Sáng 11/4, UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đền Xã Tắc. Đây cũng là hoạt động nhằm kích cầu du lịch sau khi Quảng Ninh kiểm soát được dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2021.
Đền Xã Tắc tọa lạc cạnh bờ sông Ka Long (ranh giới biên giới Việt - Trung), thuộc khu 3 phường Ka Long, thành phố Móng Cái.
Năm 2005, đền Xã Tắc đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tháng 11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với nơi này.
Không chỉ là một địa danh du lịch, văn hóa tâm linh, đền Xã Tắc còn là cột mốc vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia cùng những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi biên cương của Tổ quốc.
Đền Xã Tắc. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc - Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa.
Bên cạnh Xã Tắc Đại Vương, đền còn thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Trước kia, đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ 20, trong một lần bão lớn, đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy Nguồn với quy mô nhỏ hơn trước.
Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000 m2, phía Đông giáp sông Ka Long. Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy rồng, mũi hài, tường gạch. Đền có hai tầng tám mái với những hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Đền Xã Tắc là một di tích văn hóa có quy mô lớn và lịch sử lâu đời, là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận.