Tiến sĩ Tosha Dupras (Viện trưởng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Công nghệ Texas) trao kỷ vật cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Đức Huy. |
Trong buổi lễ trao nhận kỷ vật chiến trường, nhà văn Đặng Vương Hưng (tác giả cuốn Những lá thư thời chiến) chia sẻ sau nhiều tháng làm việc, câu lạc bộ Trái tim người lính Việt Nam đã tiếp nhận 42 bộ hồ sơ của Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Mỹ (viết tắt là VNCA). Trong số này, 10 bộ hồ sơ đã được xác minh, nhờ vậy hơn 1.000 kỷ vật có thể được trao trả lại đúng chủ nhân của nó.
Hành trình trao trả kỷ vật
Kể từ tháng 6/2023, tổ chức Trái tim người lính Việt Nam đã kết nối với VNCA để nghiên cứu các kỷ vật, hồ sơ về liệt sĩ Việt Nam. Tổng dung lượng số tư liệu này lên tới 3 triệu trang viết sàng lọc từ kho microfilm. Các giảng viên tại Đại học Công nghệ Texas đã dày công phân loại, định vị và khoanh vùng địa lý, giúp cho tổ chức Trái tim người lính Việt Nam có thể xác minh thân nhân dễ dàng hơn.
Trong 30 hồ sơ được các giảng viên gửi về, 10 bộ hồ sơ đã được tìm được chủ của mình. Đối với các gia đình thân nhân liệt sĩ, đây là những manh mối quan trọng giúp họ hiểu thêm về người thân.
Những thông tin trong các trang viết do Đại học Công nghệ Texas cung cấp có liên quan tới gia đình liệt sĩ Đoàn Ngọc Vinh. |
Đoàn Mạnh Cường (trú tại Tiền Hải, Thái Bình, cháu trai của liệt sĩ Đoàn Ngọc Vinh) chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhờ tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, gia đình đã có thêm thông tin để tìm ra mộ người bác quá cố. Trước đó, gia đình đã dùng nhiều cách, dò tìm theo các chi tiết vụn vặt nhưng không đem lại kết quả nào khả quan. Thông tin duy nhất của anh Cường có được chính là tấm bằng Tổ quốc ghi công được trao tặng từ rất lâu trước đó.
“Gia đình rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về người thân là bác Đoàn Ngọc Vinh. Nhờ Đại học Công nghệ Texas và tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, chúng tôi đã có được các ghi chép có liên quan đến bác. Cụ thể như đơn vị, ngày tháng hoạt động cùng một số thông tin được cung cấp có thể giúp chúng tôi nhanh chóng tìm ra nơi chôn cất bác hơn”, anh Mạnh Cường cho biết.
Tại sự kiện, 10 gia đình đã đến nhận kỷ vật, trong đó một số người vẫn còn sống nhưng đã ngoài 90 tuổi và sức khỏe không còn được tốt nên không thể đến tham dự.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm còn mãi với thời gian
Theo lời tâm sự từ Tiến sĩ Tosha Dupras (Viện trưởng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Công nghệ Texas), năm 2005, sau khi ông Frederic Whitehurst sang Việt Nam trao trả lại nhật ký Đặng Thùy Trâm cho mẹ cô, bà Doãn Ngọc Trâm, các cán bộ tại Đại học Công nghệ Texas đã rất cảm động khi chứng khiến khoảnh khắc này. Bà Trầm khuỵu gối xuống ôm lấy ông Whitehurst và khóc. Không một ai có thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy điều đó. Chính câu chuyện ông Whitehurst âm thầm gìn giữ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm đã truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm kỷ vật để trao trả cho thân nhân những binh sĩ tại Việt Nam.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm là minh chứng xúc động cho những câu chuyện thời chiến. Khi chứng kiến bà Trâm cầm cuốn nhật ký trên tay, tôi cảm giác như bà đang ôm cô con gái nhỏ của mình vào lòng. Kể từ đó, chúng tôi đã quyết tâm làm việc, miệt mài số hóa các kỷ vật gồm trang viết, nhật ký, giấy tờ... của binh sĩ Việt Nam”, TS Tosha Dupras chia sẻ.
Các độc giả tìm đọc cuốn sách Mãi mãi người lính ra mắt sáng ngày 12/6. |
Cũng tại buổi trao nhận kỷ vật, ông Đặng Vương Hưng cho biết: “Kho dữ liệu của Đại học Công nghệ Texas gồm 35 cuốn sổ tay, nhật ký và 7 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp, chung tay góp sức của nhiều bạn đọc, 11 hồ sơ trong đó đã có phản hồi tích cực của thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh và thương binh. Chúng tôi đã liên hệ được với các nhân chứng nêu trên, hiện ở nhiều vùng miền trên cả nước, để mời tham dự sự kiện”.
Bên cạnh việc trao nhận kỷ vật, tại sự kiện, tác giả Đặng Ngọc Đa tuyên bố sẽ trao tặng 15 tủ sách đến các địa phương. Thông qua tủ sách này, các tác phẩm về chiến tranh, vẻ đẹp người lính, vẻ đẹp tổ quốc sẽ được đến tay nhiều độc giả hơn. Trong số đó, có tác phẩm Mãi mãi người lính được ra mắt vào sáng ngày 12/6 nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024): “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.