Cụ thể, tại khoản 9, điều 56, dự thảo Luật Đường bộ quy định: Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng ô tô chở người đến 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách. Phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:
Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền; Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.
Dự thảo Luật Đường bộ đề xuất taxi lên tới 9 chỗ ngồi. Ảnh: Duy Vũ. |
Chia sẻ với VietNamNet về đề xuất này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các quy định trên còn có những điều chưa hợp lý.
Cụ thể đối với loại hình taxi, ông Hùng kiến nghị chỉ chở người đến 8 chỗ ngồi (bao gồm cả lái xe) chứ không phải 9 người như dự thảo đề xuất. Ngoài ra, bổ sung điều kiện taxi được thực hiện nhiều chuyến đi trong ngày.
Lý do ông Hùng đưa ra là do loại hình vận tải hành khách bằng taxi có đặc thù hoạt động chủ yếu tại các vùng đô thị, có nhiệm vụ giải toả nhanh nhất nhu cầu đi lại của người dân với cự ly ngắn nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Do vậy taxi thường có kích thước nhỏ. Trong khi đó những xe 9 chỗ ngồi trên thế giới hiện nay đều có kích thước lớn (như dòng xe Limousine). Vì vậy, nếu quy định xe 9 chỗ cũng được hoạt động kinh doanh taxi sẽ làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị hiện nay.
Về cách thức tính tiền của taxi hiện nay ông Hùng cho biết, các hãng thường căn cứ trên quãng đường, thời gian và đơn giá. Giá cước taxi phải được niêm yết rõ ràng bên trong và bên ngoài phương tiện.
“Quy định này đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp với thực tế cuộc sống, đảm bảo tốt quyền lợi cho hành khách. Nếu quy định thêm phương thức tính tiền theo thỏa thuận với hành khách sẽ trùng với loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Tức là một loại hình vận tải nhưng có hai tên gọi, dễ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, tôi đề nghị quy định “tiền cước theo thoả thuận với hành khách”, ông Hùng nêu ý kiến.
Kiến nghị taxi truyền thống không phải kê khai, niêm yết giá
Tương tự, tại khoản 10, điều 56 dự thảo Luật cũng quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử (trong đó có xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ -taxi công nghệ - PV) giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.
Ông Hùng nhấn mạnh, hiện nay hoạt động kinh doanh vận tải taxi và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ đang có nhiều bất cập mặc dù bản chất của hai loại hình này đều tương đồng như nhau.
Trong khi các hãng taxi truyền thống phải chịu quản lý về giá ở các mức cố định thì những hãng taxi công nghệ lại được chủ động điều chỉnh (giờ cao điểm, giờ thấp điểm, trời mưa, ngày lễ, Tết…).
“Điều này gây ra sự bất bình đẳng. Vì vậy, Hiệp hội taxi Hà Nội từng đề xuất bỏ quy định xe taxi tuyến cố định (taxi truyền thống) phải đăng ký, kê khai và niêm yết giá.
Đồng thời phải quy định rõ ràng để phân định giữa loại hình taxi tuyến cố định và xe hợp đồng dưới 9 chỗ để kiểm soát chặt chẽ, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hài hoà quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.