Sự ra đời của chiếc điện thoại Solarin với mức giá không tưởng, đắt gấp 20 lần iPhone đã dấy lên những suy nghĩ về mối quan hệ giữa đồ xa xỉ với một thiết bị điện tử cá nhân.
Tờ The Verge đặt câu hỏi, đâu là lần cuối cùng một công nghệ được giới thiệu thật sự sang trọng, độc đáo trong tính năng, chứ không chỉ dựa trên vật liệu đắt đỏ?
Chiếc Solarin trị giá 16.000 USD. Ảnh: The Verge. |
Sự quý hiếm phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ví dụ, nước và bóng mát là thứ quý hiếm ở sa mạc, cũng như thời gian là thứ xa hoa cho người trưởng thành. Cái giá đắt đỏ đồng nghĩa với sự khan hiếm.
Nhưng với công nghệ thì sao? Hoàn toàn ngược lại. Công nghệ là thứ được bình dân hóa để phổ biến. Cho dù đó là bánh xe, máy in hay Internet, mỗi khi có sự đổi mới xảy ra thì những yếu tố độc quyền, dù với bất kỳ ý nghĩa nào cũng sẽ bị loại bỏ.
Công nghệ đắt đỏ sẽ trở thành những mặt hàng phổ biến
Rất ít những thứ đồ xa xỉ tồn tại được mà không có công nghệ để tạo ra chúng, nhưng điều đó không có nghĩa công nghệ sẽ không biến chúng thành những thứ bình dân. Chỉ cần nghĩ về cách bạn có thể làm mọi thứ với chiếc di động thông minh của mình so với chiếc carphone đắt tiền mà Gordon Gekko sử dụng những năm 1980.
Chăm sóc y tế ngày nay nhờ đó cũng có thể hoạt động tốt hơn so với thế kỷ trước. Những ông hoàng bà chúa xa xưa có dành dụm tất cả tài sản của họ cũng không thể có được những tiện ích cơ bản như vắc-xin, thuốc kháng sinh, phương thức điều trị mà chúng ta có hiện nay.
Công nghệ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự xa xỉ bởi cách mà nó phát triển và thương mại hóa như hiện nay. Hầu như chẳng ai đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển một thứ chỉ có ảnh hưởng rất giới hạn, kể cả đó là những khách hàng giàu có.
Ngay cả Bugatti, công ty xe hơi được định nghĩa là sang trọng, cũng đang phát triển những công nghệ và phương pháp sản xuất khả dĩ áp dụng trong các mô hình khác của công ty mẹ là Volkswagen. Ôtô của Bugatti không bao giờ giảm giá, nhưng họ luôn đi đầu trong những phát kiến.
Những món đồ công nghệ xa xỉ là một sự mâu thuẫn lớn
Trong thị trường thiết bị điện tử cá nhân, cuộc xung đột giữa những món hàng xa xỉ và bình dân là rõ ràng nhất. Đồng hồ Tag Heuer 1.500 USD không khác biệt gì nhiều những smartwatch Android với giá 200 USD.
Bạn có thể cảm thấy nó đẹp hơn một chút khi đeo, nhưng chức năng của nó là giống hệt nhau. Điện thoại Solarin 16.000 USD, tự xưng là vượt trội so với tất cả mọi thứ trước đó, đau đớn thay lại được xây dựng trên chip Snapdragon 810 quen thuộc, hơn nữa, chẳng có thông số cao cấp bằng vài smartphone Trung Quốc giá rẻ.
Giá cao không luôn luôn đồng nghĩa với sự sang chảnh. Ảnh: The Verge. |
Đây là sự thật, những khoản đầu tư lớn sẽ đổ vào những sáng kiến công nghệ để có thể cạnh tranh, từ đó làm cho nó rẻ hơn. Công nghệ điện thoại di động tốt nhất chúng ta có ngày hôm nay, cho dù đó là bộ vi xử lý Apple A9 hay màn hình cong của Samsung, đều là những sản phẩm từ sự tái đầu tư, để có thể trở nên phổ biến.
Thành công của Apple đến từ những thứ mà Steve Jobs dùng để làm cuộc sống tiện lợi hơn. Ông đã chính xác khi cho rằng phần còn lại của thế giới sẽ bắt chước cách của mình. Những gì ông đã làm, tạo ra những thứ tốt nhất từ máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại thông minh và bán cho đại chúng, cũng đã góp phần vào việc thúc đẩy sự bình đẳng xã hội.
Nó khiến mọi người giống nhau, tỷ phú Larry Ellison cũng sẽ cầm một chiếc iPad như một anh nhân viên công sở nào đó. Hơn nữa, công nghệ còn được sao chép và tùy biến, nên bạn có thể mua một thiết bị khác gần tương tự mà không mất quá nhiều tiền.
Trước công nghệ, chúng ta đều bình đẳng. Ảnh: FixTheInternet. |
Câu chuyện về công nghệ là câu chuyện về những phát kiến và sau đó là phổ biến nó đến mọi người. Một vài người tìm ra cách để bay được, một số người khác lại làm cho mọi người đều có thể bay. Một vài người đưa ra cách để lưu trữ năng lượng pin, cách để chụp ảnh kỹ thuật , và cách để truyền tải những tập tin không dây, số khác chuyển tất cả thành Flickr, Instagram và Facebook.
Đồ xa xỉ vẫn có đất sống, nhưng không lâu bền
Đồ xa xỉ được hiểu như những thứ lâu bền, khó phai mờ và không dễ để sẻ chia. Điều này vẫn đúng với vài thứ khan hiếm, tài nguyên như vàng, kim cương, bất động sản, tác phẩm nghệ thuật... Nhưng làn sóng công nghệ là để phá hủy những cấu trúc như vậy. CPU 10 lõi của bạn sẽ là gì so với những chip di động tương lai?
Thật tuyệt khi vẫn còn tồn tại những thứ khiến bạn khát khao sở hữu. Nhưng công nghệ làm xói mòn mọi thứ và tạo ra nhiều thứ khác.
Đôi khi vài thứ như điện thoại Solarin cố gắng làm đảo ngược quá trình và biến đổi những giá trị tốt đẹp của công nghệ.
Đến cuối cùng, điện thoại thông minh cũng chỉ là một loại hàng hóa, dù người ta cố gắng khoa trương đến đâu về những đột phá của chúng. Do vậy, ngay cả thiết bị đắt hơn 20 lần iPhone như Solarin, nhưng công nghệ trên nó không bằng các mẫu Android cao cấp mới hay iPhone 6S và sắp tới là iPhone 7.