Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đem nghĩa xưa của tiếng Việt tới bạn trẻ

“Chữ xưa còn một chút này” chắt lọc những câu chuyện giản dị về từ vựng tiếng Việt và những góc nhìn văn hóa thông qua con chữ của tác giả Nguyễn Thùy Dung.

Buổi ra mắt sách Chữ xưa còn một chút này và giao lưu cùng tác giả Nguyễn Thùy Dung, diễn ra cuối tuần tại Đường sách TP.HCM.

Chu xua con mot chut nay anh 1

Tác giả Nguyễn Thùy Dung chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Nguồn: Wave Books.

Sách Chữ xưa còn một chút này tập hợp một số bài viết là những câu chuyện giản dị “be bé” về tiếng Việt và những góc nhìn văn hoá thông qua con chữ của tác giả Nguyễn Thùy Dung.

Những bài viết này được đăng trên fanpage “Ngày ngày viết chữ” do chính tác giả sáng lập từ năm 2017. Hiện, fanpage này có hơn 140.000 lượt thích, thu hút các bạn trẻ trong nước lẫn nước ngoài tham gia tìm hiểu, bàn luận về tiếng Việt.

Chữ xưa còn một chút này, như tên gọi của nó, là tìm về nét nghĩa xưa của một số từ ngữ trong tiếng Việt. Qua cuốn sách, tác giả muốn nhắn nhủ tới bạn đọc những vết tích xa xưa của tiếng Việt chỉ còn chút ít thôi, lại nhạt dần theo thời gian, nên cố gắng lưu giữ lại.

Sách gồm 100 mục từ được chia thành hai phần. Phần đầu giải nghĩa nguồn gốc một số từ Hán Việt. Phần sau nói về một số từ tiếng Việt hiện nay quen dùng nhưng lại không rõ nghĩa hoặc bị lạm dụng; hoặc các từ đã mờ nghĩa hay mất nghĩa so với ý nghĩa ban đầu.

Mặc dù hướng đến việc giải thích các từ, nhưng Chữ xưa còn một chút này không phải cuốn từ điển truyền thống, mà chỉ chọn lấy những từ được dùng phổ biến để phân tích, thêm cách trình bày mỹ thuật để tạo điểm nhấn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, tác giả Thùy Dung cũng đã phải đọc, tìm hiểu qua nhiều từ điển như Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam tự điển (1954) của Hội khai trí Tiến Đức, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu...

Chu xua con mot chut nay anh 2

Sách Chữ xưa còn một chút này. Nguồn: ngayngayvietchu.com.

Chia sẻ tại buổi mắt sách, Thùy Dung cho biết khoảng năm 2016, khi làm trong ngành quảng cáo, marketing, Thùy Dung có nhiều bài đăng ở nhiều nơi, trong số đó có các bài viết về tiếng Việt được nhiều người quan tâm.

Với suy nghĩ đơn giản là gom lại các bài viết này về một chỗ, Thùy Dung đã lập ra blog. Đến năm 2017, nữ tác giả lập ra fanpage Ngày ngày viết chữ và bắt đầu con đường “kể những câu chuyện giản dị về tiếng Việt”.

Chia sẻ lý do biên soạn sách Chữ xưa còn một chút này, tác giả cho biết ngành Việt ngữ học ở nước ta rất phát triển và chúng ta không hề thiếu thốn về tài liệu về ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, điều chúng ta thiếu về cách/ phương pháp tiếp cận.

Vì thế, nữ tác giả đã tổng hợp, trình bày cuốn sách một cách gọn gàng, không nặng nề tính hàn lâm, nhằm hướng tới bạn đọc trẻ, giúp giới trẻ có thêm tình yêu với tiếng Việt.

Trong cuốn sách, Thùy Dung đã thêm chuyên mục Thử thách chút chơi” gồm những khảo sát về chính tả. Những thử thách này vừa mang tính giải trí, vừa giúp bạn đọc dễ dàng hiểu, nhận biết những lỗi chính tả thường gặp và biết cách sử dụng đúng.

Chị cũng hy vọng, qua cuốn sách người đọc sẽ hiểu hơn nguồn gốc của một số từ, một số ngữ vốn đã quen dùng để áp dụng vào công việc và trong cuộc sống.

Tuy nhiên, với tinh thần “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” (sách không nói hết lời, lời không diễn hết ý), có rất nhiều điều không thể nói hết trong một cuốn sách, tác giả mong muốn bạn đọc sẽ mở rộng, tìm hiểu thêm các sách vở khác để tăng vốn hiểu biết của mình.

Tìm hiểu từ Củ Chi là gì qua sách Từ nguyên

Được độc giả nhớ mặt, quen tên qua chuyên mục giải đáp kiến thức "Chuyện Đông chuyện Tây" trên báo Kiến thức ngày nay, học giả An Chi lại vừa tái ngộ độc giả qua sách Từ nguyên.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm