TikTok là một trong những nguồn mang lại khách hàng chính cho người đàn ông này. Ảnh: Sở Cảnh sát tỉnh Chiết Giang.. |
Một người đàn ông ở Trung Quốc đã sử dụng 4.600 chiếc điện thoại để hack view các buổi livestream. Người này đã trót lọt bỏ túi 3 triệu nhân dân tệ (415.000 USD) trong vòng chưa đầy 4 tháng. Khi bị phát hiện, ông bị kết án tù 1 năm 3 tháng và bị phạt 50.000 nhân dân tệ (7.000 USD) vì “tội hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”.
Vụ việc cũng đánh dấu lần đầu tiên tỉnh Chiết Giang - trung tâm ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc - phạt tù người trong ngành này vì tội lừa đảo, kích view.
Theo SCMP, Wang bắt đầu nghề hack view từ cuối năm 2022 khi một người bạn nói với anh về một nghề “sinh lời lớn” được gọi là “làm giả lưu lượng” (刷流量).
Thuật ngữ này đề cập đến việc thao túng các số liệu theo thời gian thực, như số lượng người xem, lượt thích, bình luận và lượt chia sẻ trong phiên livestream. Chiêu trò hòng giả vờ như có tương tác thực sự của người xem và đánh lừa người tiêu dùng. TikTok là một trong những nguồn mang lại khách hàng chính cho ông.
Interesting Engineering cho biết thêm hành vi này cũng thường được sử dụng để lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử. Để tăng xếp hạng sản phẩm và khả năng hiển thị trên nền tảng, người bán sẽ tạo đơn hàng giả, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người tiêu dùng ngây thơ.
Theo Ningbo Evening News, việc thành lập một công ty làm giả lưu lượng khá đơn giản. Wang mua 4.600 chiếc điện thoại di động được điều khiển bằng phần mềm đám mây chuyên dụng và các dịch vụ VPN, thiết bị mạng, như bộ định tuyến và chuyển mạch, từ một công ty công nghệ có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Người đàn ông này đã sử dụng 4.600 chiếc điện thoại để thực hiện hành vi lừa đảo trắng trợn, sinh lời. Ảnh: Sở Cảnh sát tỉnh Chiết Giang. |
Chỉ với vài cú nhấp chuột trên máy tính, Wang có thể điều khiển tất cả thiết bị để chúng đồng thời tràn vào một buổi livestream phát trực tiếp, hòng tăng số lượng người xem và tương tác. “Chi phí sử dụng mỗi chiếc là 6,65 nhân dân tệ (chưa đến 1 USD) mỗi ngày”, Wang nói.
Ông giải thích rằng tổng chi phí cho dịch vụ này sẽ phụ thuộc vào lượng thời gian mỗi điện thoại kết nối với một buổi phát trực tiếp và số lượng thiết bị cần sử dụng.
Bên cạnh đó, các tài khoản dùng để giả làm người xem sẽ được “mua sỉ” từ nguồn hàng bên ngoài. Các tài khoản này đôi khi sẽ bị kiểm duyệt do không xác thực được tên thật, nhưng quá trình đăng ký lại rất đơn giản. “Điều này cho thấy vẫn tồn đọng một vài lỗ hổng nhất định trong việc quản lý tài khoản của nền tảng livestream”, công tố viên phụ trách vụ án nói với tờ Ningbo Evening News.
Tính đến tháng 3 năm ngoái, ông đã kiếm được khoảng 3 triệu nhân dân tệ (415.000 USD) bằng cách bán dịch vụ này cho những livestreamer muốn tăng độ phổ biến và hiệu suất bán hàng.
Hiện vẫn chưa biết số điện thoại di động sử dụng trong các trạm hack like này được mua từ đâu. Nhưng công tố viên cho rằng có thể các hoạt động bất hợp pháp vẫn đang nhởn nhơ hoành hành trên thị trường tái chế smartphone.
Ngoài Wang, 17 nghi phạm khác cũng đang bị điều tra vì “vi phạm các quy định nhà nước, cố ý phát tán thông tin giả mạo trực tuyến thông qua các dịch vụ đăng tải để thu lợi nhuận và gây rối trật tự thị trường”, theo cơ quan địa phương.
Theo SCMP, làm giả lưu lượng truy cập từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối trên các nền tảng phát trực tiếp và sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc. Công chúng cũng kêu gọi cần có quy định để siết chặt những hành vi này. “Đây rõ ràng không phải là trường hợp cá biệt”, một người dùng nhận định.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.