Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi làm thêm từ thời sinh viên vì không muốn làm thuê cả đời

Tận dụng thời gian đi làm thêm, nhiều bạn trẻ tận dụng học hỏi kinh nghiệm để tự mở cửa hàng thay vì chỉ đi làm thuê.

“Bốn năm trước, khi còn là sinh viên năm nhất, ban đầu, mình chỉ xác định làm thêm để có thêm chi phí sinh hoạt và học hỏi thêm về pha chế đồ uống. Mình cũng không ngờ từ công việc với mức lương 20.000 đồng/giờ, mình lại có thể làm chủ khi chỉ mới hơn 20 tuổi”, Doãn Tiến (23 tuổi, từ Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của bản thân với Zing.

Không muốn làm thuê cả đời

Đối với Doãn Tiến, công việc đi làm và nhận lương hàng tháng không có quá nhiều sự mới mẻ đối với người có tính cách hướng ngoại, dám nghĩ, dám làm như cậu. Những công việc này chỉ dừng lại ở mức sống ổn định chứ khó có nhiều sự bứt phá, dư dả trong tương lai.

tu duy lam chu thay vi lam thue anh 1

Từ công việc làm thêm tại cửa hàng đồ uống, Doãn Tiến làm chủ ở tuổi ngoài 20. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, Tiến cũng nhận nhiều lời chia sẻ từ những người đi trước cho rằng họ làm ở nhiều công ty lớn nhưng vẫn đi theo “lối mòn”, chạy theo sự chỉ đạo của sếp, làm việc tròn vai, hết trách nhiệm sếp giao.

“Mình nghĩ học và làm công việc đúng ngành chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời dài. Tại sao mình không thử rẽ sang con đường khác mới mẻ hơn, được làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời?”, Tiến chia sẻ.

Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu là sinh viên năm nhất, mặc dù đã được gia đình sắp xếp công việc ổn định sau này ngay từ khi chưa ra trường, nam sinh đã có suy nghĩ bản thân cần có hướng đi mới để thử thách, phát triển bản thân. Gia đình có truyền thống làm kinh doanh, Tiến nhận định mình hợp với công việc này. Đây cũng là ước mơ từ nhỏ của anh.

Giống như Tiến, Thùy Linh (24 tuổi, từ Tuyên Quang) cũng không muốn đi làm thuê cả đời. Với niềm yêu thích cái đẹp, ước mơ mở cửa hàng cho thuê và bán quần áo của riêng mình, những năm học cấp 3, Linh gần như tự vạch ra cho mình định hướng, kế hoạch rõ ràng để bản thân đạt mục tiêu đề ra.

“Đi làm thuê thôi chưa đủ, ước mơ của mình là đủ tự tin để mở cửa hàng, đứng ra làm chủ cho một loạt startup. Mình yêu cuộc sống tự do và thử thách hơn là ngồi trong một văn phòng quá gò bó", Linh chia sẻ.

tu duy lam chu thay vi lam thue anh 2

Linh tranh thủ học hỏi nhiều thứ trong thời gian đi làm thêm các công việc như tiếp thị sản phẩm hay chạy sự kiện. Ảnh: NVCC.

Làm thêm không chỉ để kiếm tiền

Linh xác định nếu muốn làm chủ, học ở trường thôi là chưa đủ. Lên đại học, bên cạnh việc bán hàng online, cô tận dụng lúc nghỉ ngơi để làm thêm một số công việc như tiếp thị sản phẩm hay chạy sự kiện, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Cô cho rằng những công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự tự tin và chăm chỉ nên mức lương có phần “nhỉnh" hơn so với mặt bằng chung sinh viên làm công việc khác. Nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến cô gái 24 tuổi quyết định gắn bó với nó.

“Mình đi làm một phần vì tài chính, phần vì những công việc này đem lại cho mình mối quan hệ, giúp mình học được sự tự tin khi giao tiếp, cách bán hàng cũng như hiểu tâm lý khách hàng trong mọi lĩnh vực, thuận tiện khi mình mở cửa hàng sau này", Thùy Linh nhận định.

Cũng với tư duy tận dụng thời gian để học hỏi càng nhiều càng tốt, Tiến bắt đầu làm thêm ngay từ ngày đầu vào đại học. Nam sinh chọn cho mình công việc pha chế tại các quán cà phê, trà sữa bởi thích công việc này đã lâu.

“Với công việc này, mình vừa tận dụng được thời gian rảnh, lại tăng thêm thu nhập và học thêm kiến thức ngoài nhà trường”, Tiến giải thích.

Với suy nghĩ ấy, suốt 3 năm đi làm thêm, Tiến nhìn nhận nghiêm túc về công việc này. Nam sinh cho rằng khi đã thành thạo các kỹ năng pha chế, anh sẽ có thêm nghề tay trái vững vàng để làm song song cùng nghề chính sau khi ra trường hoặc mở cửa hàng riêng trong tương lai.

Chính vì vậy, Tiến tranh thủ thời gian được đào tạo miễn phí tại nhà hàng để học các kiến thức về đồ uống, nguyên liệu, kỹ thuật pha chế… Tuy nhiên, Tiến sớm nhận ra suy nghĩ chỉ học pha chế thôi sẽ mở được quán hoàn toàn sai lầm.

Vì thế, anh còn phải tự quan sát và tiếp xúc, học hỏi nhiều về kiến thức về ngành F&B (Food and Beverage), cách vận hành nhà hàng hay quản lý nhân sự.

Doãn Tiến cũng tận dụng các mối quan hệ có được khi đi làm thêm để trau dồi từ các tiền bối trong ngành. Thời gian rảnh, nam sinh chủ động lên mạng, tìm hiểu sách, báo để tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng.

tu duy lam chu thay vi lam thue anh 3

Sau 3 năm đi làm thêm, Tiến quyết định bảo lưu việc học ở trường, thay đổi tư duy từ một người đang làm thuê đến một người làm chủ một quán đồ uống ở tuổi 22. Ảnh: NVCC.

Làm chủ khi mới ngoài 20

Thời điểm Hà Nội phải đóng cửa hàng quán do dịch bệnh, Doãn Tiến quyết định dành khoảng thời gian này để suy nghĩ nghiêm túc về bản thân xem mình thực sự phù hợp với điều gì, muốn gì và cần làm gì, từ đó đặt ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

Anh quyết định bảo lưu việc học ở trường, thay đổi tư duy từ một người đang làm thuê đến một người làm chủ một quán đồ uống ở tuổi 22 mặc dù phải đánh đổi khá nhiều.

“Mình đánh đổi nhiều thứ chứ, từ thời gian, tiền bạc, công sức đến kế hoạch khi mình đi học. Mình cũng khá tiếc, chưa kể mình có thể gặp phải rủi ro khi khởi nghiệp thất bại. Nhưng mình cũng muốn đưa bản thân vào thử thách”, Tiến trăn trở với dự định của bản thân.

Sau 3 năm đi làm thêm, đã chuẩn bị cho bản thân lượng kiến thức cùng số vốn nhất định, Tiến đưa những thứ mình tích lũy được đi vào thực hành. Nhưng mọi thứ không đơn giản chỉ bằng lời nói, đằng sau đó là rất nhiều khó khăn mà Tiến nghĩ nếu không có khoảng thời gian đi làm thêm trước đây, anh khó có thể khắc phục và xử lý được.

Từ khi có ý định mở quán đến khi lập kế hoạch kinh doanh, Doãn Tiến phải tìm hiểu về đối tượng khách hàng mà mình hướng đến để lên ý tưởng cho quán và định hình được quy mô, phong cách thiết kế cũng như thực đơn cho quán.

Tiến cho biết địa điểm anh chọn mở quán có lượng khách hàng tiềm năng là học sinh, sinh viên, ít người đi làm hơn so với các quán anh từng làm trước đây. Chính vì vậy, anh phải xây dựng quy mô, phong cách, thực đơn sao cho phù hợp, không thể rập khuôn như các quán trong nội thành.

Quán đi vào hoạt động, Tiến lại đau đầu về mảng nhân sự, quy trình vận hành, kiểm soát chi phí hay nguyên liệu đầu vào, đầu ra, xử lý khủng hoảng.... Nhưng sau thời gian ngắn tìm cách xoay xở, nhờ áp dụng kinh nghiệm đã tích lũy cùng sự trợ giúp của người thân và người đi trước trong nghề, anh dần khắc phục để quán đi vào hoạt động trơn tru, có doanh thu ổn định.

“Nếu trước đó không đi làm thêm, mình sẽ không thể biết được những điều này để khắc phục sao cho đúng và nhanh nhất”, Tiến khẳng định.

tu duy lam chu thay vi lam thue anh 4

Hiện tại, Linh cũng đã có riêng cho mình chuỗi 3 cửa hàng. Ảnh: NVCC.

Sau 7 tháng quán chính thức đi vào hoạt động, Doãn Tiến cũng tìm hiểu và dự định mở thêm chi nhánh thứ hai vào thời gian sắp tới.

Trong khi đó, khác với Tiến, Thùy Linh quyết tâm hoàn thành 4 năm trên giảng đường. Cô cũng coi đây là thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về vốn và kiến thức, lên kế hoạch cụ thể để mở cửa hàng và thực hiện các dự án khác mà cô đã ấp ủ từ lâu.

Hiện tại, Linh cũng đã có riêng cho mình chuỗi 3 cửa hàng bao gồm một cửa hàng chuyên bán và cho thuê quần áo, một cửa hàng cho thuê lều trại cùng một cửa hàng bán các sản phẩm handmade do cô tự làm.

Việc vận hành 3 cửa hàng cùng lúc đồng nghĩa với khối lượng công việc luôn quá tải. Tuy nhiên, Thùy Linh chia sẻ nhờ những kỹ năng, kinh nghiệm học được khi đi làm thêm, cô không quá khó khăn để giải quyết trơn tru những sự cố phát sinh.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, những thứ mình có bây giờ đều do mình chủ động học hỏi và tiếp thu bằng nhiều cách ngay từ ngày còn đi học”, cô gái trẻ khẳng định.

Sinh viên mới ra trường trở thành 'tạp vụ' khi làm ở công ty gia đình

Mô hình công ty gia đình hoạt động nhiều bất cập khiến người đi làm, đặc biệt sinh viên mới ra trường, ám ảnh và tự rút kinh nghiệm không vào làm việc ở những nơi như vậy.

Ngọc Bích - Lan Anh

Bạn có thể quan tâm