Bộ Y tế đang phối hợp Bộ NN&PTNT giám sát gắt gao việc vận chuyển gia cầm qua lại cửa khẩu. Đồng thời, với các loại phương tiện lưu thông nếu thấy sự xuất hiện của chuột thì sẽ tạm giữ, xông thuốc diệt chuột để phòng ngừa dịch hạch.
TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trao đổi thông tin trên với Pháp Luật TP.HCM tại hội nghị tập huấn tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh chuyển mùa được tổ chức sáng 28/11 ở TP.HCM.
Đường lây truyền dịch hạch từ chuột sang người. |
Cúm A/H5N8 có nguy cơ lây cho người
-Hiện đã xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới A/H5N8. Virus này nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
- Tháng 11/2014, Đức và Hà Lan ghi nhận hai ổ dịch cúm A/H5N8 tại các trang trại gia cầm và ghi nhận virus này có cấu trúc gien tương tự như virus phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 1/2014. Điều đáng lo ngại là virus này bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virus cúm, bao gồm cả virus cúm A/H5N1 hiện vẫn đang lưu hành ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus cúm A/H5N8 gây tử vong cao ở gà.
Hiện thế giới chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H5N8 ở người. Tuy nhiên, chủng virus này có thể lây truyền từ gia cầm sang người trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh.
- Thưa ông, cúm A/H5N8 đã xảy ra ở Trung Quốc, vậy nguy cơ thâm nhập vào Việt Nam có thể xảy ra không?
- Cúm A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm là chính. Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, tết lại sắp đến nên lượng gà từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam để tiêu thụ rất cao. Do đó, nếu không giám sát chặt thì nguy cơ gia cầm nhiễm cúm A/H5N8 sẽ thâm nhập vào Việt Nam có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giáp với Campuchia nên cần kiểm soát kỹ những đàn vịt thả đồng để hạn chế thấp nhất gia cầm mang mầm bệnh A/H5N8 vào nước ta.
Giám sát chặt biên giới ngăn dịch hạch
- Dịch hạch tái xuất hiện ở một số nước khiến nhiều người lo lắng. Bệnh có lây từ người qua người không, thưa ông?
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cuối tháng 8/2014 đến nay, Madagascar đã ghi nhận gần 120 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là tỉ lệ rất cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có một trường hợp tử vong do dịch hạch thể phổi.
Dịch hạch xếp vào nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm, lây truyền từ chuột sang người thông qua bọ chét. Ở Việt Nam, chuột và bọ chét sinh nở mạnh vào mùa khô nên dịch hạch có nguy cơ xảy ra trong thời điểm này.
Dịch hạch có nguy cơ lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết… từ khối hạch bị vỡ. Ngoài ra, bệnh dịch hạch thể phổi có thể lây sang người khác qua đường hô hấp và có tỉ lệ tử vong cao.
- Trung Quốc đã có người chết vì dịch hạch. Vậy có cách nào ngăn chặn chuột mang mầm bệnh dịch hạch vào Việt Nam không, thưa ông?
- Trung Quốc và Việt Nam giáp đường biên giới nên chuột nhiễm bệnh vào Việt Nam là điều có thể xảy ra. Do vậy việc giám sát chuột trên các phương tiện giao thông vận tải tại các cửa khẩu giữa hai nước là điều cần thiết. Hiện các cửa khẩu Việt Nam đều có biện pháp kiểm soát chuột gắt gao.