Tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh nặng, thêm việc bị mất tiếng không thể nói được, muốn giao tiếp chỉ còn cách bút đàm, nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn miệt mài bên bàn phím để tìm vui qua những trang viết. Và tác phẩm Phượng ca là cuốn sách mới nhất của ông.
Như chính lời tâm sự của tác giả, Phượng ca ghi lại những dấu ấn đáng nhớ trong tuổi vào đời của ông: “Thời gian trôi qua mấy chục năm, những đau khổ và hạnh phúc trên đường đời cũng nhiều nhưng không thể xóa nhòa được ký ức. Tôi đã cố gắng lục lọi những trang rời trong miền ký ức, trong cả khu vực vô thức vốn từ lâu ngủ yên, để viết lại thành quyển hồi ức này”.
Nhớ quê, mùi phân bò khô phảng phất
Trong ký ức của Vũ Đức Sao Biển, làng quê nghèo khó hiện lên gần gũi với ăm ắp những kỷ niệm đẹp đong đầy nghĩa tình. Làng nằm giữa ba con sông, sông Ly Ly, sông Thu và sông Trường Giang, nghèo đấy, làm không đủ ăn đủ mặc, nhưng chất chứa bao ân tình. Thế nên hàng năm cứ đến ngày mùng 9 Tết, ông lại về với làng làm một show diễn quyên góp tiền giúp bà con chòm xóm nghèo người lợp lại cái nhà, kẻ xây lại vách nát…
Nỗi nhớ của ông già tuổi 72 không bàng bạc thời gian, mà rõ ràng đậm nét lắm. Nỗi nhớ ấy hướng đến mùi rơm rạ, mùi phân trâu bò, mùi thơm sợi lác quện lẫn. Nó dân dã thế, nhưng cồn cào ruột gan.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. |
Cái làng Xuyên An nghèo đói ngày xưa ấy đến cái radio cả làng cũng không có, giữ cả kỷ niệm thú câu cá tuổi thơ cùng món canh chua cá ngạnh có cặp trứng vàng khé bùi béo cùng thơm, khế và chuối chát mẹ nấu; giữ cả kỷ niệm sởn gai ốc về lời đồn ma giú (ma giấu), ma da, ma đuốc (ma trơi)… từng làm kinh hồn bạt vía chú bé Hợi (Vũ Đức Sao Biển) nhiều phen. Nhưng rồi nghiệm ra tếu táo rằng:
Làng tôi có lắm con ma,
Nhưng tôi sợ nhất vẫn là… ma phăm.
Con ma phăm ấy được phiên từ chữ Pháp ma femme, có nghĩa là “vợ tôi” mà chẳng cứ một ai, đàn ông nào có gia đình cũng đều… sợ tất.
Kiếm tiền ăn học từ năm 13 tuổi
Qua 21 bài viết rời, những mảnh ký ức rời rạc được lắp ghép lại trong niềm nhớ tuổi thần tiên xưa cũ với bao nhiêu kỷ niệm đong đầy. Đó không chỉ là sự chăm chỉ của cậu học trò nghèo học bài từ ánh sáng ngọn đèn đường mỗi lần ngồi bệt dưới trụ điện đêm khuya, mà còn nhiều, nhiều nữa những mảng hồng tươi đẹp.
Trong ký ức về tuổi học trò, vị nhạc sĩ tương lai xa nhà từ năm 11 tuổi đi trọ học ở Hội An. Thương cha mẹ nghèo khó, nhà đông anh em, chú bé Biển ở tuổi 13 đã không tiêu tốn một đồng xu cắc bạc nào của cha mẹ, bởi đã biết tự thân vận động nuôi sống bản thân bằng cách dạy kèm cho ba người con chủ nhà. Đổi lại, Biển được ở hẳn một căn trên lầu rộng rãi, được nuôi ăn trong nhà, oách bảnh chọe chẳng khác gì một gia sư thực thụ.
Phượng ca được tác giả viết để "ghi lại những dấu ấn đáng nhớ trong tuổi vào đời" của ông. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Dạo mài đũng quần trên ghế nhà trường, biết bao kỷ niệm nhất quỷ nhì ma vẫn còn đầy ăm ắp nơi ông. Quên sao được lần vì tập tành hút thuốc lá Ruby mà bị thầy phạt cấm túc, phải ngồi yên chép bài phạt tới 200 lần. Và quên sao được thầy TK dạy môn Pháp văn với những cú rờ-ve (revert) được đặt biệt danh “hồi chưởng” dành cho học trò nào không thuộc bài: “Đứa nào bị thầy “chưởng” luôn luôn dính hai cú, một bằng lòng bàn tay, một bằng mu bàn tay. Cái mu bàn tay rờ-ve nặng hơn cái lòng bàn tay. Chưởng pháp thầy lâm ly ảo diệu đến nỗi không đứa nào tránh né được”. Đau vậy nhưng chẳng học trò, phụ huynh nào kiện tụng, bởi thầy dạy trò từ cái tâm sáng.
Và cũng quên sao được những lần được thỏa bụng cho mấy món ẩm thực bình dân gắn với tên tuổi chè bà Chỉ mà người bán chảnh đến nỗi chẳng thèm nói, chẳng thèm cười nhưng học trò luôn ghé qua, hay món phở Mộng Thu (nói lái) của mụ Thông với ba lát rưỡi thịt bò tái mỏng dính mà khi đông khách, người thứ bảy phải hoặc đứng, hoặc ngồi xổm mà húp xùm xụp bởi quán có mỗi một chiếc bàn kèm sáu ghế đẩu.
Giai nhân là ai trong "Thu, hát cho người"?
Cũng qua Phượng ca, duyên âm nhạc của nhạc sĩ, kể cũng ly kỳ lắm. Khi học lớp đệ thất (lớp 6), lần đầu tiên chú bé Hợi sở hữu một nhạc cụ là cây đàn mandoline được anh Hai tặng. Và thầy dạy nhạc đầu tiên cho nhạc sĩ tương lai, là anh Trịnh Mẹo với những bài nhạc giản dị, dễ tập. Để rồi từ đó, trải qua những thầy Lê Chấn Quang, La Gia Đinh hướng dẫn trong trường, tình yêu âm nhạc của Hợi cứ lớn dần lên.
Và chẳng cứ học nơi thầy, ở đất Hội An dạo ấy, đậm đặc không khí âm nhạc với tổ chức khuyến nhạc có từ năm 1943. Những bản tình ca của Phạm Duy, Trần Hoàn, Lê Thương… cũng văng vẳng bên tai cậu học trò từ lời hát của ông lái đò Bốn Chỉnh nơi sông Thu. Không chỉ thế, Hợi còn “học lóm” khi thường bỏ ra vài giờ lén xem các thầy chơi nhạc mà không mất phí, rồi cứ chiều đến là chơi guitare và nghêu ngao nào Bến Xuân của Phạm Duy, Thiên thai của Văn Cao hay Mộ khúc của Schubert với khán giả trung thành là cô bạn nhà ở bên kia đường Phan Bội Châu nơi Hợi trọ học.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ở tuổi 20. |
Lần đầu tiên anh Hợi kiếm được tiền từ âm nhạc, ấy là khi Đài Phát thanh Sài Gòn mỗi khi muốn cho ca sĩ hát một nhạc phẩm cũ mà không có văn bản ca khúc, đã nhờ chàng trai chép lại ngay tại phòng thu của đài với tiền thù lao 30 đồng mỗi bản. Mà việc chép lại nhạc phẩm ấy, thì lại xuất phát từ trí nhớ ưu việt của Hợi: “tôi đắc thủ được kỹ năng chép nhạc theo trí nhớ sau này. Và nó cũng là bước đầu đưa tôi đến với việc sáng tác ca khúc âm nhạc”. Bài đầu tiên Vũ Đức Sao Biển chép lại thanh nhạc theo trí nhớ, ấy là bài Trăng Mường Luông khi đệm đàn cho các bạn nữ trong trường tập văn nghệ.
Trên Đài Phát thanh Quảng Nam dạo Vũ Đức Sao Biển học năm đệ tam, cứ mỗi tuần kể từ tháng 11/1964, ban nhạc Ngũ Hành Sơn lại biểu diễn 30 phút. Ban nhạc ấy, được lập bởi anh sinh viên Sao Biển. Cũng kể từ dạo đó, những ca khúc đầu tay của ông đã dần thành hình trên các khuông nhạc để cho đến nay, gia tài âm nhạc là hơn 300 nhạc phẩm.
Tháng 9/1968, trên đồi sim, giữa mênh mang thiên nhiên, nhạc phẩm Thu, hát cho người được nhạc sĩ tuổi 21 sáng tác với những ca từ khắc khoải góp phần làm nên tên tuổi của ông:
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó.
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Nhạc phẩm Thu, hát cho người. |
Cho đến nay, vẫn nhiều ý kiến trong và ngoài nước phỏng đoán về chân dung thật của người con gái trong nhạc phẩm. Nhưng với tác giả, đó là một góc riêng của kỷ niệm về người bạn ở cuối sông Thu, người “có đôi mắt thơ mộng nhất tỉnh Quảng Nam” cùng mái tóc đẹp óng ả, người cùng đi học trên những con đường quê nhiều năm mà mỗi khi chung bước luôn giành phần đi trước. Dẫu đó chưa được gọi là tình yêu, nhưng nó không phải tình bạn, mà “Nó kết tinh lóng lánh, vượt lên trên cả tình yêu và tình bạn. Nó là chất ngọc của đời người”.
Với người nhạc sĩ đã trải 72 năm cuộc đời, Thu, hát cho người là ca khúc ông yêu nhất. Còn người con gái ấy, mãi chỉ mình ông biết, mình ông hay, và hiện diện cả trong Chiều mơ, Đường về, Cõi tiêu dao… những nhạc phẩm sau này của ông.