Hexoskin vừa phát triển một loại áo có khả năng truyền tín hiệu đến smartphone, thu thập mọi dữ liệu về nhịp thở, nhịp tim và cử động của người mặc. Tất cả được thực hiện ngay cả khi người dùng ngủ.
Khi thực dậy, điện thoại của bạn hiển thị một bảng đủ sắc màu, cho biết khi nào tim đập nhanh, lượng calorie tiêu thụ hay khi nào nhịp thở của bạn đạt mức độ thư giãn cao nhất.
Áo phông của Hexoskin có khả năng thu thập mọi thông tin cần thiết về hoạt động thường ngày của người dùng. Ảnh: Cnet. |
Ngày nay, cảm biến sinh trắc học được tích hợp trên mọi thứ bạn mặc thường ngày – từ áo phông, quần short, mũ, giày... Những chiếc áo, mũ như vậy có giá không hề rẻ. Chẳng hạn, áo phông Hexoskin có giá khoảng 400 USD. Với nhiều người, đây là mức giá điên khùng nhưng với một số khác – đặc biệt các vận động viên thể thao chuyên nghiệp – thông tin chúng ghi lại có thể rất đáng giá.
“Chiếc áo này thu thập dữ liệu mà bạn không thể kiếm ở bất cứ đâu”, Pierre-Alexandre Fournier – CEO kiêm đồng sáng lập của Hexoskin (Montreal, Mỹ) cho hay.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cảm biến công nghệ, của những thiết bị thông minh, từ smartphone, tablet, đồng hồ, cho đến quần áo giày dép.
Polo Tech sắp cho ra mắt một mẫu áo mùa hè có khả năng theo dõi khoảng cách, cường độ tập luyện, mức độ hồi phục cơ bắp của người mặc. Hay mẫu áo có tên Mimoonesie của Rest Devices có thể gửi dữ liệu về giấc ngủ, nhiệt độ, tư thế ngủ của trẻ nhỏ đến điện thoại của cha mẹ. Công ty sản xuất trang phục thể thao Trung Quốc 361 Degrees đang phát triển mẫu giày chạy bộ trẻ em tích hợp GPS.
Công ty có tên Emiota của Pháp thì phát triển một loại đai đeo thông minh tự động điều chỉnh để thích ứng với vòng eo người dùng. Nó thậm chí cung cấp tính năng có tên “phân tích xu hướng vòng eo”. Các công ty thời trang nuôi tham vọng cho ra các sản phẩm giúp người dùng cải thiện dáng đi của người mặc.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường quần áo thông minh khá khiêm tốn, theo IDC. Tuy nhiên, thị trường này sẽ thay đổi mạnh trong 4 năm tới: từ khoảng 200.000 đơn vị chiếc trên toàn thế giới lên khoảng 5,6 triệu chiếc vào năm 2019.
Để phổ cập các thiết bị này không dễ dàng. Trở ngại đầu tiên là giá cả. Ngoài ra, những sản phẩm này thường đồi hỏi các module cồng kềnh, có thể tháo rời để cấp nguồn cho các bộ cảm biến tích hợp trên quần áo. Không giống như đồng hồ thông minh: có thể cập nhật, tải ứng dụng, những bộ quần áo thông minh không hoàn toàn không thể nâng cấp khi người dùng đã mua.
Quần áo thông minh vẫn còn một số hạn chế nhưng sẽ phát triển nhanh chóng sau khoảng 4 năm nữa. Ảnh: Cnet. |
Không khó để hình dung, quần áo thông minh sẽ là xu hướng của tương lai bởi người dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe của họ. Quần áo thông minh cũng sẽ thông dụng hơn khi giá bán giảm, đồng thời nhà sản xuất tìm cách giảm kích cỡ các bộ nguồn.
Hiện nay, quần áo thông minh cũng giống như các bộ đồ chỉ dành cho người mẫu trên sàn catwalk: xinh đẹp, đắt tiền và chưa phù hợp với sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong tương lai “người dùng sẽ mặc quần áo thông minh và coi nó như một bộ quần áo thông thường”, CEO của Hexoskin nhận định.