Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Di dân, toàn cầu hóa và câu chuyện về loài muỗi

​Liệu các bạn từng nghĩ loài côn trùng chuyên đi hút máu ấy trở thành nhân vật trung tâm của một cuốn sách về chính trị? Đừng ngạc nhiên, bởi trí tưởng tượng là không biên giới

Mới đây, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm “Loài muỗi và câu chuyện toàn cầu hóa nhân dịp ra mắt cuốn sách Địa chính trị của loài muỗi- Khái lược về toàn cầu hóa của hai tác giả Erik Orsenna và Isabelle de Saint Aubin. Buổi trò chuyện có sự góp mặt của thầy Dương Văn Quảng- giảng viên Học viện Ngoại giao và dịch giả Trần Thị Phương Thảo, người đã chuyển ngữ tác phẩm.

Mở đầu buổi trò chuyện, dịch giả Trần Thị Phương Thảo chia sẻ: Tác phẩm này là một cuốn sách về chính trị rất thú vị. Trong quá trình dịch, nhiều lúc cô bật cười thích thú vì cách ví von đầy hóm hỉnh và vô cùng duyên dáng của tác giả. Nó sẽ khiến các bạn phải giật mình khi nghĩ rằng mình đang đọc một cuốn sách mang nặng tính học thuật.

Di dan,  toan cau hoa va cau chuyen ve loai muoi anh 1
Các diễn giả trong buổi tọa đàm. Từ trái qua: Dịch giả Trần Thị Phương Thảo, thầy Dương Văn Quảng. 

Chính cách dẫn dắt đầy hài hước này khiến cho một cuốn sách đề cập tới những lĩnh vực tưởng chừng như rất khô khan, đó là: Chính trị và khoa học. Nhờ đó các vấn đề này trở nên mềm mại, bớt khô cứng và không còn mang nặng tính học thuật. Thế nên, độc giả phổ thông dễ dàng tiếp cận với cuốn sách mà không cảm thấy nhàm chán.

Ngoài những chủ đề liên quan đến chính trị và khoa học, hai tác giả Erik Orsenna và Isabelle de Saint Aubi đã đi theo tiếng “vo ve” của những con muỗi để thu thập nhiều câu chuyện văn hóa thú vị. Do những khác biệt về lối sống và hành vi ứng xử ở mỗi quốc gia mà từ đó các nhà cầm quyền không thể áp dụng “công thức chung” cho chính trị.

Từ đó, người ta dành một mối quan tâm sâu sắc hơn, cho một bộ môn khoa học mới, đó là: Địa chính trị. Tới đây, nhiều độc giả không khỏi thắc mắc: Tại sao Erik Orsenna lại lồng ghép những vấn đề về chính trị vào câu chuyện về một loài côn trùng chuyên đi hút máu?

Di dan,  toan cau hoa va cau chuyen ve loai muoi anh 2
Cuốn sách Địa chính trị của loài muỗi- Khái lược về toàn cầu hóa của hai tác giả Erik Orsenna và Isabelle de Saint Aubin.

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu và giảng dạy về ngoại giao, thầy Dương Văn Quảng đã có những chia sẻ rất thú vị để giải đáp cho bạn đọc. Loài muỗi thường bay từ vùng này, sang vùng khác và mang theo mầm bệnh. Đồng thời con người cũng di chuyển từ quốc gia này, sang quốc gia khác và phát tán những căn bệnh truyền nhiễm đó.

Từ quá trình di chuyển và phát tán dịch bệnh của loài muỗi, tác giả liên tưởng đến các vấn đề an ninh phi truyền thống mà các quốc gia đang gặp phải trong quá trình toàn cầu hóa, đó là: Làn sóng di cư ở các quốc gia kém phát triển đến các nước phát triển. Kéo theo đó là sự lan tràn của các tệ nạn như: nạn buôn người, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đều đánh giá cao khả năng liên tưởng, xâu chuỗi và tiếp cận vấn đề của tác giả. Erik Orsenna đã kết nối những vấn đề tưởng chừng không liên quan một cách rất tài tình. Ông đã mang đến cho độc giả một khối lượng kiến thức lớn thông qua một công trình nghiên cứu liên ngành đầy thú vị.

Erik Orsenna sinh năm 1947, ông là chính trị gia, tiểu thuyết gia và thành viên của Viện Hàn lâm Pháp. Sau khi học về triết học, khoa học chính trị và kinh tế, ông trở thành giảng viên kiêm nhà nghiên cứu rồi trở thành tiến sĩ tài chính quốc tế và kinh tế phát triển.

Song song với sự nghiệp chính trị, ông viết rất nhiều sách, trong đó có cả các tác phẩm văn học. Cuốn tiểu thuyết L’Exposition coloniale (tạm dịch Triển lãm thuộc địa) đã giành giải Goncourt năm 1988. Còn tác giả Isabelle de Saint Aubin hiện là bác sĩ tim mạch.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm