Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Địa ngục cà phê

Cà phê thành củi đốt, nông dân chết đói. Một người trồng cà phê Brazil năm 1934 đã nói: "Cà phê là nỗi bất hạnh của dân tộc ta".

Hệ thống kinh tế toàn cầu liên kết lẫn nhau đổ ụp xuống như những quân cờ domino vào năm 1929, kéo theo tất cả cùng rơi xuống hố khủng hoảng và những người trong ngành cà phê - nhiều triệu người dựa vào loại cây này và hoa trái của nó để mưu sinh - cũng không phải là ngoại lệ. Câu chuyện về việc làm thế nào những người trồng cà phê, những nhà nhập khẩu và những nhà rang xay tồn tại qua cuộc Đại suy thoái đã đem đến một cái nhìn vi mô vào việc làm thế nào cơn rối loạn kinh tế này tác động lên toàn cầu.

Đối với một số người, cuộc khủng hoảng này đã tạo ra cơ hội; đối với người khác nó có nghĩa là phá sản, tuyệt vọng, và thậm chí là cái chết. Nhưng đối với hàng tỷ tỷ hạt cà phê Brazil, đây chính là bản án Đại thảm sát (Holocaust) dành cho chúng.

hanh trinh ca phe anh 1

Brazil là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu của những năm 1930 đã giúp các cơ sở sản xuất cà phê đánh vần từ "thảm họa". Ở Brazil , sự sụp đổ này gióng lên hồi chuông kết thúc cho một thời đại Cộng hòa Cũ của đất nước này và sự thống trị hiển nhiên của tập đoàn chính trị đầu sỏ mang tên cà phê.

Năm 1930, sau khi cuộc bầu cử đặt quyền lực vào tay Julio Prestes, một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10 đã thay thế ông ta bằng nhân vật Getulio Vargas, một chính trị gia đến từ miền nam Brazil. Thật ngạc nhiên là thậm chí cả những ông vua cà phê ở São Paulo cũng hoan hỉ với cuộc nổi dậy đó, bởi lẽ chính phủ vẫn còn non trẻ này không thể bằng bất cứ giá nào tạo nên được một sự bình ổn giả cho cà phê. Giá cà phê lộn nhào từ 22,5 cent một pound năm 1929 xuống chỉ còn 8 cent sau hai năm.

Năm 1930, 26 triệu bao cà phê đã yên vị trong các nhà kho Brazil - nhiều hơn toàn bộ lượng tiêu thụ của thế giới vào năm trước đó là một triệu bao. Trong một tình thế tuyệt vọng đến như vậy, bất cứ thay đổi nào dường như cũng còn khá khẩm hơn là cứ mãi tiếp tục trượt theo con đường mòn ấy.

Vargas, một luật sư thấp, đậm, người bè bè với nụ cười luôn thường trực trên môi và có xu hướng thực dụng, đã điều hành nhà nước Brazil trong một khoảng thời gian dài không ngờ. Lúc nào cũng như lúc nào, trầm ngâm nhai điếu xì gà, ở ông toát ra phong thái của một người bình tĩnh và cởi mở lắng nghe, một người thực sự quan tâm đến đất nước mình và những vấn đề của nó.

Không giống những kẻ độc tài Mỹ Latinh khác, Vargas nhìn chung hành động ôn hòa hơn là khủng bố. Ông ta mau mắn cấm trồng cà phê, mặc dầu có lẽ chẳng cần thiết phải thế, bởi lẽ họa có điên thì nông dân mới trồng thêm cà phê khi mà giá thấp như cho không thế này.

Vargas cũng bổ nhiệm một quân trấn trưởng ở São Paulo, ông này ngay lập tức đã gây ác cảm với dân São Paolo bằng cách quy định tăng đột xuất 5% tiền lương và phần đất cho những cựu binh của cuộc nổi dậy. Vargas khiến cho các chủ quán cà phê tức điên lên khi ông cắt giảm giá một cốc cà phê xuống chỉ còn một nửa giá ban đầu.

Để xoa dịu những người trồng và bán cà phê, Vargas bổ nhiệm Jose Maria Whitaker, một chủ ngân hàng cà phê São Paolo, làm Bộ trưởng Bộ tài chính. Whitaker tuyên bố: “Tuyệt đối cần phải quay trở lại với nền thương mại không rào cản, đầu tiên là quét sạch cơn ác mộng dự trữ cà phê kinh hoàng".

Chính phủ định đốt toàn bộ số cà phê dư thừa, chỉ là để cho thị trường có thể "quay về quy luật trường tồn cung và cầu”.

Năm đầu tiên, người Brazil đã tiêu hủy hơn bảy triệu bao cà phê trị giá khoảng 30 triệu đôla - và họ vẫn còn hàng triệu bao nữa mắc kẹt trong các kho chứa.

Vào đầu những năm 1930, lần đầu tiên nhà báo nước ngoài Heinrich Jacob chứng kiến thấy cà phê đang bốc cháy từ chiếc phi cơ bay thấp. “Một mùi hương ngào ngạt nhưng nhói buốt bốc lên từ bên dưới và xộc vào trong ca-bin”, ông ta viết. “Nó làm tê liệt các giác quan, và đồng thời cũng gây đau đớn... Cái mùi ấy bây giờ đã trở thành quá quắt, và những làn khói bốc lên làm tai tôi ong ong như chuông reo. Dường như nó hút hết sinh lực của tôi".

Jacob sau đó đã gặp một người trước đây trồng cà phê đang quẫn trí, đã phá sản, ông ta đã tuyên bố rằng: “Cà phê là nỗi bất hạnh của cả dân tộc chúng tôi".

Ông ta đã làm một chiếc hộp nhỏ có lớp kính bao ngoài chứa broca do café, sâu đục thân cây cà phê, 10 năm trước đã bắt đầu tấn công nhân cà phê.

"Chẳng gì có thể chống chọi được với cơn hủy diệt của broca", ông ta nói. "Nếu chính phủ thực sự muốn cứu đất nước này, chỉ cần chất đầy trứng của con sâu này lên máy bay, rồi rải chúng ra thật xa thật rộng lên các vườn cà phê".

Trong thế giới đầy phi lý này, nơi những người trồng cà phê được trả tiền để thu hoạch và chế biến cà phê chỉ để rồi thiêu hủy hết thành quả ấy đi, người Brazil thực sự thấy tuyệt vọng. Các nhà khoa học và các nhà phát minh của họ đã lao vào tìm kiếm công dụng khác của cà phê để giải quyết số trữ kho dư thừa.

Bộ trưởng Công chính chỉ đạo một dự án ép nhân cà phê làm gạch, sử dụng nó như là chất đốt cho xe lửa. Những thử nghiệm khác cố gắng tìm cách tách các chất phụ phẩm như cồn, dầu, ga, chất caffein, hay cellulose từ cà phê.

Một tờ báo ở Rio đã gợi ý rằng những chiếc bánh mì bổ dưỡng “thơm ngon và đẹp mắt” có thể được làm từ hỗn hợp bột nghiền có một phần là từ nhân cà phê chưa rang. Vintners đã làm ra một thứ vang trắng tàm tạm từ chất nhầy, trong khi nước hoa thì làm bằng cách nghiền hoa cà phê. Mấy năm sau một nhà phát minh đã tạo nên một loại nhựa mới làm từ nhân cà phê.

Người Brazil cũng tiếp cận được với các chính phủ nước ngoài qua những đề xuất về các cải tiến cho cà phê. Họ cũng bán cà phê cho Liên bang Xô Viết để đổi lấy mì và da thuộc của Nga. Họ lên kế hoạch mở hàng nghìn quán cà phê Brazil trên khắp châu Á, tạo ra nhiều thị trường cho nhân cà phê của họ.

Hầu hết kế hoạch này chẳng đem lại điều gì, nhưng họ đã đổi cà phê để lấy lúa mì dư thừa của người Mỹ, bắt đầu từ năm 1931. Mặc dầu terra roxa ở Brazil rất màu mỡ, có thể trồng lúa mì đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhưng nước này chỉ trồng 1/8 lượng cần thiết - thêm một hậu quả do tinh thần phụng sự ăn xổi ở thì đối với việc độc canh cà phê.

Mặc dù vậy, việc đổi chác cà phê - lúa mì lại gây rắc rối. Những công ty vận tải biển Mỹ phàn nàn rằng các tuyến vận tải biển của Brazil đang chuyên chở toàn là lúa mì và cà phê.

Người Argentina, trước đây vốn cung ứng lúa mì cho Brazil, lên tiếng phản đối. Những người trong ngành cà phê ở Mỹ không thích ý tưởng là chính phủ này đổ vào thị trường thứ cà phê rẻ bèo có thể làm giảm giá cà phê. Những công ty bột mì Mỹ bực bội khi họ biết thỏa thuận này kéo theo một lệnh cấm vận áp vào hoạt động nhập khẩu bột vào Brazil.

Tháng 7/1932, ngay khi Ban Ổn định Lương thực (Grain Stabilization Board), bắt đầu bán cà phê, đổi lại họ nhận được lúa mì, dân São Paolo tức tối đã nổi dậy chống lại Vargas, yêu cầu đòi tái thiết lập chính phủ lập hiến. Cảng Santos đóng cửa.

“Bữa sáng không có cà phê”, một dòng tít lớn của tờ New York Times tháng 8 đã cảnh bảo. Mặc dầu các cảng thay thế là Rio và Victoria đã củng cố việc xuất khẩu cà phê, thì những nguồn cung chan chứa cà phê loại tốt hơn từ São Paulo thình lình hết nhãn.

Ở Mỹ , Ban Ổn định Lương thực nắm hơn một triệu bao cà phê nhưng theo giao kèo họ chỉ được bán có 62.500 bao một tháng. Kết quả là, trông như thể thế nào cũng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm, nhưng cuộc nổi dậy của người São Paolo ỉu xìu sau 3 tháng và giá cà phê lại tiếp tục giảm.

"Các kho chứa ở São Paulo đã đầy ứ, không thể nào nhận hàng ký gửi trong nước được nữa", một bức điện từ Brazil đã thông báo lúc gần cuối tháng 11/1932. "Chẳng còn chỗ nào để trữ hàng. Các tầng hầm, nhà cửa đều đã được sử dụng để làm kho chứa. Không thể kéo dài tình trạng này thêm nữa... Không thể nào trụ lại được cơn lũ cà phê từ bên trong. Đốt đi là nhanh nhất".

Chien binh noi cong so hinh anh

Chiến binh nơi công sở

0

Với tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, để có công việc ổn định và xây dựng chỗ đứng trong công ty, các bạn trẻ phải nỗ lực rất nhiều. Chỉ cần một sai sót nhỏ, họ có thể bị sa thải.

Mark Pendergrast / NXB Lao Động

SÁCH HAY