Ngày 19/3, Sở Giao thông Vận tải TP HCM có buổi làm việc với HĐND TP về quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2016-2020 và tình hình trợ giá xe buýt.
Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết từ năm 2013 đến nay lượng hành khách đi xe buýt giảm đều qua các năm. Hiện nay địa phương có 136 tuyến với khoảng 3.000 xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.
Người đi xe buýt ngày càng giảm. Ảnh: Phước Tuần |
Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Sở đặt ra mục tiêu khối lượng vận chuyển đạt hơn 1 tỷ lượt hành khách, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Để đạt được mục tiêu, Sở Giao thông Vận tải TP đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kêu gọi vận động người dân cùng sử dụng phương tiện công cộng để đi lại.
Đơn vị này còn kêu gọi người dân hạn chế xe cá nhân, đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh, lắp camera giám sát trên xe buýt, đầu tư xây dựng thêm bến bãi, rà soát điều chỉnh luồng tuyến, thay mới các phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của nhân viên, tài xế…
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất đưa tiêu chí cán bộ công chức chọn xe buýt làm phương tiện đi lại để đánh giá tiêu chí mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Trước đó, Tổng công ty cơ khí Sài Gòn (Samco) đã bàn giao 23 chiếc xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (khí thiên nhiên CNG) cho hợp tác xã xe buýt 19 tháng 5 để đưa vào khai thác tuyến số 33 Khu đô thị ĐH Quốc gia TP HCM - Bến xe An Sương.
Đây là tuyến có có 55 xe buýt mới chạy bằng nhiên liệu sạch (đạt 100%). Các tuyến xe buýt số 1 (Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn) và tuyến 104 (ĐH Nông lâm TP HCM - Bến xe An Sương) cũng đã đưa loại xe chạy bằng nhiên liệu sạch vào khai thác.