Ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo đình chỉ xây dựng công trình khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Ông Phát cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp thành lập ngay đoàn thanh tra, làm rõ vi phạm tại công trình resort trái phép, báo cáo về bộ trước ngày 4/3.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì (thuộc Bộ NN&PTNT) thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì đã nhận của Công ty TNHH Phát triển công nghệ 8 tỷ đồng và “góp” 53 ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa với thời hạn 50 năm.
Khu nghỉ dưỡng được quảng cáo 4 sao mang tên Le Mont Bavi Resort & Spa xây dựng không phép ngang nhiên hiện diện giữa Vườn Quốc gia Ba Vì. |
Cả khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi được hình thành trong Vườn quốc gia Ba Vì, ngay cạnh khu di tích lịch sử cách mạng, cứ điểm cao 600, không phải xây dựng “chui” mà được sự cho phép của Vườn quốc gia Ba Vì.
Việc cho phép xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi còn có lợi ích kinh tế mà vườn quốc gia được hưởng sau khi góp đất cho doanh nghiệp. Cụ thể thay vì bảo vệ rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Ba Vì, Ban giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ.
Hợp đồng liên kết được ký theo dạng Vườn quốc gia Ba Vì “góp” hơn 53 ha đất rừng cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi, đổi lại Vườn quốc gia Ba Vì nhận 8 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Thời hạn liên kết kinh doanh được tính 50 năm từ ngày 10/9/2011 đến 10/9/2061.
Hợp đồng cũng thể hiện rõ: Vườn quốc gia Ba Vì sẽ bàn giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ quyền bảo vệ và quản lý... rừng và đất lâm nghiệp với diện tích hơn 53 ha, đổi lại về nghĩa vụ tài chính công ty có trách nhiệm trả cho vườn “phí đóng góp ban đầu” là 200 triệu đồng.
Tương tự, trong thời gian bên doanh nghiệp xây dựng tiếp tục có trách nhiệm trả cho Vườn quốc gia Ba Vì khoản “đóng góp để bù đắp” với số tiền 300 triệu đồng. Tiếp nữa trong thời gian liên kết 50 năm, hợp đồng thể hiện rõ mỗi năm doanh nghiệp phải đóng góp cho Vườn quốc gia Ba Vì 150 triệu đồng, tổng số tiền vườn quốc gia được hưởng trong 50 năm là 7,5 tỷ đồng.
Chưa hết, những chi tiết trong điều khoản hợp đồng còn thể hiện rõ việc góp đất rừng cho doanh nghiệp có nhiều lợi ích kinh tế mà Vườn quốc gia Ba Vì được hưởng, chỉ có diện tích đất rừng bị mất và giảm.
Không chỉ có khu vực cao độ 600-700 đã được Vườn quốc gia Ba Vì liên kết với doanh nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Hữu Thế - Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì - thừa nhận cả khu vực cao độ 400 với diện tích 60 ha cũng đã liên kết với doanh nghiệp để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Theo ghi nhận, trên phần đất này có hàng chục công trình kiên cố đã được xây dựng từ nhiều năm qua, trong đó có cả những công trình xây mới như biệt thự.
“Khu cao độ 400 thì liên kết theo kiểu khác, khu này mình còn có cả cơ sở vật chất để góp vào liên kết làm du lịch, khu cao độ 600-700 thì mình chỉ góp đất, còn tiền xây dựng là của doanh nghiệp” - ông Thế lý giải.
Không giấy phép xây dựng, không tham vấn địa phương
Trả lời Tuổi trẻ, ông Đỗ Hữu Thế cho biết khu vực liên kết nằm trong phân khu hành chính dịch vụ I của Vườn quốc gia Ba Vì, đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết.
“Khu vực này đã xây dựng được mấy năm rồi. Việc hợp đồng liên kết giữa vườn với doanh nghiệp để kết hợp phát triển du lịch với phát triển rừng. Việc này đã được Bộ NN&PTNT cho chủ trương liên kết chứ không phải không phép hoàn toàn” - ông Thế nói.
Khi được hỏi khu vực xây dựng đã được cấp phép xây dựng chưa, ông Thế nói: “Khu vực xây dựng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết rồi nên không phải xin cấp phép xây dựng”.
Vị trí khu Le Mont Bavi Resort & Spa trên bản đồ Vườn Quốc gia Ba Vì. |
Theo ông Thế, việc xây dựng các khu nhà nghỉ dưỡng bắt đầu từ năm 2014, sau thời điểm Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I Vườn quốc gia Ba Vì. Tuy nhiên, theo hợp đồng liên kết giữa Vườn quốc gia Ba Vì và doanh nghiệp, thời gian mở mang xây dựng khu nghỉ dưỡng lại được ghi từ năm 2008 - 2011.
Ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, khẳng định “chưa lần nào huyện được lấy ý kiến về việc xây dựng khu nghỉ dưỡng này”. “Đất xây dựng nằm trong vườn quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT quản lý.
Tất cả đất đai cũng thuộc vườn quốc gia quản lý. Trước nay họ làm gì đều là thẩm quyền của họ, huyện không có thẩm quyền gì ở chỗ ấy. Vì đất đó không thuộc huyện quản lý nên họ xây dựng mình cũng đâu có quản lý gì được về trật tự xây dựng.
Họ làm thế nào họ đâu có báo cáo nên huyện không biết việc này, vì khu vực đó ở trên núi được bảo vệ nên người dân không vào được để mà biết” - ông Tiến cho hay.
Trong khi đó, thượng tá Hoàng Văn Quy, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết, các cơ quan chức năng của quân đội đã vào cuộc kiểm tra. “Mức độ vi phạm như thế nào sẽ được kết luận sau, còn việc có báo cáo trước khi xây dựng khu nghỉ dưỡng này hay không thì khẳng định không hề có” - ông Quy cho hay.
Chủ đầu tư thừa nhận chưa hoàn thiện hồ sơ
Ngày 28/2, tại cuộc làm việc với báo Lao động, ông Lương Ngọc Anh - Giám đốc Cty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD), chủ đầu tư dự án Le Mont Bavi Resort & Spa đã thừa nhận rằng, công trình của mình “còn thiếu một số giấy tờ mới có thể hoàn thiện hồ sơ”.
Ông Lương Ngọc Anh cho biết, từ những năm 30 thế kỷ XX, người Pháp đã xây một khu nghỉ dưỡng cao cấp với cả trăm nền biệt thự còn lại đến ngày nay. Việc phục hồi một khu du lịch sinh thái là cần thiết. Để bắt tay vào xây dựng Le Mont Bavi Resort & Spa, CFTD đã tiến hành xin đầu tư dự án theo đúng chủ trương, đúng quy hoạch.
Ông Lương Ngọc Anh cho rằng, CFTD đã hoàn tất hồ sơ cần thiết, song đề án vẫn chưa được Bộ NN&PTNT thẩm định và phê duyệt. “Đây là sự chậm trễ ngoài ý muốn của doanh nghiệp” - ông nói.
Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, CFTD đã sai sót khi chưa hoàn tất hồ sơ, chưa được cấp phép đã đầu tư xây dựng. “Đây là sự nóng ruột của nhà đầu tư”, ông nói.
Ông cho rằng, chủ đầu tư thì luôn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án vốn đúng quy hoạch, đúng chủ trương. Việc liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn là chủ trương của Bộ, Bộ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đồng ý cho VQG và CFTD ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái (từ năm 2008) nhưng 8 năm sau vẫn chưa phê duyệt Đề án là quá chậm trễ.
Chính vì sự chậm trễ này, CFTD đã phải “kêu” lên Chính phủ. Và ông Ngọc Anh thông báo, ngày 13/1/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 344/VPCP-KTN gửi Bộ NN&PTNT và CFTD thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn Công ty thực hiện theo quy định. “Mọi việc cũng chỉ dừng ở đó” - ông Lương Ngọc Anh thở dài.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp kiểm tra xử lý
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2016, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có thông tin về việc xây resort 4 sao không phép ở Vườn Quốc gia Ba Vì.
Về hướng xử lý sự việc này, ông Định nói: “Theo Luật Bảo vệ phát triển rừng, việc quản lý và cho thuê bảo vệ môi trường rừng thuộc thẩm quyền của chủ rừng, chủ rừng là Vườn quốc gia Ba Vì. Vườn này thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã có văn bản giao cho Bộ kiểm tra xử lý. Nếu vấn đề gì cho phép được theo quy định pháp luật, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn các công ty, chủ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành”. Ông Định cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục nắm lại tình hình Bộ NN&PTNT và cung cấp thông tin trên.