Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến tận nhà tiếp thị hồ sơ làm thương binh giả

Đắk Lắk là một trong những địa phương đang nổi lên hiện tượng thương binh giả, với hơn 130 trường hợp được phát hiện.

Tất cả những hồ sơ này đều được làm rất tinh vi, giả mạo từ giấy chứng nhận bị thương, biên bản giám định y khoa đến phiếu thương tật, phiếu điều chỉnh trợ cấp...

Đến nhà “tiếp thị” hồ sơ giả

Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2015, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk liên tiếp phát hiện 39 trường hợp thương binh, bệnh binh (TBBB) giả, trong đó Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã khởi tố hàng loạt vụ án. Từng tham gia binh chủng đặc công nhưng không bị thương, Nguyễn Xuân Quán (trú xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã bỏ ra 10 triệu đồng nhờ Bùi Trung Trực (trú phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) làm giả giấy chứng nhận bị thương, nộp cho Bệnh viện Quân y 48 - BCH Quân sự tỉnh Đắk Lắk - và được kết luận tỉ lệ thương tật 31%. 

Sau khi hợp thức hóa, hồ sơ của Quán được Quân khu 5 chuyển đến Sở LĐTBXH Đắk Lắk để chi trả chế độ. Từ tháng 5/2013 - 10/2014, Quán được Phòng LĐTBXH huyện Buôn Đôn chi trả trợ cấp và các chế độ khác với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng. 

Ông Lê Hữu Tủng (người bên trái) và ông H.V.N cùng tố cáo ông Kh làm hồ sơ thương binh giả.
Ông Lê Hữu Tủng (người bên trái) và ông Tâm cùng tố cáo ông Nam làm hồ sơ thương binh giả.

Đơn giản hơn, hai người bán hàng rong vào nhà Nguyễn Xuân Tuế (trú xã Ea Pal, huyện Ea Kar), thấy tấm ảnh của Tuế trong trang phục quân nhân nên “chào hàng” hồ sơ thương binh giả với giá 14 triệu đồng/bộ (gồm quyết định phục viên, giấy chứng nhận bị thương). Tuế lấy 1 bộ để sử dụng, rồi lấy thêm 2 bộ cho Hồ Khắc Thân và Lê Xuân Hội - trú cùng xã Ea Pal. Với những hồ sơ giả, từ tháng 9/2013 - 5/2014, họ đã đoạt của Nhà nước 178 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, các trường hợp trên là làm giả TBBB mà trước đó chưa được hưởng chế độ. Dạng thứ hai là giả hồ sơ đang hưởng chế độ từ một tỉnh, thành nào đó rồi chuyển vùng.

Còn bao nhiêu thương binh giả?

Tính từ năm 2012 đến nay, tòa án các cấp đã xét xử 54 trường hợp, thu hồi hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng.

Ông Nguyễn Tấn Lượng - cán bộ Phòng Người có công, Sở LĐTBXH Đắk Lắk - cho biết: “Ngày 13/2/2012, chúng tôi tiếp nhận một hồ sơ chuyển vùng từ Hà Nam vào Đắk Lắk, nhưng giấy giới thiệu lại ký ngày 20/2/2012. Sau khi xác minh, phát hiện một đường dây làm hồ sơ giả quy mô lớn nên chuyển công an xử lý, từ đó lộ ra nhiều vụ khác”.

Ông Lượng cho rằng, các hồ sơ giả được làm rất tinh vi, thậm chí giả chữ ký của Cục trưởng Cục Người có công nên khó phát hiện.

Theo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, trước năm 2013, việc làm hồ sơ TBBB giả khá dễ dàng do quy định rất đơn giản. Khi tiếp nhận một hồ sơ, nơi tiếp nhận chỉ cần lập danh sách kèm 1 quyết định, 1 phiếu trợ cấp chuyển về Cục Thương binh liệt sĩ và Người có công thuộc Bộ LĐTBXH lưu theo dõi. 

Để bịt kẽ hở này, Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định rõ hơn trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận. Theo đó, ngoài việc kiểm tra các thủ tục theo quy định, nơi tiếp nhận phải thông báo đến sở LĐTBXH nơi chuyển đi để kiểm tra, đối chiếu. Vấn đề còn lại là ngành LĐTBXH phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình nói trên.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi

http://laodong.com.vn/xa-hoi/den-tan-nha-tiep-thi-ho-so-lam-thuong-binh-gia-342822.bld

Theo Đặng Trung Kiên/Lao Động

Bạn có thể quan tâm