Henry David Thoreau, nhà tự nhiên học, triết gia, tác giả của tác phẩm kinh điển Walden (Một mình sống trong rừng). Vào tháng 5/1862, một tháng sau khi ông qua đời vì bệnh lao, Dạo bước đã được xuất bản.
Sách Dạo bước được xuất bản tại Việt Nam năm 2019. |
Để viết tác phẩm Walden, Thoreau đã tự cất một mái lều gần Walden Pond vùng Concord, trồng đậu, khoai, sống hai năm ở đó với những thức ăn đạm bạc như gạo, bột mì, mật mía và không tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Ông tâm sự: “Tôi đi vào rừng bởi tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những điều tinh túy nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những điều thiên nhiên dạy tôi hay không”.
Ông luôn chủ trương sống đơn giản bởi theo ông, phần lớn những cái xa xỉ và được gọi là tiện nghi không những tuyệt đối không cần thiết mà con cản trở việc nâng cao phẩm giá của con người. Mang trong mình giấc mơ về cuộc sống vô ưu vui thú, ông đi vào rừng.
Cũng mang tâm trạng ngợi ca thiên nhiên hoang dã ấy, ông viết tiểu luận Dạo bước.
Mỗi ngày tác giả dùng ít nhất bốn tiếng đồng hồ để đi bộ, việc đi bộ vào thiên nhiên theo ông không chỉ là hành động rèn luyện thân thể bình thường, nó chính là hành động mở lòng hơn với những điều kỳ diệu của thiên nhiên.
Gần với tốt lành là những gì hoang dã. |
Đôi khi ta ra khỏi nhà để đi dạo, không biết sẽ đi tới lối nào, và Thoreau nói, ông để bản năng quyết định. Và bằng một hấp lực hoang dã mãnh liệt, ông luôn đi về phía Tây nơi thiên nhiên chưa bị con người chà đạp, nơi đất đai chưa bị xâm lấn để xây dựng, nơi những cánh rừng vẫn còn nguyên vẹn.
Là người say mê thiên nhiên vô cùng, Thoreau khao khát muốn rời xa chốn phồn hoa thị thành để đến ẩn mình nơi thiên nhiên hoang dã. Ông tin “gần với tốt lành là những gì hoang dã”.
Tình yêu thiên nhiên mãnh liệt đã trở thành đức tin đối với Thoreau khiến mọi mỹ cảm của ông đều lấy thiên nhiên làm quy chuẩn. Viện dẫn từ văn học, triết học, âm nhạc, ông khẳng định rằng chỉ những điều gần với tự nhiên nhất mới thật sự hấp dẫn.
Đồng thời với việc sùng bái tự nhiên, ông cũng bày tỏ cảm xúc chán nản với đời sống hiện tại, khi con người “sớm bứt khỏi dòng sữa mẹ mà rơi vào xã hội, trong nền văn minh chỉ có tương tác giữa người với người”, ông ao ước “hãy cho tôi một nền văn minh nơi phân bón được lấy từ ngoài đồng để làm màu mỡ đất đai – chứ không phải một nền văn minh trông cậy vào phân bón đã qua xử lý, với các công cụ và phương pháp nông nghiệp tân tiến”.
Dạo bước ra đời năm 1862, cách đây hơn một trăm năm, nhưng đã chứa đựng đầy đủ những vấn đề nổi bật nhất của xã hội hiện đại, khi đã phân tích chi tiết mối quan hệ hài hòa, gắn kết giữa con người với tự nhiên. Dạo bước đối với Thoreau còn là hành động phản tư, giúp ông tìm hiểu và khám phá những mặt sâu kín trong con người.
Bức tượng của Henry David Thoreau tại ngôi nhà ở Concord, Massachusetts, nơi ông đã sống 2 năm. |
Henry David Thoreau đã từng vật lộn với câu hỏi về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên khi lang thang trong rừng Massachusetts, và Dạo bước có thể là câu trả lời cho những trăn trở ấy.
Đọc Dạo bước, độc giả sẽ cảm nhận được sự tốt lành của tự nhiên. Như những nghiên cứu gần đây cho rằng việc đi bộ tốt cho sức khỏe, và sống gần gũi với thiên nhiên khiến tâm hồn thư thái, Dạo bước cũng sẽ dẫn dắt bạn đến với những ý niệm như vậy. Khi bạn đứng lên đi bộ ra khỏi nhà, về phía những cánh rừng, những hàng cây, bạn sẽ thấy tâm trí được nghỉ ngơi, và bạn có thể mỉm cười sảng khoái.
Tiểu luận Dạo bước của Thoreau được viết bằng ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ, hành văn ngắn gọn, súc tích, đôi lúc có chút ngẫu hứng, đem lại cảm giác gần gũi, chân thành cho độc giả.