm sạc có 10-20 cục. Như vậy, mỗi trạm sạc tốn 70-200 USD. Cộng với các chi phí khác, số vốn bỏ ra cho mỗi trạm sạc thấp hơn rất nhiều so với mô hình dịch vụ chia sẻ xe đạp từng đốt hàng triệu đô của các startup Trung Quốc. Đồng thời, chi phí sửa chữa, hao mòn của các thiết bị này cũng thấp hơn.
“Bạn sẽ phải thanh toán bằng Alipay để có thể thuê sạc mà không đặt cọc 15 USD. Nếu lịch sử tín dụng của bạn không tốt (tức mượn không trả hoặc hư hỏng), bạn phải đặt cọc”, Lynn nói.
Tuy vậy, theo Trustdata có khoảng 95% startup chia sẻ sạc dự phòng đã bỏ qua khoản tiền cọc để thu hút người dùng. Trong đó, chỉ có 1% người dùng không trả lại sạc đã thuê. “Mọi người thường tự giác trả sản phẩm bởi giá trị một cục sạc không thể so sánh với lịch sử tín dụng. Lấy một cục sạc, bạn sẽ mất quyền lợi khi sử dụng các dịch vụ công cộng khác”, Lynn nói.
Có hàng chục startup thuê sạc dự phòng tại Trung Quốc. Ảnh: Nhật Nguyên. |
Tôi hỏi Lynn vì sao cô lại hớt hãi đi trả sạc trong khi giá thuê rẻ. Lynn trả lời rằng 1 giờ 1 tệ là rất ít nếu cô sử dụng. “Nhưng nếu tôi quên trả, mỗi ngày bỏ cục sạc trong túi, tôi đang đốt 24 tệ. Đó là một sự lãng phí lớn và các startup đang kiếm tiền bằng việc kinh doanh thời gian”, Lynn nói thêm.
Thực tế, các startup cho thuê sạc dự phòng không muốn người dùng tính nhẩm. Có nghĩa họ không muốn đưa ra các mức ưu đãi khi người dùng thuê số lượng nhiều. Đơn vị được dùng để tính giá thuê chỉ là 1 tệ/giờ. “Nếu họ giới thiệu gói thuê 2 ngày 30 tệ, tôi sẽ không thuê vì số đó quá lớn”, Lynn chia sẻ.
Hiện nay, bất cứ quán trà sữa, cửa hàng tiện lợi nào của Trung Quốc cũng có những trụ cho thuê sạc dự phòng. Mỗi cục sạc có dung lượng 5.000 mAh, vừa đủ để sạc đầy một chiếc điện thoại. Như vậy, cùng sạc một chiếc smartphone nhưng mỗi người sẽ trả một khoản phí khác nhau tùy theo “độ lười” đem trả của mình. Với các startup, vốn họ chi ra là cố định. Đó là một trong những lý do hình thức dịch vụ này đang nở rộ tại Trung Quốc.