Dù Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện vẫn tiếp diễn gây nhiều tai nạn thương tâm.
40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu, bia
Vụ tai nạn cách đây không lâu do tài tài xế Lương Duy Tân (SN 1980, trú tại TP Đà Nẵng) điều khiển ôtô BKS 43A - 505.82 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ đâm thẳng vào tiệm bánh mỳ làm 5 người bị thương khiến không ít người bàng hoàng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tài xế Tân có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,674 miligam/lít khí thở và dương tính với ma túy do có sử dụng thuốc lắc tại sinh nhật bạn vào tuần trước.
Trước đó, đêm 21/3, ông Ngô Thanh Duy (SN 1978, trú tại TP Trà Vinh) điều khiển xe máy trên TL915, khi đến ấp Đồng Điền, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè đã va chạm với xe máy do anh Phạm Hoàng Vui (SN 1998, trú tại huyện Cầu Kè) chở người ngồi sau là chị Trần Thị Hồng Anh (SN 1999) lưu thông hướng ngược lại.
Hiện trường vụ TNGT ôtô đâm vào tiệm bánh mỳ làm 5 người bị thương tại Đà Nẵng. |
Vụ tai nạn khiến ông Duy tử vong và anh Vui bị thương. Qua kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn của ông Duy là 0,76 miligam/lít khí thở và anh Vui là 0,49 miligam/lít khí thở.
Cũng trong tháng 3/2022, khoảng 14h30 ngày 2/3, tại khu vực đường làng phường Cự Khối, Long Biên xảy ra vụ TNGT giữa ôtô BKS 30F - 631.86 do Vũ Văn Khải điều khiển và xe máy BKS 18F4 - 1080 do anh Lại Văn D. (SN 1978, quê Thái Bình) chở sau xe là chị Nguyễn Thị Th (SN 1987, cùng quê Thái Bình). Hậu quả, anh D. và chị Th. bị thương nặng.
Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết lái xe Khải đã sử dụng rượu bia vào thời điểm gây tai nạn khi kết quả đo nồng độ cồn ở mức 0,8 miligam/lít khí thở, vượt gấp đôi mức xử phạt.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Đề xuất sửa Luật Hình sự để phạt tù lái xe sử dụng rượu, bia
Tại Việt Nam, theo Nghị định 100/2019/NĐ, tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà người vi phạm sẽ bị xử phạt số tiền 18-40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng GPLX cũng tăng từ 6 tháng lên gấp 4 lần (24 tháng).
“Dù Nghị định 100 đã tăng mức xử phạt, tỷ lệ tai nạn do uống rượu, bia vẫn cao. Cần có các biện pháp cứng rắn hơn như tăng mức xử phạt, tước vĩnh viễn Giấy phép lái xe”, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, nhận định.
Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật Tiền Phong, cũng cho biết quy định tăng mức xử phạt và “đánh” mạnh vào tái phạm vi phạm nồng độ cồn là cần thiết, nhằm răn đe, làm giảm tình trạng lái xe sử dụng nồng độ cồn không đủ nhận thức để làm chủ phương tiện.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như: Tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng...
Thậm chí, còn phải sửa đổi luật hình sự để phạt tù những trường hợp lái vi phạm nồng độ cồn.
“Dễ dàng chi vài chục triệu nộp phạt, bỏ tù sợ ngay”
Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thông tin: Các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm.
Dù lực lượng chức năng ra quân xử lý, tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn tiếp diễn, gây hậu quả nghiêm trọng. |
“Tôi nghĩ, Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi. Cần xác định rõ lộ trình và từng bước thực hiện để đạt được hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, trước mắt, theo ông Tuấn, lực lượng chức năng cần phải xử nghiêm khi phát hiện vi phạm, không những ra quân kiểm soát xử lý theo giờ mà còn thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên, áp dụng công nghệ để xử phạt.
Song song đó, cần đa dạng các hình thức tuyên truyền Luật GTĐB, từ truyền thông, cộng đồng, cơ quan, trường học…
“Sau một thời gian đánh giá, nếu vi phạm vẫn tiếp tục leo thang cần chuyển hướng sang xử lý hình sự, người dân có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù, sẽ sợ ngay”, ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đang là một trong những mức xử phạt cao nhất, đặc biệt đối với tài xế ôtô.
Nếu có hành vi tái phạm, nên phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt.
Tuy nhiên, để xác định được lái xe tái phạm hay không, lực lượng CSGT cần tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, lưu giữ thông tin người vi phạm và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để đối chiếu, phát hiện tài xế tái phạm và xử phạt thật nghiêm.
“Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lực lượng đều tập trung cho công tác phòng, chống dịch và người dân e ngại tiếp xúc trong quá trình kiểm tra vi phạm nồng độ cồn nên công tác kiểm tra, xử lý có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Ủy ban ATGT Quốc gia mới đây cũng đã chỉ đạo các lực lượng khởi động trở lại công tác TTKS, xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền Luật GTĐB, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, xử nghiêm các hàng quán để khách hàng uống bia, rượu tham gia giao thông.
Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể cũng tăng cường quán triệt cán bộ, viên chức không nhậu nhẹt, tiếp khách vào buổi trưa và trong giờ làm việc”, ông Thái nói.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD.