Ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc "5 không"
Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát hiện thêm dịch bệnh tại địa bàn xã Tân Khánh (huyện Phú Bình) và xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên). Trước đó, ổ dịch đầu tiên đã được phát hiện tại xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) vào ngày 5/3 với tổng đàn heo phải tiêu hủy theo quy định là 52 con.
Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Hải Hà cho biết lực lượng chức năng vừa phát hiện ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại hộ gia đình ông Bùi Văn Đăng, thôn 2, xã Quảng Thịnh. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện 3 ổ dịch. Trước đó, 2 ổ dịch được phát hiện tại xã Yên Đức và Bình Dương (thị xã Đông Triều).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, vì vậy có khả năng gây chết với tỷ lệ lên tới 100% đối với đàn heo nhiễm bệnh. Do đó, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm nguyên tắc "5 không": không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa nấu chín.
Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng đã đưa ra khuyến cáo việc tiêu hủy đàn heo có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi bằng phương pháp chôn sâu 3-4 m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột.
Lơ là sẽ là thảm họa cho TP.HCM
Chiều cùng ngày, tại buổi họp triển khai công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Lê Thanh Liêm chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện phải có biện pháp phòng chống dịch cụ thể và kiên quyết hơn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, toàn TP có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con, trong đó có 247 hộ nuôi bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn nên có nguy cơ cao đối với bệnh dịch. Sở đã tiến hành kiểm tra, chưa phát hiện đàn heo nào mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.
Cũng theo sở này, hiện TP có 11 cơ sở giết mổ với số lượng từ 6.500-7.000 con heo/ngày, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nếu các tỉnh này có dịch thì sẽ dẫn đến nguy cơ cao cho TP.HCM.
Các quận - huyện đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, buộc các hộ chăn nuôi heo bằng thức ăn thừa phải xử lý nấu chín trước khi cho heo ăn.
Thông tin tại cuộc họp, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay qua kiểm tra chưa phát hiện con heo nào có biểu hiện của bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, đã phát hiện cả tấn heo có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ, trong đó nhiều nhất là nguồn từ Đồng Nai. Bà Lan cảnh báo khu vực xung quanh các chợ đầu mối, các tuyến đường có nhiều sạp buôn bán thịt heo nhưng không xuất trình được chứng từ, nguồn gốc sử dụng nguồn thịt trôi nổi từ các lò mổ lậu, không được kiểm soát.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết đã làm việc với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty C.P. Việt Nam để có phương án cung ứng thịt heo trong tình huống xấu nhất khi nguồn cung thiếu hụt. Riêng Công ty C.P đã tổ chức kho lạnh dự trữ 3.600 tấn thịt heo. Các công ty chăn nuôi, kinh doanh gia cầm (Công ty Ba Huân, San Hà, Phạm Tôn…) cũng đã có phương án chuẩn bị nguồn thịt gà thay thế.
"Sở đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường tại 329 chợ truyền thống và 250 chợ tạm trên địa bàn" - bà Trang cho biết thêm.
Nhắc lại yêu cầu quận - huyện nào để xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi thì Chủ tịch UBND quận - huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm chỉ đạo địa phương nào chưa kiện toàn được bộ máy phòng chống dịch thì ngay lập tức chấn chỉnh.
Các quận - huyện phải theo dõi chặt hộ nuôi heo từ thức ăn thừa, xử lý nghiêm lò giết mổ có heo nhiễm bệnh và tăng cường giám sát nguồn heo có truy xuất nguồn gốc.