“Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là tôi sẽ không thể hoàn thành hai cuộc phỏng vấn cuối cùng cho bài báo cuối cùng của mình”, một nhà báo kỳ cựu của Apple Daily nói với South China Morning Post hôm 23/6. “Chúng tôi đã trải qua trạng thái tâm lý tồi tệ khi được khuyên không đến tòa soạn để tránh sự truy quét của cảnh sát”.
“Điều đáng buồn là, khi cảnh sát khám xét tòa soạn tháng 8/2020, tôi biết ngày này sẽ đến”, một nhân viên khác nói. “Cái kết này thật buồn thảm, khi nguyên nhân không phải chất lượng tin tức hay sự đào thải của thị trường”.
Một nhà báo cho biết cô hiểu tại sao đồng nghiệp của mình muốn đóng cửa tờ báo sớm hơn dự tính, sau các vụ bắt giữ liên tiếp nhằm vào quan chức cấp cao của tờ báo.
“Không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có những vụ bắt giữ để buộc chúng tôi phải đóng cửa sớm”, người này nói. Cô cũng nhận thấy tờ báo khó có thể hoạt động khi nhiều nhân viên đã rời đi.
Cái kết của tờ báo
Nửa đêm ngày 23/6, nhiều người Hong Kong vẫn đổ ra đường. Họ muốn có trong tay ấn bản cuối cùng của Apple Daily.
11h45 tối 23/6, khi hàng dài người đang xếp hàng trước các sạp báo, quyền tổng biên tập Lam Man-chung nói những lời cuối cùng trong tiếng vỗ tay của nhân viên. Máy in đã bắt đầu in ấn bản cuối cùng của tờ báo. Số lượng báo in số này là một triệu bản.
Bên ngoài tòa nhà, một số người biểu tình mặc đồ đen hô to “Quang phục Hong Kong, cách mạng của thời đại chúng ta”. Đây là câu nói phổ biến của những người biểu tình chống chính phủ năm 2019.
Tổng biên tập Lam Man-chung rà soát lần cuối ấn bản cuối cùng của Apple Daily. Ảnh: South China Morning Post. |
Tại khu Mong Kok, hàng trăm người xếp hàng từ 22h trước các sạp báo. Cảnh tượng tương tự được ghi nhận ở nhiều khu vực khác ở Hong Kong.
Bà Michelle Man, chủ một sạp báo trên đường Argyle, cho biết bà đặt 8.000 tờ Apple Daily, nhiều hơn so với thường lệ. Bà đặt tấm biển “Apple Daily đến lúc 1h30” trước cửa sạp báo, nơi có hàng chục người đứng xếp hàng.
Tối ngày 23/6, toàn bộ nhân viên của tờ Apple Daily làm việc hết công suất để phát hành ấn bản cuối cùng trước nửa đêm, theo quyết định nội bộ của tờ báo này. Khi máy in bắt đầu hoạt động, họ ôm lấy nhau.
Bà Chan Pui-man, một trong những người bị cảnh sát bắt giữ ngày 17/6, cảm ơn nhân viên và những người ủng hộ bên ngoài tòa báo. Bà cũng tuyên bố từ chức kể từ ngày 24/6.
Trước khi ngừng hoạt động, tờ báo đã chịu tác động nặng nề khi hàng hoạt nhân viên từ chức hoặc xin nghỉ việc. Tuy vậy, một số người vẫn ở lại để chứng kiến thời khắc cuối cùng của tờ báo. Một số người Hong Kong gửi họ đồ ăn trong ngày làm việc cuối cùng.
Bà Tammy Cheung, Phó tổng biên tập phụ trách mảng Trung Quốc của Apple Daily, cho biết 30 nhân viên dưới quyền mình đều quyết định ở lại. “Tôi ở lại vì đây là công việc của tôi. Tôi muốn kết thúc nó một cách chuyên nghiệp”, bà Cheung nói.
Icy, một nhà báo đã làm việc cho Apple Daily 5 năm, khóc khi nghe thông tin tờ báo sắp đóng cửa. “Lúc đó, tôi đang viết bài báo chia tay độc giả. Tôi không thể ngừng khóc. Đây không chỉ là nơi tôi làm việc. Đây là nhà của tôi”.
Cảnh sát giao thông được điều động đến tòa soạn để đảm bảo trật tự và điều tiết giao thông, khi người của các cơ quan báo chí khác tập hợp ở đây để đưa tin.
Những người ủng hộ với ấn bản cuối cùng của tờ Apple Daily trên tay. Ảnh: South China Morning Post. |
Khoảng 0h20 sáng 24/6, nhân viên của Apple Daily bắt đầu rời khỏi tòa soạn. Họ chụp ảnh, vẫy tay và phân phát báo miễn phí cho những người ủng hộ. Phóng viên của các báo khác được mời vào bên trong tòa soạn để chứng kiến tờ báo cuối cùng được in ra.
Trang nhất của tờ báo là hình ảnh một người ủng hộ vẫy tay về hướng tòa soạn và dòng chữ “Người Hong Kong tạm biệt một cách đau đớn dưới mưa - Tôi ủng hộ Apple Daily”.
Tại sao Apple Daily bị đóng cửa?
Apple Daily phải đóng cửa sau khi hàng loạt quan chức cấp cao của tờ báo bị cảnh sát bắt giữ, trong khi tài sản bị niêm phong.
Mới đây nhất, ngày 23/6, Yeung Ching-kee, cây bút xã luận chính với bút danh “Li Ping” của Apple Daily, bị cảnh sát bắt giữ. Theo cảnh sát Hong Kong, kể từ khi luật an ninh quốc gia được ban hành, ông Yeung có ít nhất 5 bài viết thuộc diện bị điều tra.
Trong những bài viết này, ông Yeung kêu gọi chính phủ nước ngoài trừng phạt Hong Kong.
Ông Yeung chưa bị cáo buộc tội danh nào, nhưng bị giữ lại để thẩm vấn. Cảnh sát đang cố gắng xác định hai cây bút khác liên quan đến vụ việc.
Vụ bắt giữ này xảy ra chưa đầy một tuần sau khi 5 quan chức cấp cao của tờ báo, bao gồm Tổng biên tập Ryan Law Wai-kwong và CEO Cheung Kim-hung bị bắt giữ. Hai người này bị cáo buộc tội danh “cấu kết với thế lực nước ngoài” và vẫn bị tạm giam, trong khi ba nhân vật còn lại được cho tại ngoại.
Theo thông báo ban đầu từ hội đồng quản trị Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily, hôm 23/6, tờ báo này sẽ đóng cửa và phát hành bản in cuối cùng vào ngày 26/6. Tuy vậy, thời gian đóng cửa tờ báo được đẩy sớm, dựa trên quyết định nội bộ. Ấn bản điện tử của tờ Apple Daily cũng ngừng hoạt động từ ngày 24/6.
Tổng biên tập Ryan Law Wai-kwong bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ hôm 17/6. Ảnh: South China Morning Post. |
Apple Daily là tờ báo đầu tiên ngừng hoạt động sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong tháng 6/2020.
Có xu hướng chống lại chính quyền Hong Kong, Apple Daily được ông trùm truyền thông Jimmy Lai thành lập năm 1995. Ông Jimmy Lai bị bắt giữ trước đó và đang phải chấp hành án tù do tham gia một cuộc tụ họp trái phép vào năm 2019.
Liên minh châu Âu (EU) coi việc Apple Daily ngừng hoạt động là bằng chứng cho thấy luật an ninh quốc gia đang được sử dụng để “kìm hãm quyền tự do báo chí và quyền tự do bày tỏ ý kiến”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tố cáo chính quyền Hong Kong sử dụng luật an ninh quốc gia để “chặn mọi tiếng nói đối lập”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hong Kong Ronson Chan Ron-sing, việc tờ Apple Daily bị đóng cửa khiến hàng nghìn lao động trong ngành công nghiệp báo chí mất việc làm.
Tuy vậy, giáo sư Song Sio-chong tại Đại học Thâm Quyến cho biết một số bài viết trên Apple Daily thể hiện khuynh hướng chính trị rõ ràng và bị cho là vi phạm Luật cơ bản Hong Kong và nguyên tắc “ một quốc gia, hai chế độ”.
“Một số bài viết có thể được xem là hành động lật đổ nhà nước”, giáo sư Song nói.