Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đêm Trung thu là kinh nghiệm cho Hà Nội khi nới lỏng giãn cách

Theo chuyên gia dịch tễ, trong giai đoạn sắp tới, Hà Nội sẽ cần chủ động hơn khi đưa ra được những biện pháp kiểm soát và cảnh báo sự lây lan của dịch.

Ngày 21/9, Tết Trung thu cũng đồng thời là ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách sau 2 tháng siết chặt quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận của phóng viên, các con đường hướng về trung tâm thành phố trong đêm 21/9 tràn ngập người và xe. Cảnh tượng ùn tắc cũng kéo dài trên nhiều tuyến phố.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định tình trạng này tạo ra nguy cơ rất lớn khi Hà Nội vẫn đang trong trạng thái có dịch.

Khó trách người dân

PGS Hùng giải thích: “Thực tế tại Hà Nội cho thấy chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát F0 ngoài cộng đồng. Trong khi đó, hầu hết người dân mới chỉ được tiêm một mũi vaccine Covid-19. Trẻ em, người dưới 18 tuổi cũng chưa được tiêm chủng”.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu, thậm chí tổ chức ăn uống đông người, vi phạm quy định giãn cách của thủ đô trong thời điểm này là rất nguy hiểm.

nguy co dich covid-19 tai ha noi dem trung thu anh 1

Dòng xe ùn tắc kéo dài trên phố Đinh Tiên Hoàng trong đêm Trung thu ngày 21/9. Ảnh: Phạm Hà.

“Những hoạt động tụ tập đông người tự phát thuộc về ý thức của người dân, chính quyền cần có sự kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp hàng vạn người Hà Nội đổ ra đường trong đêm Trung thu vừa diễn ra, chúng ta sẽ không có cách nào để xử phạt được”, ông Hùng nói.

PGS Hùng cho rằng thành phố cũng không thể trách người dân bởi chính quyền cần có những biện pháp chủ động kiểm soát dịch, cảnh báo từ trước thay vì để tới lúc biến cố xảy ra mới nghĩ đến nguy cơ.

“Hà Nội chỉ đang nới lỏng từ việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống Chỉ thị 15. Do đó, chúng ta vẫn cần có những biện pháp kiểm soát mở rộng, tránh tâm lý chủ quan gây mất an toàn trong cộng đồng”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định.

Giải pháp nới lỏng từng bước

Theo PGS Hùng, Hà Nội ở thời điểm này cần có chính sách nới lỏng từng bước rõ ràng và đưa ra biện pháp mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất cụ thể dựa trên những căn cứ khoa học.

“Những khu vực ít nguy cơ, người có nguy cơ thấp cần được ưu tiên dỡ bỏ giãn cách trước. Thành phố cũng cần tránh tình trạng nới lỏng theo hình thức, yêu cầu thủ tục hành chính không cần thiết”, vị chuyên gia này nói.

Ông Hùng lấy ví dụ thành phố có thể tạo điều kiện cho những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc trường hợp từng mắc Covid-19 khỏi bệnh, người có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV hoạt động ở địa điểm ngoài trời trước.

nguy co dich covid-19 tai ha noi dem trung thu anh 2

Lực lượng công an phường Tràng Tiền dùng loa nhắc nhở, yêu cầu người dân giải tán trong đêm 21/9. Ảnh: Việt Linh.

“Chúng ta hoàn toàn có thể quản lý việc đó bằng thẻ cập nhật trên sổ sức khỏe điện tử mà không cần xin xác nhận của phường, xã...”, vị chuyên gia này gợi ý.

Trong khi đó, những trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện nói trên buộc phải có kết quả xét nghiệm để vào làm việc và hoạt động tại khu vực có nguy cơ. Ngược lại, ở khu vực nguy cơ thấp, những người này có thể đi lại, hoạt động bình thường nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu.

“Việc làm này cũng tương tự nhân viên y tế khi tham gia chống dịch tại khu vực nguy cơ cao phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 trước đó”, PGS Hùng giải thích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Hà Nội cần tránh tình trạng kiểm soát quá cứng nhắc, yêu cầu thủ tục hành chính không cần thiết trong bối cảnh thành phố nới lỏng giãn cách. Ông Hùng nêu một số ví dụ về người dân tập thể dục, nông dân làm ruộng..., sẽ không cần yêu cầu thủ tục quá nhiều.

Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội kết luận: “Trong tình hình hiện này, bản thân người dân vẫn cần chủ động tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế để phòng tránh lây nhiễm nCoV, gây nguy cơ bùng phát dịch thiếu kiểm soát. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng phải có trách nhiệm giám sát, không để xảy ra những tình huống đáng tiếc như vừa qua. Chỉ khi quản lý tốt người có nguy cơ thấp gây lây lan dịch, chúng ta mới có thể chủ động mở rộng nới lỏng giãn cách”.

Khu vực nào có nguy cơ lây lan virus khi nới lỏng giãn cách? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, để sống chung an toàn với Covid-19 thời gian tới, người dân sẽ cần lưu ý về độ bao phủ vaccine tại những nơi mình đi đến.

Một thợ cắt tóc tại Hà Nội nhiễm nCoV

Nam bệnh nhân nghỉ dịch tại nhà 3 tháng. Sau đó, người này được anh rể đón về nhà ở Hà Đông.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm