Khác với cảnh quan bên trên nhà hát (quận 1, TP HCM) đèn màu lấp lánh và tấp nập xe cộ đi lại, bên dưới tầng hầm chỉ có bùn, đất và ánh sáng đèn trắng. Khoảng 100 công nhân đang tất bật làm việc.
Dưới độ sâu khoảng 4m, từng tốp công nhân đảm nhận những công việc khác nhau. Gần giữa hầm, công nhân Đặng Thanh Long (30 tuổi) đang nhịp nhàng chuyền những thanh đà sắt cho công nhân khác là Trần Quốc Khải (55 tuổi).
Việc thi công dưới lòng đất khiến việc đi lại của các công nhân gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. |
Hơn 20 công nhân khác đang tập trung bên khung sắt lớn. Vài nam công nhân chui hẳn vào lồng khung để chỉnh lại thanh sắt, thanh đà.
Có khi anh em cùng nhau luồn thanh đà vào khung sắt, không để ý nên bị trật nhịp, lúc đó họ phải lấy ra luồn lại, có một người đứng phía trên quan sát chỉ đạo cho nhóm phía dưới kịp chỉnh lại.
Tốp công nhân nữ không phải làm những việc nặng này. Việc chủ yếu của họ là “bô” sắt, tức dùng kẽm cột chặt những thanh sắt trên giàn khung.
“Làm cái này phải cẩn thận, sơ sẩy chút là sắt đè lên tay đau buốt” - công nhân Nguyễn Thị Diễm Thúy (25 tuổi) xuýt xoa nhớ lại lần tay bị đau do bất cẩn.
Sau chừng một giờ làm việc, họ tranh thủ đứng bên những ống khí oxy để được... mát hơn một chút. Những cô công nhân tuổi đôi mươi quệt vội giọt mồ hôi, cười khúc khích đùa giỡn với nhau. Tiếng cười hiếm hoi đó phả một làn không khí nhẹ nhõm cho những gương mặt mỏi mệt.
Một máy xúc đất đậu sẵn dưới tầng ngầm để đưa đất ra ngoài. |
Ông Ngô Quang Ngại, quản lý an toàn dự án metro số 1, nói: “Công nhân phải đeo khẩu trang có than hoạt tính để lọc chất độc, mặc áo bảo hộ có phản quang. Nón bảo hộ phải có tem dán đã huấn luyện về điều kiện an toàn khi làm việc dưới hầm.
Mỗi ngày có khoảng 100 công nhân nhưng chúng tôi có 12 người thuộc bộ phận an toàn làm việc. Cuối tuần chủ đầu tư và nhà thầu sẽ đến kiểm tra tiêu chuẩn an toàn lao động. Mỗi tháng chúng tôi phải báo cáo về số giờ làm việc an toàn của công nhân”.
Ngoài kiểm tra an toàn, công trình còn có bộ phận quan trắc phát hiện những “động tĩnh” của các tòa nhà, mạch nước ngầm gần công trường.
Trên tầng hai của văn phòng công trình làm bằng thùng xe container, năm kỹ thuật viên đang ngồi xử lý số liệu quan trắc do các kỹ thuật viên khác đi đo đạc ở các tòa nhà gần đó đưa về.
Kỹ thuật viên Âu Tấn Hậu nói rằng công trình này còn sử dụng thiết bị quan trắc tự động của Đức và Singapore, được gắn trên hai tòa nhà cao trong khu vực và truyền dữ liệu về cho kỹ thuật viên 24 lần mỗi ngày.
Công nhân Trần Văn Hiếu (42 tuổi) cho biết làm trong không khí công trường khẩn trương, ông cũng cảm nhận được rồi đây tuyến metro hoàn thành sẽ đem lại sự đổi thay rất lớn. “Con tui học cấp III dưới quê. Tôi ráng làm lo cho cháu vô được đại học. Mai mốt tụi con nít sẽ đi trên mấy xe lửa trên cao này. Tui nghĩ tới chuyện đó cũng thấy hay lắm” - ông nói.
Ánh đèn chiếu xuống công trường từng mảng tối sáng. Nơi miệng “hố” thi công, vài công nhân khi đứng nghỉ tay đã ngước nhìn lên tòa cao ốc phía bên kia đường. Nơi đó ánh đèn luôn lấp lánh. Họ từ các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An... lên Sài Gòn làm đủ việc để kiếm sống, chưa một lần biết đến sự hào nhoáng của thành phố này.
Nhiều người trong số họ không biết metro là gì, chỉ mơ hồ nghe nói là xe lửa chạy trên cao. Nhưng bàn tay của họ đang thầm lặng góp phần xây nên diện mạo mới của thành phố.
Máy bơm ôxy luôn hoạt động để cung cấp đủ oxy cho các công nhân làm việc dưới lòng đất. |