Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi tìm tiếng nói chung trong phê bình sinh thái

Hội thảo về sinh thái trong văn học Đông Nam Á là sự đánh động giới nghiên cứu trong việc tìm tiếng nói chung với khuynh hướng của khu vực và thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Sinh thái học trong văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” diễn ra vừa qua tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Hà Nội. Cùng hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái do Viện Văn học tổ chức cách đây không lâu, các nghiên cứu của giới học thuật… phê bình sinh thái của Việt Nam đang dần bắt kịp khuynh hướng chung của thế giới.

Phe binh sinh thai trong van hoc anh 1
Giáo sư Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV - cùng các nhà nghiên cứu quốc tế tại hội thảo về phê bình sinh thái Đông Nam Á. Ảnh: Bảo Long

Phê bình sinh thái - trào lưu nghiên cứu của thế giới

Vấn đề môi trường, vì sự tồn tại, phát triển bền vững chưa bao giờ trở nên nhức nhối như hiện nay. Từ những năm 1960-1970, thế giới đã có rất nhiều tác phẩm về vấn đề sinh thái. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực thời bấy giờ (nhân chủng học, tâm lý học, triết học, tôn giáo học…) đã đưa ra quan điểm về quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tuy nhiên giới phê bình văn học được cho là “phản ứng chậm” với đề tài thời sự này.

Đến những năm 1990, các hoạt động hội thảo, nghiên cứu vấn đề hoạt động văn chương và môi trường được tổ chức. Từ Mỹ, các hội thảo, nghiên cứu này lan rộng ra khắp các châu lục, khiến phê bình sinh thái trở thành trào lưu trong giới học thuật.

Phê bình sinh thái trong văn học được định nghĩa trong một bài viết có tên Phê bình sinh thái của tác giả Vương Nặc: “Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái”.

Xu hướng toàn cầu hóa khiến phê bình sinh thái nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đã bắt đầu làm quen với các khái niệm như phê bình sinh thái, sáng tác tự nhiên, văn học sinh thái, phê bình xanh, ngôn ngữ xanh…

Phe binh sinh thai trong van hoc anh 2
Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu khu vực Đông Nam Á tới Việt Nam bàn luận về phê bình sinh thái trong hai ngày hội thảo tại Hà Nội vừa qua. Ảnh: Bảo Long

Sáng tác, nghiên cứu sinh thái tại Việt Nam đang khởi động

Theo Tiến sĩ Tịnh Thy (Đại học Sư phạm Huế), tại Việt Nam, phê bình sinh thái thuộc chuyên ngành văn học đã được quan tâm, còn “đã quan tâm đúng mức hay chưa” thì bản thân Tiến sĩ chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, theo trào lưu chung, trong sáng tác và phê bình, vấn đề sinh thái đang được chú ý.

Điều này được thể hiện ở việc các hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học liên tục được tổ chức. Cuối năm 2017, Viện Văn học tổ chức một hội thảo quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội về vấn đề phê bình sinh thái. Hội thảo này thu hút nhiều học giả khắp thế giới và các nhà nghiên cứu tham gia.

Hơn một tháng sau, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục tổ chức hội thảo mang tầm quốc tế trong hai ngày 26 và 27/1 về đề tài phê bình sinh thái khu vực Đông Nam Á. Khoảng 20 nhà nghiên cứu từ các nước Đông Nam Á cùng 60 nhà khoa học, phê bình Việt Nam tề tựu, thảo luận về các vấn đề phê bình sinh thái trong khu vực Đông Nam Á.

Trong giới nghiên cứu, hiện nay có một đề tài nghiên cứu thạc sĩ về phê bình sinh thái đã hoàn thành với tựa đề “Văn xuôi Nam Bộ từ góc nhìn sinh thái”; một số đề tài phê bình sinh thái khác cũng đang được thực hiện.

Với độc giả quan tâm tới vấn đề này, có ba cuốn sách về phê bình sinh thái đã được xuất bản tiếng Việt, gồm: Rừng khô suối cạn, biển độc và văn chương (tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy), Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 (Trần Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh) và cuốn Phê bình sinh thái là gì? do Viện Văn học chủ trì dịch, Hoàng Tố Mai chủ biên.

Tiến sĩ Tịnh Thy cho rằng Việt Nam đang trong quá trình khởi động nghiên cứu sinh thái, chúng ta đi chậm so với thế giới 20 năm.

Hiện nay, có một số quan niệm về phê bình sinh thái chưa đúng, có đôi chỗ nhầm lẫn về phê bình sinh thái. Nhiều người cho rằng, các nhà văn viết tác phẩm có yếu tố tự nhiên, thì đó là sinh thái. Đó là một sự nhầm lẫn.

Từ xưa tới nay, yếu tố tự nhiên luôn đi liền với văn chương nghệ thuật. Tác phẩm văn học sinh thái phải ra đời với tư tưởng sinh thái chỉnh thể của người viết. Cái đó ở Việt Nam rất ít người sáng tác như vậy.

Theo quan sát của Tịnh Thy, hiện nay có nhà văn Trần Duy Phiên viết về Tây Nguyên, trong chuỗi sáng tác của ông, tư tưởng sinh thái rất rõ, còn với một số tác giả khác, tác phẩm chỉ là một vài biểu hiện của tư tưởng sinh thái. Các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư cũng có một vài quan điểm sinh thái trong tác phẩm, gửi gắm qua nhân vật.

Phe binh sinh thai trong van hoc anh 3
Ba cuốn sách về phê bình sinh thái đã xuất bản tại Việt Nam.

Cần những nghiên cứu, hội thảo, và giải thưởng văn chương về sinh thái

Để các nhà văn, tác giả quan tâm hơn đến phê bình sinh thái, bắt kịp xu hướng, trào lưu chung của thế giới, Tiến sĩ Tịnh Thy cho rằng các hiệp hội như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn, có thể tổ chức các cuộc thi, giải thưởng sáng tác về văn học sinh thái.

Tổ chức hội thảo như cách Viện Văn học và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã làm cũng là cách để khơi mở những hướng nghiên cứu, hướng tiếp cận của các nhà văn, nhà phê bình.

Tham dự chương trình về phê bình sinh thái tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Chitra Sankaran - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn học và Sinh thái Đông Nam Á - chia sẻ, Hội cũng tổ chức các buổi hội thảo như ở Đại học Quốc gia Singapore, hay ở Việt Nam.

Các buổi hội thảo này không chỉ là diễn đàn đưa ra tiếng nói, tranh luận của các nhà nghiên cứu, mà còn là vòng kết nối những nhà nghiên cứu cùng chung mối quan tâm tới một vấn đề trong khu vực.

Chủ tịch Hội nghiên cứu Văn học và Sinh thái Đông Nam Á đánh giá cao hội thảo trong hai ngày tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà cho rằng công tác chuẩn bị chu đáo, đặc biệt trong tài liệu không chỉ in các tham luận của các diễn giả tham gia hội thảo, mà còn có nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các nước ngoài Đông Nam Á. Bà Chitra Sankaran đánh giá cao chất lượng các tham luận tại hội thảo, và cho biết sẽ công bố những tham luận này trên một tạp chí về nghiên cứu văn học sinh thái.

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc nghiên cứu, tổ chức các hội thảo về phê bình sinh thái không chỉ giúp học thuật nước ta tiệm cận với khuynh hướng chung của thế giới, mà còn là một sự thúc đẩy giới sáng tác, nghiên cứu về vấn đề môi trường, qua đó “đánh động” tới ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội nói chung.

Ông cho rằng sinh thái đang là câu chuyện toàn cầu. Con người cần nhận diện được phương thức chúng tồn tại và ứng xử với hệ thống môi trường. Để hình thành nên ứng xử hợp lý với môi trường thiên nhiên, cần phải có những lý giải sâu hơn từ trong chiều sâu văn hóa. Những tiếp cận liên ngành từ góc độ văn học là tiếp cận rất cần thiết.

Nhu cầu quốc tế hóa trong giới nghiên cứu buộc các nhà khoa học phải có sự tiếp xúc với nước ngoài. Chính nhu cầu quốc tế hóa đó khiến giới nghiên cứu, hoạt động sáng tác, giảng dạy văn chương cần tìm tiếng nói chung trong vấn đề lớn lao như môi trường, sinh thái. 

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm