Mọi cú sốc kinh tế đều để lại những tác động lâu dài. Cuộc đại khủng hoảng những năm 1930 đã để lại tâm lý “không lãng phí thì không túng thiếu”, ảnh hưởng tới thói quen tiêu dùng suốt nhiều thập kỷ. Siêu lạm phát ở Cộng hòa Weimar năm 1923 đến nay vẫn ám ảnh các chính sách kinh tế của Đức. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến khu vực này trở thành nơi có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Gần đây hơn, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra cú sốc với các nền dân chủ và đến nay vẫn còn để lại tác động.
Dịch bệnh Covid-19 được dự báo sẽ tạo ra nhiều thay đổi về thói quen mua sắm, đi lại và làm việc của người dân trên toàn cầu. Ảnh: Straits Times. |
Đại dịch Covid-19 đang xảy ra không phải ngoại lệ. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đã gây xáo trộn nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Chỉ trong vài tuần, người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng đã phải quen với việc khẩu trang, tích trữ nhu yếu phẩm, hủy các hoạt động xã hội, kinh doanh, hủy bỏ kế hoạch du lịch và làm việc tại nhà. Thậm chí, những quốc gia có số lượng ca nhiễm ít cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Mở ra kỷ nguyên mới, loạt chính sách được thay đổi
Theo các nhà phân tích, ảnh hưởng của những thói quen đó sẽ kéo dài nhiều năm sau khi dịch bệnh được dập tắt, và như chiếc phanh kìm hãm nhu cầu của mọi người.
Các công sở đã bắt đầu tính tới phương án làm việc từ xa hoặc sắp xếp ca làm việc xen kẽ. Điều này được dự báo sẽ mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó làm việc từ xa trở thành một phần trong lịch trình thường nhật của người lao động.
“Một khi các chính sách làm việc từ xa hiệu quả được đưa ra, chúng có thể sẽ được sử dụng thường xuyên”, Karen Harris, giám đốc điều hành hãng tư vấn Bain’s Macro Trends Group tại New York (Mỹ) nhận định.
Các trường đại học bị ảnh hưởng với lệnh cấm đi lại sẽ tìm cách đa dạng hóa nhóm sinh viên quốc tế, còn các trường học sẽ phải chuẩn bị tốt hơn cho việc học trực tuyến trong trường hợp dịch bệnh buộc họ phải đóng cửa.
Xe buýt du lịch bỏ không do dịch bệnh đỗ gần Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. Ảnh: Getty Images. |
Dịch bệnh cũng khiến các chính sách kinh tế phải thay đổi và tạo ra những ưu tiên mới. Các ngân hàng trung ương đang một lần nữa rơi vào trạng thái khẩn cấp, trong khi các chính phủ nỗ lực bơm tiền để vực dậy các ngành gặp khó khăn.
Vấn đề vệ sinh cũng đang làm thay đổi chính sách của các chính phủ và doanh nghiệp, trong đó Singapore đã có kế hoạch ban hành một loạt tiêu chuẩn vệ sinh bắt buộc.
Về chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất quốc tế đang buộc phải tính toán lại xem nên mua và sản xuất hàng hóa ở đâu, thúc đẩy một cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng mới sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc vào một nguồn cung.
“Đây là dịch bệnh chưa từng có, xét về sự bất ổn cũng như những tác động tới kinh tế và xã hội”, Kazuo Momma, người từng phụ trách chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Bà cho rằng, các biện pháp kiểm soát hải quan được thắt chặt hơn, phạm vi chi trả bảo hiểm mở rộng hơn và những thay đổi về cách thức làm việc, đi lại sẽ còn kéo dài nhiều năm sau khi dịch bệnh qua đi.
Chất xúc tác tạo ra thay đổi
Tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào cuối năm 2019, cơ quan lập pháp cao nhất đã ban hành lệnh cấm tuyệt đối với việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, bởi các nhà khoa học ảnh báo rằng virus chết người trên đã lây từ động vật sang người.
Những quy định về vệ sinh nghiêm ngặt hơn được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động mua sắm trực tuyến. Dịch bệnh SARS năm 2003 cũng thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi mọi người đều tránh tới các trung tâm thương mại.
Phân tích của Bain & Company chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong y tế, nhiều thủ tục và giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến để tránh rủi ro lây nhiễm bệnh ở các phòng chờ và hành lang đông người.
Nhân viên y tế thăm khám cho một bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 6/3/2020. Ảnh: Getty Images. |
Theo một bài viết về tác động vĩ mô của dịch bệnh của Brookings Institution và hai tác giả thuộc Đại học Quốc gia Australia, các chính phủ có thể sẽ chi nhiều hơn cho y tế nhằm tránh phải chịu những chi phí khổng lồ khi dịch bệnh bùng phát. Dịch SARS năm 2003 đã thổi bay 40 tỷ USD của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế như Paul Sheard từ Đại học Harvard, cũng cảnh báo rằng không có gì chắc chắn về những ảnh hưởng của dịch bệnh lần này, bởi không có cú sốc kinh tế nào giống nhau cả. Ông cho rằng, khác với những cú sốc trước, dịch bệnh lần này sẽ thay đổi mọi thứ từ học tập trực tuyến cho tới chiến lược công nghiệp khi các mô hình kinh doanh hiện tại được điều chỉnh.
Còn theo Michael Murphree, đến từ Trường Kinh doanh Darla Moore thuộc Đại học South Carolina, tác động tổng hợp từ Brexit (Anh rời khỏi EU), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19 sẽ định hình lại chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Kệ hàng giấy vệ sinh trống trơn tại một siêu thị Asda ở Anh ngày 6/3/2020. Ảnh: Bloomberg. |
Kathryn Judge, chuyên gia về thị trường tài chính và chính sách của Đại học Columbia University, cho biết cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ năm 2008 đã để lại “vết sẹo sâu” khi thúc đẩy sự chia rẽ chính trị và giảm tỷ lệ sở hữu nhà tại nước này. Theo bà, cuộc khủng hoảng hiện tại, khi các chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ công dân khỏi lây nhiễm virus, cũng sẽ có tác động tương tự.
Trong khi đó, James Boughton, người từng có nhiều thập kỷ làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng việc nhiều nơi “vỡ trận” vì dịch bệnh là chất xúc tác cho những hành động của chính phủ.
“Chỉ trong một cuộc khủng hoảng thì các chính phủ mới có thể khiến người dân nhanh chóng chấp nhận các biện pháp cải cách cần thiết nhưng đầy khó khăn. Khủng hoảng cũng là cơ hội”, Boughton nhận định.