Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở đảo Huyền Trân (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Vào 7h sáng nay vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bến Tre khoảng 300km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Dự báo đường di chuyển của Áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTU. |
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 1h ngày 13/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sóc Trăng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Đến 7h ngày 13/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.
Ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm, có nơi cao hơn 200 mm) và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Từ đêm nay (12/12), khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Sóc Trăng có gió giật mạnh cấp 6-7.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, từ sáng 14/12 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m.
Từ ngày 14-17/12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200 mm), riêng Quảng Nam đến Phú Yên có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Ảnh hưởng của kỳ triều cường và mưa to do áp thấp nhiệt đới khiến mực nước trên các sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ lên và đạt đỉnh vào giữa tuần, nguy cơ xảy ra tình trạng ngập trên nhiều tuyến đường ở khu vực TP.HCM.
Chiều 11/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM yêu cầu UBND huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các điểm xuất bến, các khu neo đậu tàu thuyền từng xã - thị trấn.
Các lực lượng, đơn vị tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia khi cần thiết.
Ban Chỉ huy cũng giao Sở Giao thông Vận tải, Công an TP.HCM kiểm tra các bến đò và phương tiện vận tải đường thủy, không được xuất bến khi có mưa to, gió lớn.