Bình luận
Cũng trên sân khấu “Công viên các hoàng tử” gần 2 năm về trước, MU đã tạo nên màn lội ngược dòng đánh bại PSG 3-1 để giành vé vào tứ kết Champions League 2018/19.
Để rồi vẫn ở Paris hôm nay, giữa bộn bề nghi ngờ, MU lại viết nên bản hùng ca cho riêng mình lần thứ 2. Paris vẫn luôn là kỷ niệm đẹp với những người Manchester United.
Người hùng của 2 năm trước trong cú penalty quyết định đánh bại Gianluigi Buffon, lại thêm một lần nữa làm người hùng trong pha ra chân tuyệt đẹp để đánh bại Keylor Navas.
Màn trình diễn của Rashford
Sẽ không ai xứng đáng làm giọng ca chính hơn Rashford trong bản hùng ca này, và cũng chẳng ai đẹp hơn Rashford cho câu chuyện hôm nay. Rashford chính sản phẩm ưu tú nhất mà lò đào tạo trẻ của MU sản xuất ra trong hơn thập niên qua, chỉ riêng điều đó thôi đã là niềm tự hào.
Từ cậu bé của lò đào tạo Carrington không ai biết đến, một chàng thanh niên bận đi làm bài kiểm tra dù đã được Luis van Gaal phát hiện, cho đến Marcus Rashford vạn người biết tới của hôm nay. Đấy là hành trình dài của sự đi tìm vinh quang thể thao.
Juan Mata, Ander Herrera đến Paul Pogba, điều đầu tiên mà những cầu thủ này nhắc đến Rashford đó là hai chữ “Tự tin”. Tất cả đều nhận xét trong con người Rashford mang sự tự tin vô cùng to lớn.
Chỉ có sự tự tin và biết rõ giá trị bản thân, thì ở độ tuổi 20, Rashford mới dám nhận lãnh nhiệm vụ sút quả penalty quyết định cho tấm vé vào tứ kết của MU ở phút 90, cũng chỉ có ở sự tự tin thì anh mới dám đi bóng và dứt điểm như thế vào lưới Navas hôm nay. Đấy là sự tự tin được hun đúc bằng cả lịch sử Manchester United của con người đã lớn lên bằng hơi thở “cây nhà lá vườn” Manchester United.
Đó vẫn là Manchester United. Họ đã đến Paris với việc mất 5 cầu thủ, đã đến Paris với những đồn đoán về chuyện “đi dễ khó về”, đã đến Paris để nhận ra những nụ cười che miệng về cái gọi là thảm bại đang đón đợi. Thế nhưng, những diễn biến trên sân đã biến mọi dự đoán thành trò cười.
MU chơi hay hơn, tạo ra nhiều cơ hội phản công có tính sát thương cao hơn, và chiến thắng bằng một lối chơi hợp lý hơn. PSG chỉ gây nguy hiểm cho David de Gea bằng những cú sút xa, và có bàn gỡ hòa bằng pha phản lưới nhà, còn MU không chỉ có 2 bàn thắng mà còn rất nhiều lần sở hữu những pha thoát xuống vô cùng nguy hiểm.
Có một thống kê sau trận đáng để ta suy ngẫm. Theo đó, PSG kiểm soát bóng lên tới 58% (MU là 42%), chuyền 546 đường chuyền (con số này về phía MU là 372), nhưng các cầu thủ MU đã chạy nhiều hơn PSG tới 6 km trong trận này, có số lần tắc bóng nhiều gấp đôi bên phía đối thủ. Manchester United quyết tâm hơn PSG trong trận đấu này.
Manchester United hạ PSG 2-1 với lối chơi phòng ngự kỷ luật. Ảnh: Getty. |
Man United vẫn còn nhiều bất ổn
Paris hoa lệ của 2 năm trước đã giúp Ole Solskjaer thử việc thành công và đi đến bản hợp đồng chính thức. Paris hoa lệ của 2 năm sau khiến giới mộ điệu tự hỏi về chân dung thật sự của ông thầy người Na Uy.
Solskjaer là ai? Là kẻ bất tài ăn may hay là một “chân nhân bất lộ tướng”? Là thiên tài dụng người bằng nghệ thuật im lặng hay chỉ là kẻ bất lực trong việc quản lý phòng thay đồ? Là một con tắc kè hoa chiến thuật hay chỉ là bù nhìn để mặc cho cầu thủ đá và xếp quân nhờ sự tham vấn của các trợ lý? Cho đến tận bây giờ sau chừng đó thời gian, người ta vẫn chẳng biết xếp Solskjaer vào đâu.
Sau một trận cầu thất vọng, ông lại tạo nên những trận cầu đầy hy vọng. Sau những trận đấu tấu hài, lại tạo nên những bản hùng ca. Và cứ thế, cứ thế duy trì được chiếc ghế sau bao phong ba.
Ngay kể cả hôm nay, bàn thua của MU cũng thật sự là tấu hài theo ngôn ngữ mạng. Không thể tin nổi một bàn phản lưới nhà mà lại “mẫu mực” đến thế. Đấy là pha bật cao đánh đầu lái bóng ở góc hẹp. Đấy có lẽ là thói quen của “tiền đạo” Martial. Chứ phòng ngự phá bóng thì phá lên thật cao, xa về phía khung thành chứ ai lại lái bóng như thế?
Chính bàn thua đó đã nói lên, thật sự Manchester United vẫn còn nhiều việc phải làm. Đội bóng này phải luôn duy trì được sự bình tĩnh trong mọi tình huống, chứ không thể dựa vào cảm xúc để tạo nên những trận đánh lớn. Bởi vì khi bạn dựa quá nhiều vào cảm xúc, cũng là lúc đánh dấu cho sự bại vong vào một ngày xấu trời khi cảm xúc chết đi.
Ban lãnh đạo MU cần có những kế hoạch dài hạn chứ không thể mãi “ăn xổi” và đưa luật sư đi mua cầu thủ, huấn luyện viên Solskjaer cần có bản sắc mang tên ông, và các cầu thủ phải luôn tĩnh như mặt hồ phẳng lặng để tạo nên các trận cầu đáng nhớ. Quá nhiều việc và quá khó, nhưng nếu cuộc đời bằng phẳng cả thì đâu tạo nên kẻ hào kiệt?
Bản hùng ca đã được viết tại Paris, bản hùng ca đã nói cho thế giới túc cầu giáo biết MU vẫn luôn là đội bóng hàng đầu. Tuy nhiên, MU của thời đại hôm nay cứ sau một khúc nhạc ngân cao, thì tiếp theo luôn là một nốt trầm. Liệu sau đêm nay MU có để nốt trầm quay trở lại Old Trafford, trong cuộc tiếp đón Chelsea cuối tuần này?