Zing lược dịch bài viết của phóng viên Erin Griffith, New York Times chia sẻ trải nghiệm được hướng dẫn cắt tóc qua FaceTime thời Covid-19.
Hơn 20 ngày kể từ khi có lệnh ở nhà tại San Francisco và các tiệm cắt tóc đều phải đóng cửa, tôi đã chấp nhận sẽ nuôi dài mái tóc của mình. Tuy nhiên chồng tôi, Matt, đã doạ sẽ cạo trọc đầu vì đã 2 tháng rồi anh không cắt tóc.
Trong nhiều tuần liền, anh phải cố gắng giấu lọn tóc đã dài ra bằng cách đeo những chiếc tai nghe thật to hoặc ngồi trong góc tối khi gọi điện video. Dù vậy, đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Những sợi tóc vẫn cứ dài ra và không hề quan tâm đến việc chúng tôi đang mắc kẹt ở nhà.
Chuyên gia tạo mẫu tóc hướng dẫn cách cắt qua FaceTime. Ảnh: New York Times. |
Dịch vụ cắt tóc ảo
Đó là lúc tôi biết đến dịch vụ cắt tóc ảo. Caitlin Collentine, chuyên gia làm tóc tại salon tôi hay ghé, đã gửi email giới thiệu dịch vụ. Với 55 USD, cô ấy sẽ hướng dẫn chúng tôi tự cắt tóc của mình.
Diễn viên Riz Ahmed chia sẻ mái tóc siêu ngắn, sau khi tự cắt tóc hỏng tại nhà. Ảnh: Riz Ahmed. |
Đây không phải là dịch vụ trực tuyến hoang đường nhất kể từ khi dịch Covid-19 tới Mỹ. Tôi đã nghe tới cuộc đua Iron Man ảo, săn trứng Phục sinh ảo hoặc hẹn hò nhanh qua mạng. Thợ sửa ống nước tại Ohio và Florida thì giúp khách hàng tự sửa ống nhà mình qua video.
Dù sao thì một mái tóc cắt hơi tệ do chuyên gia tư vấn cũng còn đỡ hơn ông chồng cạo trọc, nên tôi quyết định đăng ký. Một phần, tôi cũng thắc mắc không biết cắt tóc sẽ khó thế nào. Tôi cũng mơ mộng mình có thể làm tốt đến nỗi trở nên chuyên nghiệp sau đại dịch.
Bộ "đồ nghề" đi mượn của tác giả. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, phần thực tế trong tôi lại nhớ về những mái tóc hỏng mà Riz Ahmed hay Pink tự cắt cho mình và đăng lên mạng. Riz Ahmed đã cạo trọc đầu sau khi cắt hỏng, và đầu của Matt cũng sẽ như vậy nếu tôi làm hỏng.
Thử thách đầu tiên của chúng tôi là tìm được tông đơ và kéo cắt tóc. Các cửa hàng khu tôi đều đã bán hết, và mua trên mạng thì phải chờ vài tuần. Chẳng mấy ngạc nhiên, bởi cả đất nước này đều đang tự cắt tóc cho mình. Tôi đã phải mượn đồ của bạn, có cả bước khử trùng và gửi đồ không tiếp xúc.
Thử thách thứ hai là cố không tự cắt vào ngón tay mình.
Tôi sẽ không đổi nghề sau đại dịch
Cô Collentine bắt đầu cuộc gọi bằng cách chụp ảnh đầu của Matt từ góc trước, cạnh và sau. Cô hướng dẫn tôi cách cầm tông đơ đúng, vị trí cần phải đưa trên mái tóc.
Đó là phần dễ, nhưng tông đơ gắn sẵn phần lưỡi cho tóc hơi dài, nên tôi vẫn phải dùng kéo và lược khá nhiều.
Những nhà tạo mẫu tóc dùng kéo và lược trông rất tự nhiên, nhưng tôi thấy mình thường xuyên chạm cổ tay và ngón tay vào mũi kéo. Matt thì khá thích thú mỗi khi tôi kêu "oops".
Vừa nghe và xem hướng dẫn của cô Collentine, vừa cảm nhận Matt ngắm mình làm việc khiến tôi nhớ lại cảm giác khi lái xe mà có cả cha và mẹ ngồi trong xe.
Tác giả còn tự sửa mái tóc cho mình, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Ảnh: New York Times. |
"Đưa lược sang bên trái một chút. Bên kia cơ. Giữ ở đó. Cắt vuông góc hơn, hướng về phía đầu. Ok, cắt đi. Góc đó cũng ok, cô làm tốt đó", cô Collentine hướng dẫn tôi.
Tôi hỏi cô Collentine liệu nhìn một kẻ nghiệp dư như tôi cầm kéo có khiến cô muốn vươn qua màn hình và tự mình cắt tóc không. "Cũng hơi khó chịu", cô nói thật. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cô nhận ra mình khéo léo đến mức nào.
Ban đầu, tôi cắt phần ngọn tóc của Matt rụt rè tới nỗi cắt xong mà chẳng thấy khác biệt gì. Một vài lần cô Collentine hướng dẫn tôi cách để sửa đoạn tóc vừa cắt hơi quá tay, và tôi nhận ra cắt tóc đôi lúc cũng dễ.
Tuy nhiên, tự tin quá đôi lúc cũng không hay. Khi tôi ngày càng tự tin và cắt nhanh hơn, rốt cục tôi đã cắt vào ngón tay. May mà chiếc kéo không sắc nên tôi chỉ bị đau một lúc.
Cuối cùng, thêm cả đoạn Matt tự sửa cho mình, tóc của anh trông cũng ổn. May mà anh ấy không thể tự nhìn phần gáy tóc của mình, và đồng nghiệp của anh qua cuộc gọi cũng vậy.
Tôi cho rằng mình sẽ không thể đổi nghề một khi các tiệm cắt tóc mở cửa trở lại.
Cô Collentine cũng giúp tôi chỉnh lại mái tóc của mình chỉ đơn giản bằng vài đường chải và tỉa. Giờ tôi đã có động lực chỉnh tóc mình mỗi sáng, bởi câu đùa trong phim Fleabag đã chỉ rõ: mái tóc là sự khác biệt giữa một ngày tốt và một ngày tệ hại.