Bỏ phiếu sớm đã kết thúc ở nhiều bang hôm cuối tuần nhưng những lo ngại về dọa dẫm cử tri là điều khiến nhiều người lo lắng.
Allison Riggs của tổ chức độc lập Southern Coalition for Social Justice (Liên minh phía Nam vì công lý) nói với Zing.vn: "Chúng tôi đã nhận được những cuộc điện thoại của cử tri hỏi chúng tôi có nên mang súng khi đi bầu cử".
Những câu hỏi như vậy phản ánh phần nào lo lắng của cử tri trong cuộc bầu cử sát sao mà cả hai phe dùng nhiều chiến thuật để gây khó dễ với đối phương.
Trong buổi sáng, văn phòng của bà Riggs ở trung tâm Durham đã nhận được khoảng hơn 1.000 cuộc điện thoại hỏi về các vấn đề trong bầu cử. "Có những lo lắng nhất định về dọa dẫm trong bầu cử, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi".
'Bỏ phiếu cho Clinton là xuống địa ngục'
Ở một số vùng phía bắc của North Carolina như hạt Nash, đã có người của phe Trump mang xe bus với biểu ngữ "Bỏ phiếu cho Clinton là xuống địa ngục" đến đặt ngay trước nơi bỏ phiếu trước khi lực lượng bầu cử can thiệp.
Một số nơi đã có thông tin những người giám sát bầu cử (thường của phe Cộng hòa) mang chó tới khiến một số cử tri sợ không dám đi bỏ phiếu.
Ở Ohio và các bang như Nevada, Pennsylvania và Arizona, phe Dân chủ đã kiện phe Cộng hòa về chuyện "dọa dẫm" cử tri.
Các cử tri đi bỏ phiếu sớm ở thư viện phía bắc của Durham, North Carolina. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Thẩm phán liên bang James Gwin ở Ohio hôm 4/11 cảnh cáo chiến dịch của Donald Trump và nhà vận động Roger Stone không được có các hành vi "đe dọa cử tri" ở Ohio sau khi nghe đơn kiện của phe Dân chủ.
Đảng Dân chủ muốn chấm dứt tình trạng gây khó dễ, chất vấn đối với cử tri khiến nhiều người không muốn đi bỏ phiếu.
Phán quyết của thẩm phán Gwin cấm các hành vi như "cản trở hay ngăn cản cử tri tiếp cận hay rời khỏi điểm bỏ phiếu" hay "giám sát các hoạt động bỏ phiếu", như chất vấn, hỏi cử tri về tư cách bỏ phiếu của họ.
Ở hạt Nash về phía đông của North Carolina đã có người trong vai giám sát cử tri tới chụp hình biển số của những người bỏ phiếu khiến nhiều cử tri lo sợ.
Bà Riggs nói viên chức bầu cử đã yêu cầu anh này rời đi nhưng tình trạng cản trở và các phàn nàn về bầu cử này theo bà có khả năng tăng lên trong những ngày tới.
Những địa điểm bỏ phiếu sớm mà Zing.vn đến ở Durham hay Raleigh ở North Carolina, một trong những bang tranh chấp then chốt, hầu hết yên bình dù có nơi cử tri phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước khi được bỏ phiếu.
Ở thư viện phía bắc của Durham, nơi cử tri thường phải đợi hàng dài, người giám sát bảo vệ quyền bầu cử nói: "Tôi ở đây chủ yếu để xem có vấn đề gì không".
Chiến thuật phe Cộng hòa
Phe Dân chủ có lợi thế với người nhập cư và các nhóm thiểu số (một phần vì chính sách cởi mở hơn với người nhập cư, một phần vì Donald Trump có chính sách thù hằn, gọi những người Mexico là "những kẻ hiếp dâm", "tội phạm"...), nên việc tạo ra những khó khăn trong bầu cử là chiến thuật thường được phe Cộng hòa tiến hành. Và điều này đã diễn ra trong nhiều chu kỳ bầu cử gần đây.
Một số bang có phe Cộng hòa chi phối như Arizona hay Georgia đã thông qua luật rất chặt từ việc phải có giấy tờ tùy thân khi bỏ phiếu, thay đổi ngày giờ được bỏ phiếu, quy định về đăng ký phiếu,...
Tạo ra những khó khăn trong bầu cử là chiến thuật thường được phe Cộng hòa tiến hành. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Bà Jen Jones, người phát ngôn của tổ chức Democracy North Carolina, chuyên theo dõi các vấn đề về bỏ phiếu, thừa nhận với Zing.vn rằng ngay ở North Carolina, các quy định về bỏ phiếu đã 3, 4 lần thay đổi kể từ tháng 3 tới nay khi cuộc cạnh tranh hai bên ngày càng quyết liệt.
Cả hai phe đều muốn tiến hành những thay đổi để có lợi thế nhất cho việc thu hút cử tri của mình và hạn chế phe còn lại.
Ở Arizona, bang có đa số cử tri Cộng hòa, thẩm phán John J. Tuchi hôm 5/11 đã bác đơn kiện của phe Dân chủ.
Roger Stone, nhân vật đứng sau các chiến dịch được coi là dọa dẫm cử tri như Stop the Steal (Ngăn chặn chuyện ăn cắp phiếu), ngay sau đó đã viết trên Twitter: "CHIẾN THẮNG – Tòa Arizona bác hai vụ kiện giả nhằm ngăn cản @StoptheSteal.org. 'Các anh không có cơ sở cho vụ kiện', thẩm phán nói với những kẻ cướp phe Dân chủ".