“Ngay sau khi nhận được cuộc điện thoại từ địa phương báo cáo có ca dương tính Covid-19 đầu tiên, tôi đã hình dung ngay việc có hiện tượng ủ bệnh và lây chéo trong Công ty POYUN”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhớ lại.
Đó là ngày 27/1, khi ông Phạm Xuân Thăng đang tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Hà Nội.
72 ca trong một ngày
Ngoài việc lập tức đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ người tại Công ty TNHH Điện tử POYUN ở Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh.
Hôm đó, công nhân của Công ty POYUN vẫn đến làm việc bình thường. 14h, thông tin chính thức về nữ công nhân ở xưởng cắt, tức bệnh nhân 1552, dương tính với SARS-CoV-2 được phát đi. Lệnh phong tỏa toàn bộ công ty lúc này đã được ban hành.
Công an dựng barie. Ít phút sau, đoàn xe cứu thương chở hàng chục cán bộ, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít tiến vào.
Cuộc xét nghiệm nhanh của CDC Hải Dương, Viện Đại học Y dược Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương diễn ra gấp rút nhằm phân loại hơn 2.300 người liên quan ổ dịch này. Trường hợp dương tính lập tức được chuyển về khu riêng biệt.
Kết quả công bố trưa 28/1 là con số lịch sử. 72 ca nhiễm đều có dịch tễ liên quan đến bệnh nhân 1552.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.300 công nhân Công ty POYUN. Ảnh: Thạch Thảo. |
“72 ca dương tính từ xưởng cắt trong tổng số 190 công nhân ở nơi đó. Tôi trực tiếp báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó thủ tướng đánh giá đây là ổ dịch lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay vì chưa bao giờ có một nơi nào xét nghiệm ngay lần đầu ra ca bệnh như vậy cả”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nói.
Trong ngày 28/1, phường Cộng Hòa, nơi đặt nhà máy, bị phong tỏa. TP Chí Linh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các chốt kiểm soát dịch được dựng lên. Chí Linh trong cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người dân phải thực hiện khai báo y tế.
Đầu giờ chiều, một nhóm cán bộ, nhân viên y tế 7 người lập tức lên đường đến xã Hưng Đạo, TP Chí Linh - nơi bệnh nhân 1552 sinh sống - để làm xét nghiệm cho 250 F2. Sau khi thực hiện xong, họ tiếp tục đến Công ty POYUN để cùng đoàn y tế ở đó tiếp tục làm xét nghiệm cho công nhân.
Hai ngày cùng đồng đội thức trắng khiến đôi mắt của ông Hoàng Huỳnh (Phó giám đốc CDC Hải Dương) đỏ hoe. “Thời gian đó, chúng tôi phải làm việc hết sức để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh”, ông Huỳnh nói.
Kết quả sau đó cho thấy có tổng cộng 176 dương tính với SARS-CoV-2. “Đây là một sự cố rất nghiêm trọng về dịch tễ”, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Hải Dương nói.
Thần tốc nơi tâm dịch
Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định có thể bệnh nhân Covid-19 không dừng ở con số 100-200 mà có thể lên cao hơn nên yêu cầu Hải Dương phải chuẩn bị ngay công tác điều trị.
Chiều 29/1, Bệnh viện dã chiến số 1 với 350 giường bệnh được thiết lập thần tốc tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh sau chưa đầy 36 giờ. Gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú được di tản để nhường chỗ cho công tác điều trị cùng lúc 72 bệnh nhân Covid-19.
"Lúc đầu, khi nhận được nhiệm vụ chuyển thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng tôi rất lúng túng. Bởi, chúng tôi mới chỉ tiếp cận cách điều trị ở trên sách vở và báo đài. Cụ thể phải làm như thế nào, chúng tôi chưa hình dung ra", ông Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh, nhớ lại ngày đầu tiên với khó khăn trăm bề.
Cơ sở vật chất, vật tư y tế không đáp ứng, trung tâm phải đi mượn, thậm chí phải sáng tạo, sáng chế ra trong ngày 29/1. Còn về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ điều trị, họ được đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tập huấn trong 2 ngày 2 đêm.
Trước khối lượng công việc khổng lồ, Hải Dương huy động 600 sinh viên tình nguyện của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương phối hợp với hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm sau quá trình truy vết.
Quân đội phun khử khuẩn khu cách ly ở Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Trong 4 ngày đầu giãn cách, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Chí Linh đã đưa 5.000 F1 vào 11 khu cách ly tập trung. Trong đó, có những khu có số lượng rất đông, như trường Đào tạo nghề Việt Nam - Canada với hơn 1.000 người, hoặc trường Đại học Sao đỏ cơ sở 2 gần 700 người.
Những ngày giáp Tết, lượng người phải cách ly lên đến gần 7.000 trường hợp. Cùng với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia Bộ Y tế, Chí Linh đã nhanh chóng thiết lập tổng cộng 30 khu cách ly.
Cơ sở vật chất của Chí Linh ban đầu chưa thể đáp ứng được ngay. Lực lượng tham gia trong khu cách ly, nhất là ngành y tế và hậu cần chưa đảm bảo. Nguồn nhân lực tại chỗ của TP Chí Linh gần như không còn do phải chia ra các khu cách ly và 156 thôn, 17 khu phong tỏa.
Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng lúc đó mong muốn sự hỗ trợ, chi viện của tỉnh, kể cả Trung ương để sắp xếp ổn định các khu cách ly theo đúng quy định của ngành y tế.
Trở về từ Đại hội Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đến tâm dịch Chí Linh. Trong cuộc họp tại đây, ông chỉ đạo Sở Y tế bố trí bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện tuyến tỉnh chi viện cho Chí Linh. Quân đội được giao tiếp nhận các khu cách ly. Với sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh ở Chí Linh sau đó từng bước được kiểm soát.
Cách ly toàn tỉnh để cô lập 5 ổ dịch lớn
Tiền sử dịch tễ phức tạp của các ca bệnh là công nhân Công ty POYUN đã khiến dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều địa phương.
"Thiết lập vùng cách ly y tế, phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2".
Đó là quyết định chiều 5/2 (24 tháng Chạp) của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái. Huyện Cẩm Giàng lúc đó có 10 người dương tính với SARS-CoV-2 và 432 F1. Tuy ca bệnh ít hơn Chí Linh, tiền sử dịch tễ của ca bệnh rất phức tạp. Trong số này có nhiều nữ nhân viên phục vụ ở các quán karaoke. Khách đi hát karaoke nhiễm virus đã lây cho người thân.
"47, 35, 34, 40"
Đây là con số tổng hợp ca bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương lần lượt vào các ngày từ 13 đến 16/2 (tức mùng 2 đến mùng 5 Tết). Đa phần những ca bệnh này xuất phát từ F1 trong khu cách ly, một số ca ghi nhận trong cộng đồng.
Lo ngại nguy cơ lây chéo trong khu cách ly, chiều 15/2, lãnh đạo tỉnh Hải Dương quyết định di chuyển 1.800 công nhân POYUN đến khu cách ly mới.
Một ngày sau, tỉnh Hải Dương quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Lực lượng y tế xét nghiệm diện rộng tại Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết mỗi ngày, tỉnh Hải Dương ghi nhận trung bình 24 ca bệnh mới, ngày nhiều nhất là 45 trường hợp. Tính đến 8h ngày 21/2, tỉnh này có 603 ca mắc Covid-19 ở 12/12 huyện, thị, thành phố.
Căn cứ tính chất dịch bệnh những ngày qua, ngành y tế đánh giá Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương.
Chỉ tính riêng 7 ngày nghỉ Tết (10-16/2), cả nước có 204 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, Hải Dương chiếm 87,9% (174 ca), Hà Nội là 4% (8 ca), TP.HCM là 4% (8 ca), Quảng Ninh 3,5% (7 ca)...
Theo thống kê, từ ngày 25/1 đến nay, dịch ở Hải Dương đã lan ra 13 tỉnh, thành phố. Cơ quan chức năng đã truy vết được 14.000 F1. Quyết định “dũng cảm” cách ly toàn tỉnh ngoài giúp Hải Dương phong tỏa, xử lý từng ổ dịch phức tạp, mang lại sự an toàn cho cả nước.
Kêu gọi chi viện
Với mong muốn tăng khả năng dập dịch, ngày 17/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm các phòng xét nghiệm.
Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bệnh viện Bạch Mai thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 1.
Tỉnh cũng mong muốn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ thiết lập phòng xét nghiệm tại huyện Cẩm Giàng và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Hải Dương phải kêu gọi chi viện. Ảnh: Thạch Thảo. |
Nói về lý do này, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết đây là lúc Hải Dương cần thêm công năng xét nghiệm nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, xét nghiệm diện rộng. Thứ hai, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp.
Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân, người lao động, người quản lý trước khi tiến hành sản xuất. Số lượng công nhân ở trong các doanh nghiệp Hải Dương rất lớn, riêng khu công nghiệp có khoảng hơn 100.000 người. Ngoài khu công nghiệp, số cần xét nghiệm cũng khoảng hơn 100.000 người.
Một ngày sau, UBND tỉnh Hải Dương cũng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương đang có dịch ở tỉnh này. Đó là kinh phí mua vật tư, hóa chất, chi phí xét nghiệm và chi phí khác.
Một khó khăn khác với Hải Dương khi đó là việc gián đoạn vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản khi một số địa phương không cho xe chở hàng hóa từ tỉnh này lưu thông, còn thương lái e dè thu gom nông sản từ vùng dịch. Cận Tết, Hải Dương đã kiến nghị các bộ, ngành và đề xuất với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho bà con.
Hàng hóa sau đó được lưu thông, nhiều địa phương đã hỗ trợ tài chính, nhân lực và vật tư y tế giúp Hải Dương khoanh vùng, dập dịch, giải quyết khó khăn trong những ngày phong tỏa. Còn Bộ Y tế quyết định rút lực lượng tiền phương từ TP.HCM về Hải Dương để tập trung giải quyết tâm dịch này.
Cần sự đồng lòng
Ngày 18/2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã về kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Hải Dương.
Sau 3 tuần chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định dịch Covid-19 ở Hải Dương lần này khác hoàn toàn với đợt dịch đã từng xảy ra tại Hải Dương và các địa phương trước đây.
Mức độ khó khăn, phức tạp hơn bởi chủng virus biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn, nơi bùng phát dịch là một công ty đông công nhân, đã có thời gian ủ bệnh và bùng phát nhiều ngày trước khi được phát hiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mong muốn người dân Hải Dương đồng lòng. Ảnh: Thạch Thảo. |
Thời điểm bùng phát dịch vào dịp cận Tết, nhu cầu đi lại, giao thương nhiều hơn… là những yếu tố làm gia tăng các ca mắc.
Qua kiểm tra một số khu cách ly tập trung, nhà máy, bệnh viện dã chiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá việc chấp hành quy định về phòng chống dịch của người dân Hải Dương tại các khu vực này đã được làm tốt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn lưu ý với những nơi nguy cơ cao như huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương, hệ thống y tế phải luôn đặt vào tình trạng báo động, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp thuộc diện cách ly.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày của Hải Dương là quyết định đúng đắn và kịp thời. Nhưng để việc này đạt hiệu quả, cần sự nghiêm chỉnh chấp hành của người dân.