Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Dịch còn phức tạp thì không tập trung làm ăn được'

Đánh giá kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng lớn qua mỗi đợt bùng phát dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống Covid-19 là ưu tiên hàng đầu hiện tại.

Mở đầu bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về triển khai công tác cải cách hành chính nhằm hướng đến việc xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức và sở, ngành tiếp tục xem việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Ông Phong nhắc lại việc kinh tế TP.HCM bị tác động nặng nề năm vừa qua qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Mỗi khi vừa chớm phục hồi, TP.HCM lại phải chống chọi với dịch Covid-19.

“Dịch còn phức tạp thì chúng ta không tập trung làm ăn, phát triển được”, ông Phong nhấn mạnh. Chủ tịch TP.HCM cho biết bản thân ông rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và “càng lo, càng phải quyết liệt trong các biện pháp phòng, chống dịch”.

dich Covid-19 anh 1

TP.HCM phát hiện một ca tái dương tính với Covid-19 tại quận 3. Ảnh: Chí Hùng.

Song song với việc phòng chống dịch, người đứng đầu UBND TP.HCM khẳng định các quận, huyện, sở, ngành tiếp tục nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong đó, việc cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn phải được xem là công việc liên tục của cả hệ thống.

Ông Phong đánh giá hạn chế lớn nhất trong công tác cải cách hành chính là sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn rất chậm. Nếu tiếp tục tình trạng này, TP.HCM rất khó có thể phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch TP.HCM lấy ví dụ cách đây một năm, ông chủ trì giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Tháng 4 vừa qua, khi lắng nghe về tình hình của IPC một lần nữa, nhiều nội dung trong kết luận buổi làm việc một năm trước vẫn chưa được thực hiện hoặc triển khai rất chậm.

Từ thực trạng này, ông Phong gợi mở một số giải pháp để tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM.

Đầu tiên, khi các cơ quan được hỏi ý kiến không trả lời bằng văn bản trong 15 ngày thì xem như đồng ý với nội dung đó và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan, đơn vị phải phối hợp với nhau tốt hơn dựa trên quy chế cụ thể và có sự giám sát, đánh giá việc thực hiện.

Thứ hai, thực hiện công tác thanh, kiểm tra đúng quy định pháp luật, không quá một lần mỗi năm, kết hợp nhiều nội dung liên ngành để tránh tình trạng doanh nghiệp phải trả lời cùng một vấn đề với hai đơn vị thanh tra. Ông Phong nhấn mạnh không kiểm tra đột xuất trừ khi có dấu hiệu vi phạm cụ thể.

Ông cũng nêu ý tưởng thiết lập một bộ chỉ số riêng tương tự chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phù hợp với TP.HCM để đánh giá, xếp loại giữa quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn TP.

Đặc biệt, những cơ quan thường xuyên làm việc với doanh nghiệp như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải đi đầu trong công tác cải cách hành chính, xếp hạng cao hơn mặt bằng chung.

Chủ tịch TP.HCM cũng muốn mời thêm đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cùng tham gia ban chỉ đạo cải cách hành chính để lắng nghe tiếng nói thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Dịch bệnh trở lại, khách bay có được hoàn tiền vé?

Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của nhiều hành khách, các hãng bay cập nhật lại chính sách đổi, hoàn vé trong mùa dịch.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm