Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng di động xách tay liên tục cho đăng tải các chương trình giảm giá mạnh, kèm khuyến mãi hấp dẫn cho người mua smartphone. Đây được xem là động thái đối phó với tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) - giai đoạn làm ăn khó khăn nhất của giới kinh doanh.
Những màn giảm giá trải đều ở nhiều phân khúc sản phẩm: cao cấp, trung cấp và cả những chiếc smartphone giá rẻ.
Ở nhóm di động cao cấp, những model như Galaxy S7, LG G5 (smartphone đời mới giai đoạn đầu năm) đều giảm giá xấp xỉ một triệu đồng so với thời điểm cách đây một tháng. Samsung Galaxy S7 hàng qua sử dụng hiện có giá 9 triệu, thấp hơn so với mức gần 10 triệu trước đây, trong khi G5 cũng vừa giảm giá xuống còn đúng 8 triệu đồng.
Điện thoại bom tấn giảm giá mạnh những ngày đầu tháng 7 âm lịch. Ảnh: Thành Duy. |
Với iPhone, sản phẩm này dần bước qua giai đoạn khan hàng và bắt đầu xuống giá. Những ngày gần đây, các cửa hàng liên tục nhập về những chiếc iPhone hàng tân trang, chưa kích hoạt kèm giá bán không cao hơn nhiều so với máy cũ.
Chẳng hạn, iPhone 6 Plus bản cũ có giá khoảng 10 triệu thì máy Certified Pre-Owned (máy chưa kích hoạt, đầy đủ phụ kiện xịn) bán với giá 11,2 triệu đồng, máy trả bảo hành (chưa kích hoạt nhưng khi kích hoạt sẽ bị trôi bảo hành, không kèm phụ kiện chuẩn) có giá 10,5 triệu đồng.
Ở nhóm trung cấp, những sản phẩm như LG V10, Samsung Galaxy S6, S6 edge hay Note 5 qua sử dụng do đã giảm giá liên tục thời gian trước đây nên chỉ được điều chỉnh nhẹ. Các sản phẩm này hiện có nguồn hàng khá dồi dào, sức mua của người dùng tương đối cao.
Một sản phẩm đời mới khác nhưng được xếp ở nhóm trung cấp là Xiaomi Mi 5 cũng giảm giá vài trăm nghìn đồng, xuống mức 7 triệu đồng, sau khi máy chính hãng về nước và được bán với giá gần 8 triệu.
Dù giảm giá mạnh nhưng các cửa hàng vẫn dự báo trước về một màn sụt giảm mạnh về doanh số smartphone trong tháng này. "Quan niệm không nên làm việc lớn hoặc mua sắm trong tháng cô hồn đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận lớn khách hàng tỏ ra kiêng kị", anh Trung Trí - đại diện một hệ thống di động xách tay ở Hà Nội lý giải.
Anh này cho biết, những năm trước đây, cửa hàng ghi nhận mức sụt giảm khoảng 20-30% trong tháng "cô hồn".
Trên thực tế, doanh số smartphone xách tay đã giảm mạnh trong khoảng 2 tháng qua do đối tượng người mua chính là học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn trầm lắng của thị trường bởi nó là điểm nối giữa 2 cơn sốt smartphone: một diễn ra vào khoảng tháng 3, tháng 4, một vào thời điểm tháng 9 đổ về cuối năm.
Ngoài việc giảm giá smartphone, thúc đẩy việc quảng cáo trên mạng xã hội và tặng kèm nhiều quà tặng, các cửa hàng cũng tích cực "xen canh gối vụ" (theo lời anh Trí) để hạn chế sụt giảm doanh thu.
Những smartphone ra mắt năm 2013, 2014 của Sony được nhập về bán với giá chưa đến 2 triệu đồng. |
Họ cho nhập về nhiều sản phẩm dạng "đồ cổ" có giá bán khá rẻ để thu hút người dùng. Chẳng hạn, người dùng có thể mua những smartphone như Sony Xperia ZR với giá từ 1,2 đến 1,9 triệu tùy chất lượng, Sony Xperia Z1 Compact giá 1,9 triệu, Galaxy S4 giá từ 1,9 triệu hay LG G3 giá 2,5 triệu.
"Tỉ suất lợi nhuận của các sản phẩm này không cao, khả năng bị lỗi hoặc bảo hành lại lớn. Tuy nhiên, nó giúp cửa hàng hạn chế phần nào tình trạng ế ẩm, ngoài ra có khả năng lôi kéo tập khách hàng mới cho việc kinh doanh sau này", anh Thanh Tùng - đại diện một cửa hàng tại Phạm Văn Đồng (Hà Nội) lý giải.
Trong tháng "cô hồn" này, một sản phẩm rất đáng chú ý là Galaxy Note 7 sẽ lên kệ tại Việt Nam (cả máy chính hãng và xách tay). Tuy nhiên, giới kinh doanh di động xách tay không đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm này bởi với các sản phẩm Samsung, các kênh phân phối chính hãng đang tỏ ra rất mạnh mẽ.
"Có lẽ phải chờ vài tháng, sau khi máy giảm giá hoặc hàng cũ có mặt trên thị trường, Note 7 xách tay mới gây chú ý. Hiện tại, chúng tôi chủ yếu sống dựa vào những mẫu di động đời cũ, cả iPhone lẫn điện thoại Android", anh Tùng cho hay.