Nằm bên bờ sông Chandrabhaga, mọi hoạt động tôn giáo tại ngôi đền Vitthal Rukmini (thị trấn Pandharpur, bang Maharastra) suốt 900 năm qua chỉ do các nam tu sĩ xuất thân từ hai gia tộc Badve và Utpat theo đạo Bà la môn đảm nhiệm.
Tuy nhiên, báo Indian Express cho biết Tòa án tối cao Ấn Độ đã thu hồi đặc quyền truyền đời của hai dòng họ này vào đầu năm 2014. Thay vào đó, chính quyền bang đã thành lập một ủy ban quản lý và phụ trách các hoạt động tại đền.
Những nam tu sĩ từ hai gia đình theo đạo Bà la môn đã đảm nhiệm chủ trì các hoạt động tôn giáo tại ngôi đền trong nhiều thế kỷ qua. Ảnh: Mail Today |
Anna Dange, người đứng đầu ủy ban, quyết định mở rộng thành phần trong ban tu sĩ tại đền, kêu gọi những người ngoài đạo Bà la môn và thậm chí phụ nữ đảm nhận vị trí 10 tu sĩ chịu trách nhiệm tiến hành các nghi lễ thờ cúng và cầu nguyện tại đền. "Không một nhóm người nào có thể tuyên bố quyền phụng sự các vị thần là của riêng họ", Dange nói.
Sự "vượt rào" của ban quản lý đền vấp phải sự phản đối dữ dội từ các lãnh đạo địa phương vì họ muốn tiếp tục duy trì truyền thống từ xưa đến nay.
Dẫu vậy, gần 200 đơn đã nộp về ứng cử, trong đó có 23 phụ nữ. Trải qua các phần thử thách, ban quản lý thông báo kết quả tuyển chọn vào cuối tuần qua. Trong số 10 vị tu sĩ mới có hai vị là phụ nữ theo đạo Bà la môn và 5 vị ngoại đạo. Họ sẽ bắt đầu nhiệm vụ kể từ ngày 1/8.
Cô Urmilla Bhate, một trong hai nữ tu sĩ mới tại đền, gọi kết quả này là chiến thắng của phụ nữ. “Qua đó phụ nữ sẽ đạt được vị trí xứng đáng của họ tại các đền thờ vốn luôn chối bỏ phụ nữ bấy lâu nay”, cô Bhate trả lời trên báo Indian Express. Bahte hy vọng sự phá vỡ truyền thống này sẽ duy trì lâu dài.